Nhiều bà bầu khi mang thai đã quá ngày dự sinh nhưng vẫn chủ quan chưa đi đến bệnh viện vì chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ, điều này là vô cùng nguy hiểm.
Nhiều trường hợp suýt mất con vì “chửa trâu”
Đã có không ít sự việc, sản phụ sinh con ra có những biến chứng khi thai bị già tháng như bị suy hô hấp, bong tróc da, thiếu dinh dưỡng, thậm chí là thai chết lưu.
Ví dụ như trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Hồng Ngọc ở Ba Vì (Hà Nội) sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo chị Ngọc, dù quá dự kiến sinh hơn 1 tuần, nhưng chỉ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, khi ở tuần 39 đi khám và siêu âm bác sĩ cho biết chưa có dấu hiệu sinh nên đã cho về.
“Về nhà 1 tuần, vẫn chưa thấy dấu hiệu sinh gì cả, lo qua gia đình thuê xe xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám tư, lúc này các bác sĩ cho biết thai đã 41 tuần tuổi và cần phải nhập viện theo dõi ngay.
Nhập viện theo dõi được vài tiếng thì bác sĩ giải thích cần phải mổ ngay vì thai đã già tháng, không mổ đứa trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng để hấp thu, rất may gia đình tôi quyết mổ ngay, khi cháu bé ra đời, bác sĩ cho biết bánh rau đã teo, nếu để thêm sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con”, chị Ngọc kể lại.
Một trường hợp thai già tháng khác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tương tự như trên, khi thai đã trên 40 tuần tuổi và gia đình vẫn có gắng để sinh thường, vì đây là lần “lâm bồn” đầu tiên.
Tiên lượng không tốt nên các bác sĩ giải thích và tiến hành mổ cho sản phụ, đúng như dự tính khi mổ ra thai nhi đã rụng nhiều tóc, ối có nhiều vẩn đục, da chân, tay của trẻ sơ sinh đã bị bong tróc bất thường…
Khi thai quá tuần tuổi cần phải kiểm tra thường xuyên và có sự theo dõi của bác sĩ.
Cần phải nhớ ngày kinh cuối chính xác
Trước sự nguy hiểm của thai già tháng với sản phụ và trẻ sơ sinh, BS Chuyên khoa sản Trần Ngọc Cường – PGĐ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thai già tháng hay dân gian còn gọi là “chửa trâu” gây nguy hiểm và dễ xảy ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé.
“Lý do nguy hiểm là vì khi thai già tháng, bánh rau teo, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sẽ không đầy đủ, ngoài ra trẻ có hiện tượng phát triển trong bụng mẹ như rụng tóc máu, móng tay – chân dài, bong tróc da khiến nước ối có nhiều cặn bẩn, trẻ ảnh hưởng đến đường hô hấp thậm chí là sặc hoặc ngạt.
Về sản phụ, do chủ quan khi không thấy có dấu hiệu sinh, nên không đến bệnh viện để theo dõi, điều này khiến cho trẻ dễ bị chết lưu từ trong bụng và ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ”, BS Cường nói.
“Một thai nhi được coi là già tháng là khi thai đã đạt 41 tuần trở lên, trong quá trình làm nghề, chúng tôi gặp không ít những trường hợp này, thậm chí là 45 tuần cũng có. Còn thai đủ tháng là từ tuần 37 cho đến tuần thứ 40, nhưng khoảng sinh “đẹp” nhất là 39-40 tuần tuổi.
Còn một sản phụ sinh trong khoảng từ 22 đên 37 tuần được coi là sinh non. Thực ra, trước đây sinh nong được tính từ tuần thứ 25, nhưng do hiện nay khoa học phát triển nhiều nước ghi nhận nuôi được trẻ lơn lên từ tuần 22 nên đã lấy thời điểm này. Và tất cả những trường hợp dưới 22 tuần thì được gọi là sảy thai”. BS Cường phân tích.
Theo các chuyên gia về sản khoa, tỷ lệ tử vong do “chửa trâu” tăng dần theo thời gian có thai quá với thời gian bình thường. Theo đó tỷ lệ này cao gấp hai lần bình thường khi thai trên 43 tuần; gấp ba lần khi thai trên 44 tuần. Thai từ tuần 42 tuần đến tuần 45 nguy cơ chết trong tử cung là trên 80%, trên 45 tuần là 100%.
Để phòng ngừa thai quá ngày, tốt nhất là khám thai định kỳ và siêu âm trong khoảng ba tháng đầu tại các cơ sở y tế. Đây là cơ sở giúp xác định tuổi thai chính xác để can thiệp sớm, tránh xảy ra đáng tiếc. Để tính được dự kiến ngày sinh, cách đơn giản nhất dựa vào cách tính theo ngày kinh.
Điều quan trọng khi mang thai các thai phụ nên nhớ chính xác ngày của kỳ kinh cuối để giúp các bác sĩ dự kiến được ngày sinh chính xác, nếu nghi “chửa trâu” cần đến cơ sở y tế khám thai ngay để được theo dõi. Bởi thai già tháng sau khi sinh trẻ khó nuôi vì cơ thể của trẻ không được thoát ra ngoài tử cung đúng thời điểm, sức đề kháng kém, nuôi dưỡng một thời gian cuối trong bụng mẹ không tốt do xơ hóa Nhau thai và dễ bị biến chứng sau sinh.