Những đôi mắt thâm quầng nơi Viện Bỏng

Ngày 09/07/2014 08:48 AM (GMT+7)

Trên giường bệnh, 3 chiến sỹ mình quấn đầy băng trắng, từng giây, từng phút chiến đấu với tử thần để giành sự sống.

 Ngoài phòng kính, những đôi mắt của người thân các anh đang hướng về cánh cửa phòng bệnh. Các y, bác sỹ tất bật, những đôi mắt thâm quầng lo toan cho cả người nằm trên giường bệnh lẫn người thân chiến sỹ.

Những đôi mắt thâm quầng nơi Viện Bỏng - 1

Ông Ngoạn – bố chiến sỹ Hoàng Anh gục đầu bên hành lang bệnh viện.

Ngóng từng giây bên hành lang bệnh viện

Những ngày này, có lẽ hàng triệu trái tim đều đang mong chờ những tin tốt lành về sức khỏe của các chiến sỹ bị thương trong vụ tai nạn máy bay tại Thạch Thất ngày 7/7 vừa qua. Tại hành lang khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, chúng tôi gặp 3 người đàn ông mà trên gương mặt họ dù tỏ ra cứng rắn nhưng không giấu nổi sự thẫn thờ, lo lắng.

Trong số 3 người đàn ông ấy, ông Nguyễn Như Ngoãn là người lớn tuổi nhất. Ông cứ đi ra, đi vào trước cửa buồng bệnh, rồi có lúc như quá mệt, ông ngồi rồi gục xuống chiếc bàn ở hành lang bệnh viện. Ông Ngoãn là bố của chiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh. Được biết, ông cũng từng là một người lính. Tiếp xúc với PV Báo GĐ&XH, dường như ông có vẻ cố gắng thể hiện bản lĩnh của một người lính trước những giây phút khó khăn mà ông và gia đình đang phải đối diện.

Nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông vẫn luôn hướng về cửa buồng bệnh. Ông bảo, ngay sau khi được đơn vị báo tin, ông đã lên với Hoàng Anh. Nhưng bố con ông không thể gặp mặt, hàn huyên như những lần hội ngộ khác. Hoàng Anh nằm bất động trước sự bất lực của người cha. Bác sỹ đã cho ông vào thăm con nhưng nhìn thấy con trai người quấn đầy băng trắng, lòng người lính già ấy tê tái lo âu. Dù được đơn vị lo chỗ ăn ngủ nhưng suốt đêm ông không thể chợp mắt được khi thấy bên kia phòng kính, con mình đang nằm bất động. Hoàng Anh là con thứ hai trong gia đình và ông rất tự hào về con trai mình. Bây giờ thì Hoàng Anh đang nằm bất động ở đó, 6 người trong gia đình ông nước mắt lưng tròng, mắt thâm quầng chờ đợi giây phút chiến sỹ này tỉnh lại.

Còn ông Trịnh Văn Hảo, cậu ruột của chiến sỹ Đinh Văn Dương cũng chia sẻ trong sự bồi hồi, lo lắng rằng, ngay từ trưa 7/7, ông đã đưa vợ Dương và một số anh em trong quê từ Phủ Lý, Hà Nam ra Viện Bỏng Quốc gia. Ông Hảo cho biết: “Chiều 7/7, đơn vị gọi gia đình vào nhận diện người thân. Tôi không vào nhưng có anh cùng là đồng đội, lại là người cùng quê đã vào xác nhận đó là cháu Dương nhà tôi. Từ hôm qua tới giờ, chúng tôi luôn cầu mong cho Dương tai qua, nạn khỏi”.

Ông Hảo tuy là cậu nhưng cũng như cha vì bố của anh Dương đã mất, ở nhà chỉ còn mẹ và vợ Dương. Cả hai người đều sốc trước thông tin tai nạn. Hỏi vì sao ông vẫn chưa vào thăm cháu, ông Hảo bảo, ông nhường những người thân khác vào trước, còn mình vào thì cầm lòng không đặng. “Ở đây, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chữa trị của các bác sỹ. Gặp cháu giờ này, cháu cũng chưa tỉnh lại nên không giải quyết được việc gì. Tôi làm cầu nối để tổ chức cho người nhà vào gặp Dương trước”. Nhà gần nhau nên cho dù rất ít khi về quê nhưng lần nào Dương cũng sang nhà cậu chơi. Tết vừa rồi Dương không về vì bận công tác. Cũng đã lâu không gặp cháu, ông Hảo không ngờ cậu cháu mình lại hội ngộ trong hoàn cảnh éo le như thế này.

Người đàn ông thứ ba là anh Nguyễn Văn Bính, anh trai của chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn. Anh Bính liên tục có những cuộc điện thoại từ quê nhà ở Bắc Giang điện xuống. Ai cũng nóng lòng muốn về Hà Nội để được ở gần Tuấn. Anh Bính lại phải ôn tồn giải thích việc người nhà xuống quá đông không giải quyết được vấn đề gì bởi ở đây đã có các bác sỹ rất tận tình chăm sóc cho Tuấn. Anh Bính còn dặn dò tỉ mỉ người thân phải túc trực bên cạnh vợ con của Tuấn cả ngày lẫn đêm. Cho dù dặn dò người thân như thế nhưng lòng anh Bính đang như lửa đốt, đứng ngồi không yên, chỉ mong giờ được vào thăm em. Sau khi được các bác sỹ cho người nhà vào phòng bệnh thăm, anh Bính trở ra với vẻ mặt bần thần: “Cho đến bây giờ (đầu giờ chiều 8/7) Tuấn vẫn chưa tỉnh”.

Huy động tất cả nhân lực, vật lực để cứu chữa

Những đôi mắt thâm quầng nơi Viện Bỏng - 2

Các chiến sỹ đều được nằm trong các buồng bệnh vô trùng cách ly.  Ảnh: Thành Phương

Chúng tôi cũng đã được vào thăm cả 3 chiến sỹ Dương, Tuấn và Hoàng Anh trong 3 phòng bệnh cách ly của khoa Hồi sức. Hình ảnh các chiến sỹ nằm bất động, thân mình quấn đầy băng trắng, xung quanh là hàng chục loại máy móc hỗ trợ đều khiến bất cứ ai vào đây đều phải kìm nén, cố gắng giữ lại những giọt nước mắt chỉ chực trào ra.

BS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, các chiến sỹ đều bị bỏng rất nặng, đa chấn thương và hôn mê. Thậm chí, có chiến sỹ còn bị chấn thương sọ não. Trong lúc máy bay nổ, ngoài bỏng da và chấn thương do va đập, các anh còn bị bỏng trong vì hít phải khí nóng. Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, Viện Bỏng Quốc gia đã huy động tất cả những phương tiện máy móc, trang thiết bị và thuốc men hiện đại nhất hiện có để cứu chữa các chiến sỹ.

Viện Bỏng Quốc gia cũng sắp xếp, bố trí 4 buồng bệnh trên tầng 7 của viện để thân nhân các chiến sỹ lưu trú. Không chỉ các chiến sỹ nằm trong phòng hồi sức cấp cứu mà người nhà của các anh cũng được chăm sóc chu toàn. Đại diện gia đình của các chiến sỹ này cho PV Báo GĐ&XH biết rằng, dẫu lo lắng tột cùng cho con em mình song họ vẫn cảm nhận được hơi ấm tình thân từ những người bác sỹ, y tá, hộ lý đang ngày đêm vất vả với cuộc chiến giành giật sự sống mong manh này. 

Ngày 8/7, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội  đã đến thăm 3 chiến sỹ Dương, Tuấn và Hoàng Anh. Lặng đi trước sự dũng cảm của đoàn bay và sự hy sinh của 18 cán bộ, chiến sỹ, thay mặt UBND TP Hà Nội, ông sẻ chia với mất mát của thân nhân các chiến sỹ bị nạn và mong các gia đình kiên cường vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Đánh giá cao những cố gắng của đội ngũ y bác sỹ của Viện Bỏng Quốc gia và các y bác sỹ đã tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn, ông Nguyễn Thế Thảo nói: “Mong các bác sỹ hãy “còn nước, còn tát”. Mong bệnh viện dành những gì tốt nhất để cứu các chiến sĩ”.

Ngành Y tập trung mọi điều kiện tốt nhất để cứu chữa các chiến sỹ

Chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thân nhân các chiến sỹ về sự cố tai nạn máy bay, xảy ra hôm 7/7 vừa qua. Trong điện chia buồn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến viết: “Nhận được thông tin về vụ tai nạn của chiếc máy bay Mi171, toàn thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Bộ Quốc phòng và thân nhân, gia đình các chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong tai nạn máy bay nói trên”. Bức điện cũng cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành cử các chuyên gia giỏi nhất phối hợp cứu chữa các chiến sỹ bị thương khi Bộ Quốc phòng yêu cầu.

Sau điện chia buồn, tối 8/7, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến Viện Bỏng Quốc gia để thăm các chiến sỹ bị thương. Bộ trưởng vô cùng xúc động khi trực tiếp vào các phòng bệnh nơi các chiến sỹ đang điều trị. Bộ trưởng đề nghị Viện Bỏng Quốc gia cần tập trung cao độ, huy động tất cả những điều kiện tốt nhất có thể để cứu chữa cho các chiến sỹ.  

HP

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, chuyến bay gặp nạn nói trên có tổng cộng 21 người, trong đó có 10 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), 6 học viên phòng không không quân, 2 giáo viên và 3 thành viên tổ lái. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, 5 người bị thương đã được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia, 2 chiến sỹ đã không qua khỏi, 3 chiến sỹ còn lại ở Khoa Hồi sức cấp cứu là Nguyễn Hoàng Anh, Đinh Văn Dương và Nguyễn Văn Tuấn đều thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18). Trong số những nạn nhân xấu số, trường hợp chiến sĩ Quang (32 tuổi) – một trong 5 người bị thương là thương tâm nhất. Sau khi được đưa vào Viện Bỏng Quốc gia, lúc 18h chiều 7/7, chiến sĩ Quang đã tử vong. Cho đến sáng 8/7 có thêm một chiến sỹ nữa đã hy sinh. Tính đến tối 8/7, số chiến sỹ đã hy sinh là 18 chứ không phải 19 như một số cơ quan báo chí đã đề cập.

Theo H.Phương – Q.Thành
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trực thăng rơi ở Hà Nội