Trong lúc Bộ Y tế thông báo số ca mắc sởi đã tạm lắng thì những ngày qua, bệnh nhân mắc sởi vẫn ùn ùn nhập viện và các trường hợp biến chứng nặng không ngừng tăng.
Từ đầu năm 2014 đến nay Việt Nam ghi nhận có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm này, số ca mắc của năm nay thấp hơn vụ dịch năm 2009 - 2010 khoảng gần 2.000 trường hợp.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi trong thời gian qua là do trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi.
Trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều đại dịch sởi ở nhiều quốc gia gây tử vong lớn. Hãy cùng điểm lại những đại dịch sởi nguy hiểm trên thế giới trong những năm gần đây:
Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung Ương luôn trong tình trạng quá tải, do số lượng bệnh nhi mắc sởi cao kỷ lục
Dịch sởi bùng phát tại Mỹ năm 2013
Sau gần một thập kỷ gần như loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sởi nhờ vào chương trình tiêm chủng diện rộng ở trẻ em thì vào năm 2013, nước Mỹ bất ngờ chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh này.
Theo Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ, nuớc Mỹ xuất hiện 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp ba lần mức trung bình 60 ca/năm trong vòng 10 năm.
Theo Bộ Y tế Mỹ, năm 2013, hầu hết các trường hợp mắc sởi mới đều đến từ châu Âu. Có tới 25 trường hợp (gần 50%) có nguồn gốc từ châu Âu. Trong số này có sáu ca từ Đức, bốn ca từ Anh, bốn ca liên quan tới Ba Lan và hai ca bắt nguồn từ Italy.
Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ Tom Frieden khẳng định 90% các ca nhiễm bệnh tại Mỹ xuất phát từ việc không tiêm chủng.
Dịch sởi mới nhất xảy ra tại Mỹ trong thời gian từ 1989-1991, trong đó có hơn 55.000 trường hợp nhiễm sởi và 123 người đã tử vong.
Trong giai đoạn 2001-2011, nước Mỹ ghi nhận tổng số 911 ca mắc sởi, trung bình chưa tới tỷ lệ 1/1 triệu người dân.
Trong tuần vừa qua, một chuyên gia dịch tễ học tại thành phố New York, Mỹ đã cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch sởi hiếm hoi gần đây ở thành phố này có thể xuất phát từ chính các cơ sở y tế do việc cách ly bệnh nhân không kịp thời của các y bác sĩ.
Bác sĩ Jay Varma, Phó Trưởng ban Kiểm soát Dịch bệnh thành phố New York cho hay các điều tra viên đang xem xét việc 20 bệnh nhân sởi chủ yếu tập trung ở bắc Manhattan có phải bị lây bệnh từ các cơ sở y tế hay không.
Số ca mắc quá đông, BV Nhi Trung ương phải dành cả khoa lây chỉ để điều trị bệnh sởi
Dịch sởi tại Pháp năm 2011
Năm 2011, Pháp trải qua một đợt bùng phát dịch sở trên diện rộng do nhiều trẻ em không được tiêm phòng dịch.
Theo thống kê do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 21/4/2011, tại Pháp đã ghi nhận 4.937 trường hợp mắc sởi trong ba tháng đầu năm 2011, một con số quá lớn nếu so với 5.090 trường hợp trong cả năm 2010.
TS Rebecca Martin, phụ trách chương trình vắc-xin phòng bệnh EU của WHO, cho biết: “Khoảng 30% trẻ em Pháp đã không được tiêm chủng”.
Dịch sởi bùng phát ở Châu Phi năm 2013
Cộng hòa dân chủ Congo xuất hiện dịch sởi lớn nhất trong 2013 kể từ trước đến nay. Cộng hòa dân chủ Congo đứng đầu danh sách dịch sởi năm 2011 với hơn 134.000 trường hợp và năm 2012 với gần 74.000 trường hợp. Những trường hợp này có thể chỉ đại diện ít hơn 1/10 số ca thực tế. Năm 2013, Bộ Y tế báo cáo 54.000 ca bệnh và gần 800 trường hợp tử vong.
Nigeria cũng đối mặt với dịch sởi trên quy mô lớn toàn quốc với gần 29.000 trường hợp tập trung vùng Tây Bắc nhưng lan rộng tất cả các bang của Nigeria.
Theo thông tin giám sát của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia Châu Phi khác có dịch sởi lớn bao gồm Angola, Benin, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Congo, Ethiopia, Gabon, Kenya, Mali, Sudan, Togo and Uganda.
Những đại dịch sởi Châu Âu
Châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng bệnh sởi từ năm 2011 với các vụ dịch lớn ở Pháp, Ro-ma-ni và U-krai-na. Nhiều vụ dịch lớn năm 2013 xảy ra ở Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, và Nga.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng ghi nhận trên 26.000 trường hợp bệnh sởi tại 36 quốc gia châu Âu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2011, với 83% xảy ra ở Tây Âu với 9 trường hợp tử vong và 7.288 ca nhập viện.
Tại Bulgaria, dịch sởi bùng phát mạnh nhất. Bà Martin cho biết: “Đã có 1 ổ dịch lớn vào đầu tháng Tư năm 2009 và kéo dài tới năm 2010 với hơn 24.000 trường hợp mắc bệnh và 24 người chết tại Bulgaria”.
Các quan chức y tế Anh cũng xác nhận có 53 trường hợp mắc sởi trong những tháng đầu năm 2011 và một vài trường hợp là do đi du lịch tới các nước có dịch sởi.