Bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT; Cấp Giấy phép lái xe quốc tế sử dụng ở 85 nước; Hộ nghèo được vay đến 25 triệu đồng để xây, sửa nhà ở… là những chính sách sẽ có hiệu lực từ 1/10/2015.
Bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT
Theo Quyết định 919/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/QĐ-BHXH; Quyết định 1399/QĐ-BHXH; Quyết định 488/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới ban hành, từ 1/10/2015 sẽ bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT.
Theo đó, 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT sẽ được bãi bỏ gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thai sản (mẫu 11A-HSB; 11B-HSB); giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (mẫu 06/BHYT); giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận (mẫu 17-CBH); giấy xác nhận đang đi học của nhà trường (mẫu 22-CBH); giấy đề nghị tạm ứng mai tang phí (mẫu 30-CBH); quyết định của cấp có thẩm quyền cử đi học tập, làm việc ở nước ngoài; giấy ủy quyền nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT; Giấy đề nghị xác nhận chữ ký (mẫu số 21-CBH); danh sách xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (mẫu số 24a-CBH); giấy xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (mẫu số 24b-CBH).
Cấp Giấy phép lái xe quốc tế sử dụng ở 85 nước
Theo kế hoạch, đầu tháng 10 Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cấp Giấy phép lái xe quốc tế ở 85 nước tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna).
Theo Thông tư 29/2015/TT-BGTVT, đối tượng được cấp Giấy phép lái xe quốc tế (IDP) là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng.
Giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn không quá 3 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia. Hạng xe được điều khiển của IDP tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp quy định.
Đầu tháng 10/2015, Tổng cục Đường bộ sẽ cấp giấy phép lái xe quốc tế được sử dụng ở 85 nước. (Ảnh minh họa)
Hộ nghèo được vay đến 25 triệu đồng để xây, sửa nhà ở
Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.
Theo đó, từ ngày 1/10/2015, hộ gia đình thuộc hộ nghèo, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát… sẽ được vay vốn với mức tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sửa chữa, xây mới; lãi suất 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
Sau khi xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp nhà ở sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Tuy nhiên, chỉ được chuyển nhượng nhà sau khi đã trả hết nợ vay (cả gốc và lãi).
Các trường đại học được xếp theo 3 hạng
Đây là quy định tại Nghị định số 73/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 8/9/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2015.
Theo đó, 10 năm một lần, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được phân tầng theo mục tiêu, định hướng đào tạo, gồm: Cơ sở giáo đại học định hướng nghiên cứu, theo định hướng ứng dụng và theo định hướng thực hành.
Tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng, tùy theo chất lượng sẽ được sắp xếp vào 3 hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; Hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất; Hạng 2 là 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc Hạng 1 và Hạng 3. Việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 02 năm/lần.
Thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN
Thông tư số 28/2015/TT-BCT, có hiệu lực từ ngày 5/10/2015, cho phép thương nhân được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O mẫu D).
Theo đó, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình phải là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính mình sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD và phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị của Bộ Công Thương chỉ định cấp.
Sau khi được lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân vẫn có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D theo quy định hiện hành.