Những đề bài của kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, học sinh tư duy xuất sắc mới làm được

Ngày 13/06/2019 06:00 AM (GMT+7)

Gaokao là kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới với hơn 10 triệu thí sinh tham dự mỗi năm ở Trung Quốc. Năm nào cũng vậy, những đề bài của kỳ thi này đều là chủ đề khiến dân mạng bàn tán xôn xao.

Sáng 7/6 vừa qua, hơn 10 triệu thí sinh Trung Quốc bắt đầu kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách để giành cho mình một suất vào đại học. Gaokao được coi là kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới bao gồm phần thi trắc nghiệm và tự luận. Sự khốc liệt của kỳ thi này nằm ở đề bài vô cùng "khó nhằn" đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng.

Mỗi tỉnh và khu vực đều có đề thi riêng. Bởi vậy sau mỗi môn thi, trên mạng xã hội Trung Quốc đều sôi nổi bàn tán về đề thi giữa các tỉnh thành. Sau đây là những đề thi được đánh giá là hay nhất trong 10 năm qua. Những đề bài này đều đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích vấn đề, tư duy và triển khai một cách mạch lạc, rõ ràng, trúng ý, hơn cả là sự sáng tạo của mỗi học sinh.

Bên cạnh đó, để có thể giải quyết những đề bài này, học sinh còn phải am hiểu kiến thức xã hội và biết cách vận dụng những gì được học trên ghế nhà trường vào những vấn đề thực tế.

Những đề bài của kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, học sinh tư duy xuất sắc mới làm được - 1

Hàng triệu thí sinh Trung Quốc vừa tham dự kỳ thi khốc liệt nhất thế giới

Đề thi ở Phúc Kiến 2008: Ba người bước vào một cửa hàng. Người thứ nhất mua nước trái cây và nói “Tôi thích vị ngọt này!”, người thứ hai mua một tách cà phê và nói “Tôi thích vị vừa đắng vừa ngọt này!”, người còn lại mua một chai nước suối và nói “Tôi lại thích vị của nước khoáng!”. Viết một bài văn nghị luận về đề tài trên. 

Đề thi ở Hồ Nam 2011: Lời nói đầu tiên của một ca sĩ nổi tiếng thay đổi từ “Xin chào, tôi đã đến!” sang “Cảm ơn vì bạn đã đến đây!”. Viết một bài văn nghị luận về đề tài trên. 

Đề thi ở Thiên Tân 2012: Có hai chú cá bơi dưới sông, chú cá già hỏi chú cá nhỏ: “Nước sông thế nào?”. Cá nhỏ nói: “Tôi không biết nước trong hay đục”. Có những điều nhỏ nhặt như vậy phản ánh những nguyên tắc trong cuộc sống. Viết một bài văn nghị luận về đề tài trên.

Đề thi ở Bắc Kinh 2013: Viết bài luận về cách Thomas Edison phản ứng với điện thoại di động nếu ông ghé thăm thế kỉ 21. 

Đề thi ở Thiên Tân 2014: Tưởng tượng một ngày bộ óc con người được cấy một siêu chip thông minh, giúp cho ngay cả một bà lão cũng có thể am tường mọi vấn đề, lĩnh vực trong cuộc sống. Không ai còn cần phải học tập. Hãy bày tỏ suy nghĩ của bạn.

Đề thi ở Trùng Khánh 2015: Một cậu bé lên xe bus và xin tài xế dừng xe chờ mẹ mình một chút, vài phút sau vẫn chưa thấy người mẹ đâu, hành khách phàn nàn to tiếng, cậu bé bắt đầu khóc. Một lúc sau người mẹ xuất hiện, tất cả mọi người đều im bặt - mẹ cậu bé là người khuyết tật. Viết một bài văn nghị luận về đề tài trên.

Đề thi ở Thượng Hải 2016: Phán xét cuộc sống người khác không còn là một hiện tượng xa lạ. Hiện tượng này ảnh hưởng nhất định đến mỗi cá nhân và toàn xã hội. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của bạn về hiện tượng trên.

Đề thi toàn quốc 2017: Hôm nay, bạn cùng hàng triệu thí sinh khác đang tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2017. Hãy viết một bài văn với tiêu đề “Tôi nhìn vào kỳ thi tuyển sinh đại học” hoặc “Kỳ thi tuyển sinh đại học của tôi”.

Những đề bài của kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, học sinh tư duy xuất sắc mới làm được - 2

Học sinh Trung Quốc có áp lực học tập vô cùng nặng nề

Đề thi ở Bắc Kinh 2018: Chọn 1 trong 2 đề sau:

- Hôm nay, có rất nhiều bạn trẻ sinh năm 2000 cùng thi đại học. 18 năm trôi qua, tổ quốc không ngừng phát triển, các em cũng trưởng thành. Từ đề bài "tân thanh niên thời đại mới nói về sự trưởng thành trong sự phát triển của tổ quốc", hãy viết thành một bài văn.

- Một môi trường sinh thái tươi đẹp là điều mà mỗi một người dân Trung Quốc đều muốn. Đề bài là "lục thủy thanh sơn đồ" (bức tranh non xanh nước biếc), hãy tưởng tượng và viết một bài văn một nghìn chữ về mỹ cảnh hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Đề thi ở Thiên Tân 2019: “Đúng là Trung Quốc hiện nay đã bị tàn phá và kém phát triển, nhưng ai có thể khẳng định rằng đất nước này không có tương lai cơ chứ? Không, không bao giờ, chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có một tương lai tươi sáng mà ai cũng phải ca ngợi.” - Fang Zhimin.

“Đất nước là của chung. Yêu nước là trách nhiệm của mỗi cá nhân.” - Tao Xingi.

“Nếu bạn có thể tạo ra một làn sóng nhỏ ào ạt, và huýt sáo cùng đoàn người nhiệt tâm để thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người, tôi tin đó là điều đáng tự hào nhất trên đời.” - Huang Danian.

Hãy viết một bài văn về suy nghĩ và cảm xúc của bạn được gợi lên từ những câu nói trên.

Cùng với đó, một đề bài khác trong năm 2019 ở tỉnh Giang Tô khiến nhiều người xúc động. Đề bài đưa ra một bức tranh người thầy đứng trước học trò của mình, còn trước mặt các em là bài vở chồng chất trên bàn. Dòng mô tả cho biết trong buổi học cuối trước kỳ tốt nghiệp, thầy giáo nói với học sinh: "Các em nhìn sách thêm một lần và thầy cũng nhìn các em thêm một lần nữa".

Đề bài này đã khiến cộng đồng mạng xúc động, nhiều người không kìm nổi nước mắt bởi nhìn vào bức tranh khiến họ nhớ lại thời thanh xuân và người thầy của mình.

Bài văn của học trò lớp 2 kể về bố và chi tiết khiến ai cũng cảm động
Không dùng những từ ngữ, câu nói phức tạp, hoa mỹ, bài văn của em học trò lớp 2 vẫn đủ sức khiến nhiều người lớn xúc động.
H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục