Bố của 'cô gái vàng' Ánh Viên kể, cô có khiếu bơi lộ từ bé, nhưng hồi nhỏ anh cho con gái học bơi chỉ vì không muốn con bị đuối nước chứ không nghĩ đến việc con sẽ thành một vận động viên bơi lội như bây giờ.
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Tác (SN 1975, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, Cần Thơ) đi từ niềm vui này đến niềm vui khác khi nghe cô con gái rượu là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (SN 1996) liên tục đạt huy chương vàng tại Sea Games 28. Khuôn mặt rạng rỡ khi có người từ xa đến thăm. Giọng đều đều, anh nói: “Không thể có từ nào diễn tả được niềm vui của bậc cha mẹ lúc này”.
Anh Tác kể, Viên ra đời cũng như hàng triệu đứa trẻ khác. Từ lúc nhỏ đến lớn, Viên ít khi bị bệnh. Lúc một tuổi, Viên bị sốt xuất huyết. Gia đình đưa đến bệnh viện. Bác sĩ khám rồi cho về nhà điều trị. Hôm sau, da nổi nhiều vết sần đỏ. Gia đình lại đưa Viên trở lại bệnh viện. Lúc này, bác sĩ thông báo, bệnh tình rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau đó, Viên cũng được chữa khỏi. “Đó là lần cháu vào bệnh viện duy nhất”, người cha nói.
Ánh Viên trên đường đua xanh tại Sea Games 2015
Gia đình anh có 4 công ruộng nên cuộc sống cũng đủ ăn đủ mặc. Tuy nhiên, do cha mẹ suốt ngày bận rộn việc đồng áng nên Viên được ông bà nội chăm lo. Viên là đứa trẻ hiếu động, khiến ông bà khá khó khăn chăm sóc, trông giữ.
Gia đình anh Tác mang tiếng người thành phố nhưng cuộc sống cũng chẳng khác gì ở quê. Vẫn ruộng đồng, sông nước. Mỗi mùa nước nổi, lũ lụt lại tràn về. Ở miệt vườn ấy, bậc cha mẹ lo sợ khi con nước về. Do đó, tất cả các đứa trẻ ở đây đều được dạy bơi khi còn khá nhỏ.
Chừng 4 tuổi, Viên được ông nội cõng trên lưng, bơi ra con sông trước nhà. Sau đó, ông thả ra cho Viên tập bơi. Chỉ chưa đầy một tuần, Viên đã có thể tự bơi mà không cần sự giúp đỡ của ông nội. “Thuở ấy, gia đình không nghĩ rằng sau này cháu sẽ trở thành một vận động viên. Việc học bơi chỉ với một mục đích duy nhất là không bị đuối nước”.
Viên không có thành tích học tập xuất sắc. Nhiều năm liền, Viên là học sinh trung bình. Viên học lớp 5 thường ra sông bơi lội. Anh Tác hỏi thì mới biết, ở trường có dạy môn bơi. Sau đó, Viên đi thi Hội khỏe phù đổng và giành được huy chương vàng. Bộ sưu tập của Viên ngày một nhiều.
Anh Nguyễn Văn Tác bên những tấm HCV của con gái
Từ đó, nhiều đơn vị đến ngỏ ý muốn nhận dạy bơi để Viên phát huy năng khiếu bơi lội. Trong đó, có Trung tâm thể dục thể thao Quốc Phòng 4. Viên thấy vậy thì vui lắm. Nhưng, bậc cha mẹ rất lo lắng. Bởi, Viên là con gái, cuộc sống xa nhà chắc chắn sẽ gặp rất nhiều điều khó khăn. Gia đình lần lữa. Nhưng, thấy Viên hăng hái, hân hoan nên cuối cùng anh cũng chấp thuận cho con gái đầu quân vào Trung tâm thể dục thể thao Quốc Phòng 4.
Thuở trước, Viên tập luyện ở thành phố Cần Thơ, nửa tháng về thăm nhà một lần. Khi Viên được chuyển lên Trung tâm Quốc phòng 2 (quận Thủ Đức, TP HCM), gia đình cũng không hay. Lâu không thấy con gái về, gia đình đến thăm thì mới biết Viên đã lên Sài Gòn. Sau đó, anh lặn lội lên thăm con.
Từ đó, mỗi năm Viên chỉ được về thăm gia đình một lần trong một ngày. Về sau, khi Viên được đưa ra nước ngoài huấn luyện, thời gian về thăm gia đình cũng không có gì thay đổi. Đến nay, đã bốn năm, Viên chưa được đón tết cùng gia đình.
Ánh Viên (giữa) giành 7 huy chương vàng, phá 8 kỷ lục tại Sea Games
Bình thường, Viên liên hệ với gia đình bằng điện thoại. Năm đầu tiên xa nhà, thấy mọi người ăn tết. Viên nhớ, gọi điện về khóc lóc. Mẹ Viên xót lòng cũng khóc.
Có lần, về thăm, Viên buồn rười rượi lo lắng khi tuổi đời vận động viên thấp. Viên ngỏ ý muốn nghỉ, không bơi lội nữa. Anh Tác chỉ vỗ về con: “Cuộc đời con con cứ chọn. Nhưng, con cứ xem cái nào tốt với mình thì làm”. Đó cũng là lần duy nhất người cha thấy con gái băn khoăn trước nghề nghiệp của mình.
Trong mắt anh Tác, Viên là người con hiếu thảo. Mỗi khi đi thi, được giải, Viên đều gom tiền gửi về cho gia đình. Năm 2011, Viên đã xây cho gia đình một căn nhà kiên cố. “Vật chất không phải là quan trọng. Thấy con gái ngày càng trưởng thành thì bậc cha mẹ vui hơn gấp nghìn lần”, anh nói.
Vào tối 10/6, Nguyễn Thị Ánh Viên giành giải nhất ở nội dung thi 400 m tự do nữ. Đây là huy chương vàng thứ bảy và là lần thứ tám phá kỷ lục tại Sea Games 2015. Hiện tại, cô được xem là “cô gái vàng” của đường đua xanh, và là nhân vật được truyền thông trong nước lẫn thế giới chào đón. |