Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014

Ngày 02/01/2015 14:42 PM (GMT+7)

Đề án máy tính bảng, bỏ chấm điểm, làm bài tập về nhà, kỳ thi THPT quốc gia chung hay thay thang điểm 10 thành thang điểm 20... là những vấn đề giáo dục gây tranh cãi trong năm 2014

Đề án máy tính bảng

Nội dung đề án với tên gọi “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 - 2015” được đề cập tại hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” diễn ra vào chiều 18/8 tại Sở GD-ĐT TPHCM. Đây là một trong những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014.

Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 - 1

Quản lý, giáo viên ở TPHCM thử nghiệm việc dạy học với sách giáo khoa điện tử qua máy tính bảng. (Ảnh: Hoài Nam).

Theo đó, lớp học sẽ được trang bị Wifi, mỗi học sinh (HS) sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung sách giáo khoa chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D.

Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng GV và HS từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố sẽ trang bị cho mỗi GV một máy tính bảng, số lượng là 10.389 chiếc và 5.334 chiếc và cho HS thuộc diện đối tượng chính sách. HS không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh chịu kinh phí hoàn toàn, số lượng là 321.793 chiếc. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, Sở GD-ĐT TPHCM quyết định ngừng đề án này sau khi nhận được nhiều ý kiến phản đối.

Không giao bài tập về nhà, không chấm điểm

Thông tư 30, ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học vào ngày 28/8 với nội dung được phụ huynh quan tâm là không giao bài tập về nhà và không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Giáo viên sẽ nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của các em về những kết quả đã làm được và chưa làm được.

Sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 này nhận được nhiều ủng hộ của các bậc cha mẹ bởi làm giảm tải áp lực học cho các em khi còn quá nhỏ.

Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 - 2

Tuy nhiên, chính việc không chấm điểm lại khiến cho các giáo viên rối bời trong với đủ loại sổ nhận xét và. Nhiều trường đã sáng tạo ra con dấu bằng hình mặt cười, bông hoa... để thay cho con số cũng tạo cảm giác hoang mang cho học sinh lẫn phụ huynh vì không rõ con mình học lực đang ở mức độ nào.

Sau gần một học kỳ thực hiện thông tư 30, một số ý kiến cho rằng cô giáo không giao bài tập về nhà thì nên chấm điểm để tạo động lực cho các em tiến bộ.

Kỳ thi THPT quốc gia

Chiều 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi chung quốc gia. Theo đó, từ năm 2015, chính thức tổ chức một kỳ thi quốc gia thay vì thi cả tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 - 3

Thi tốt nghiệp 4 môn có lợi thế cho sĩ tử khối D (Ảnh minh họa).

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nhận xét chung của nhiều học sinh, đây là phương án thi nhẹ nhàng, đỡ áp lực nhất. Thay vì phải thi tới 6 môn tốt nghiệp và 3 môn đại học như trước đây, bây giờ các em chỉ phải thi tối thiểu 4 môn.

Tuy nhiên, trái ngược lại, phương án thi 4 môn này nhận được nhiều băn khoăn của các em học sinh thi những khối khác vì kỳ thi này có lợi cho học sinh khối D, nhiều khối khác ôn thi không kịp...

Thay thang điểm 10 bằng 20

Một thay đổi “lạ” trong dự thảo quy chế tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối năm là việc dùng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 trong chấm thi. Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 - 4

Thang điểm chấm 20 cũng là sự kiện giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 (Ảnh minh họa: Đàm Duy)

Việc mở rộng thang điểm 10 sang 20 sẽ giúp công tác chấm thi chi tiết hơn, hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển ĐH, CĐ. Cụ thể , các ý nhỏ trong bài thi sẽ được chấm lẻ đến 0,25 và không làm tròn.

Việc nâng thang điểm cũng làm thay đổi quy định về các ngưỡng tối thiểu: điểm liệt của thí sinh sẽ được nâng từ 1 điểm trở xuống lên 2 điểm trở xuống, điểm ưu tiên tối đa xét tốt nghiệp THPT nâng từ 4 lên 8 điểm.

Hiện dự thảo thang điểm 20 cũng gây nhiều băn khoăn với học sinh vì điểm sàn sẽ thay đổi thế nào, điểm xét tuyển, trúng tuyển cũng sẽ tính ra sao?...

Dự án đổi mới sách giáo khoa 34 nghìn tỷ đồng

Tháng 4/2014, tại dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trước UB Thường vụ QH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng, chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện trong 1-2 năm.

Những đề án giáo dục gây tranh cãi nhất năm 2014 - 5

Con số hơn 34 nghìn tỷ đồng đã gây sốc cho dư luận bởi đây là con số quá lớn. Sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phủ nhận tính xác thực của con số này và cho biết đây mới chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu của một số chuyên gia.

Phiên họp của UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH diễn ra sáng 25/4 thảo luận thẩm tra dự án nghị quyết QH về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đích thân đọc công văn của Chính phủ xin hoãn trình dự án vì cần có thời gian chuẩn bị để đạt yêu cầu về chất lượng.

Tăng học phí khoảng 12 triệu đồng/năm/sinh viên.

Dự thảo Nghị định được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, trong đó nêu rõ lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước từ năm 2015 đến năm 2018.

Theo đó, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước từ năm 2015 đến 2018 được chia thành ba giai đoạn: đến năm 2015, mức giá được tính đủ chi phí tiền lương của toàn bộ cán bộ, giảng viên, viên chức của đơn vị.

Đến năm 2016, ngoài các chi phí được tính như năm 2015, giá dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách nhà nước thêm chi phí quản lý chung của đơn vị. Năm 2016 cũng chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định.

Đến năm 2018, mức giá tính đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý. Với bậc đại học, dự kiến mức học phí bình quân khoảng 12 triệu đồng/năm/sinh viên. Nhà nước vẫn bao cấp bậc tiểu học. Ở cấp THCS và THPT, Nhà nước sẽ bao cấp một phần. Riêng đại học, Nhà nước sẽ tăng hỗ trợ cho các đối tượng chính sách.

Tào Nga (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan