Việc lưu tên vợ trong điện thoại của thầy Cương khá đặc biệt. Thầy đặt theo câu tiếng Anh “My Love” nhưng ghi theo giọng xứ Nghệ là “Mi lo về”, vừa tình cảm lại vừa thể hiện trách nhiệm mỗi khi vợ gọi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: "Thầy Cương lưu tên vợ trong điện thoại là "Mi lo về"
"Dù biết thầy Văn Như Cương bị bệnh khá lâu nhưng sáng nay nghe tin thầy Văn Như Cương qua đời tôi vô cùng bất ngờ và thương tiếc. Giữa tôi và nhà giáo Văn Như Cương có mối thâm tình khá lâu. Có thể gọi là bạn vong niên vì thầy hơn tôi 20 tuổi. Thầy có cốt cách của nhà giáo, nhà nho, ông đồ Nghệ nhưng rất dễ gần, dễ thân, dễ hòa đồng, có thể làm bạn nhiều người, nhiều thế hệ.
Không những thế thầy Cương còn là người dí dỏm, hóm hỉnh. Tài đối đáp, chơi chữ, biết nói ra những điều theo cách của mình nên những bài diễn văn, khai giảng của ông có sức hút.
PGS Văn Như Cương, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nhà văn Đoàn Tử Huyến, Nhà văn Phạm Toàn gặp nhau lần cuối vào ngày 4/9.
Ví dụ như việc lưu tên vợ trong điện thoại. Bình thường mọi người sẽ lưu tên vợ, hoặc ghi chữ "Vợ". Nhưng thầy đặt câu tiếng Anh “My Love” nhưng ghi theo câu xứ Nghệ là “Mi lo về”. Câu này vừa thấy tình cảm thầy dành cho vợ lại vừa thể hiện trách nhiệm của người chồng mỗi khi vợ gọi.
Hay chuyện về thời bao cấp, nhà nhà nuôi heo nên phải thu bớt diện tích nhà để dành chỗ nuôi. Người ta lập biên bản xử thầy Cương lại nuôi heo trong nhà, thầy bảo "Các anh phải nói cho đúng, là heo nuôi thầy Cương chứ không phải thầy Cương nuôi heo".
"Ông mang râu trắng về trời/Hòa cùng mây trắng rong chơi/Vân phù! (Ảnh được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chụp tháng 7/2013)
Thầy còn là người giỏi câu đố như câu: "Văn như Cương, Toán cũng như Cương". Hay mỗi năm ông đều có câu đối giao cho bạn bè. Năm 2008, từ năm Tí sang năm Sửu, ông đưa câu đối khiến mọi người phải tấm tắc là "Năm chuột qua cháy nhà vẫn không ra mặt chuột. Tết trâu đến gảy đàn liệu có lọt tai trâu".
Thầy Văn Như Cương cả đời vì giáo dục. Thời gian vừa qua trường Lương Thế Vinh bị "lùm xùm" nhưng tôi vẫn luôn tin thầy Cương.
Hệ thống nào toàn vẹn đến đâu cũng phải có khiếm khuyết, trường thành lập gần 30 năm cũng phải có những cái chưa cập nhật. Nhưng nếu hỏi, tôi luôn tin vào Văn Như Cương, tin vào tâm huyết và tin vào công việc của ông".
GS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Dù không học trường Sư Phạm nhưng tôi luôn gọi thầy Cương là thầy”
“Tôi không học toán và cũng không học trường Sư phạm nên chỉ biết thầy Cương qua công việc nhưng tôi luôn gọi thầy Cương là Thầy. Bởi vì thứ nhất thầy thuộc thế hệ thầy của tôi và thứ hai là tôi tự nhận thấy mình học được rất nhiều điều từ thầy về tri thức giáo dục và tri thức đời sống, nhân cách.
Tôi với thầy Cương cũng chỉ gặp nhau ở những trại sách khi cùng đi hoàn thiện sách, thẩm định sách. Những lúc giải lao thầy trò cũng có nói chuyện với nhau. Thầy Cương là người rất độc đáo và tài hoa. Ngay trong câu chuyện bên lề thầy cũng thể hiện là người thông thái, hóm hỉnh, hài hước. Đặc biệt, thầy là một người dạy toán nhưng làm câu đối và làm thơ Đường rất giỏi.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Đối với tôi, thầy Cương là người cả đời cống hiến cho giáo dục. Thầy là người đầu tiên xây dựng trường tư thục khi nước ta chưa ai dám làm, chưa ai dám nghĩ. Trường THPT Lương Thế Vinh là trường rất thành công và là mô hình cho các trường sau này làm theo. Hệ thống trường tư thục bổ sung cho trường công lập khi đất nước còn khó khăn, nhà nước không đủ tài chính cần huy động trí tuệ, đóng góp của xã hội. Đây là mô hình hiệu quả.
Về các vấn đề cụ thể của giáo dục, thầy cũng có nhiều ý kiến kịp thời, sắc sảo, thẳng thắn và đặc biệt ý kiến của thầy luôn mang tính xây dựng. Những trí thức như thầy hết sức đáng quý".
Thầy Văn Như Cương trong ký ức của thầy giáo già tại trường Lương Thế Vinh 19 năm dạy học cùng thầy Văn Như Cương, đồng thời cùng là một trong số những người thầy đầu tiên về giảng dạy tại trường THPT Lương Thế Vinh, thầy giáo Phạm Ngọc Toại (76 tuổi) vẫn còn nguyên những kỷ niệm trong những ngày đầu thành lập trường. Thầy Toại cho biết, do là trường dân lập đầu tiên được thành lập ở Hà Nội nên ban đầu số giáo viên về tham gia giảng dạy còn rất ít. Tuy nhiên, bằng uy tín của mình, thầy Cương đã mời được những thầy giáo có uy tín, giỏi về chuyên môn về giảng dạy tại nhà trường. Không chỉ là người có chuyên môn sư phạm cao, trong mắt thầy Toại, PGS Văn Như Cương còn là một thầy giáo có tâm hồn nghệ sĩ, một nhà quản lý tài ba. Thầy giáo Phạm Ngọc Toại Về cuộc sống đời thường, thầy Văn Như Cương là người mẫu mực, nghiêm khắc và xử lý mọi việc đều có tình có lý: “Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy Cương, đó là cùng đọc thơ với thầy Cương trên đài tiếng nói cách đây hai chục năm trước. Hay như những kỷ niệm về giờ lên lớp cách đây gần 20 năm, khi thầy Cương góp ý cho tôi về môn văn là môn tôi dạy, những góp ý đó rất uyên tâm. Rồi kỷ niệm tôi và thầy Cương ngoắc tay nhau để cai thuốc lá, những lần thầy và tôi ra câu đối, vịnh thơ…". Còn trong giao tiếp với đồng nghiệp trong trường, thầy Cương xây dựng được không khí và môi trường sư phạm rất tốt. Nếu như ở các trường khác nhau, xưng hô có thể là chú – cháu, sếp – nhân viên… nhưng ở Lương Thế Vinh thì chỉ có hai từ thầy – cô, dù những giáo viên đó còn rất trẻ, đáng tuổi con, cháu mình. Ngoài vấn đề giáo dục, trong mắt người đồng nghiệp này, thầy Văn Như Cương còn là một “chiến binh” trong việc chiến đấu với bệnh tật. “Thời gian mắc bệnh, tôi cũng nhiều lần đến thăm và trò chuyện với thầy Cương, phải nói thầy là một chiến binh tuyệt vời, dù mắc bệnh ung thư nhưng thầy luôn có tinh thần lạc quan, không hề nao núng”, thầy Toại nói. Lê Đình Phương |
>> XEM THÊM: 10 câu nói để đời của thầy Văn Như Cương khi răn dạy học trò