Lịch sử hàng không Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều vụ rơi máy bay, trực thăng thảm khốc.
Như tin đã đưa, mới đây nhất, một vụ tai nạn máy bay trực thăng nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Vĩnh Yên, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Cụ thể, lúc 7h53 phút sáng hôm qua (7/7), chiếc máy bay trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã gặp sự cố và rơi trong khi đang bay huấn luyện.
Sau khi vụ tai nạn máy bay rơi, hàng chục người dân cùng thanh niên của thôn 11 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất đã chạy ra tham gia cứu nạn. UBND huyện Thạch Thất cũng đã điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn lên hỗ trợ.
Khói bốc lên từ hiện trường
Đến 4h sáng hôm nay, mặc dù đã được các y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng đã có thêm 2 đồng chí bị thương nặng đã hi sinh. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại con số thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay quân sự là 18 người. 3 đồng chí còn lại vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, đang nằm trong khoa cấp cứu, được các bác sỹ dốc sức cứu chữa.
Số chiến sĩ bị thương được đưa về viện bỏng Quốc gia để điều trị, số hy sinh đưa về Bệnh viện TƯQĐ 108. Nguyên nhân tai nạn đang được điều tra làm rõ.
Cách đây tròn 4 năm, vào khoảng 20h30 ngày 7/7/2010 cũng xảy ra một vụ máy bay quân sự rơi ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh. Vị trí máy bay rơi cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3km.
Chiếc máy bay bị nạn là Mig 21 thuộc đơn vị C21, Đoàn không quân B71 do thượng tá Vũ Duy Minh, phi công cấp 1 điều khiển. Sau khi hoàn thành nội dung huấn luyện, trên đường trở về sân bay thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật.
Hiện trường vụ máy bay rơi tối 7/7 tại xã Thạch Đà, Mê Linh.
Khi phát hiện bị sự cố, phi công đã cho máy bay hướng ra ngoại thành, cách xa khu vực dân cư và nhảy dù. Phi công chỉ bị xây xát nhẹ. Vụ tai nạn không gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản của người dân.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là hỏng hệ thống dầu động cơ, dẫn đến mất áp suất dầu nén động cơ máy bay.
Cũng trong năm 2010, một chiếc MiG 21 thuộc Đoàn không quân C40, sân bay Phù Cát bất ngờ phát nổ khi bay diễn tập và đâm sập tường nhà người dân tại xóm Phúc Mới, thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định làm 2 dân thường bị thương nhẹ.
Phi công đã kịp bung dù nhảy ra khỏi máy bay và đáp xuống một mái nhà, bị kính cửa cắt vào bắp chân.
MiG 21 là máy bay tiêm kích phản lực loại nhẹ, được Liên Xô sản xuất những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phi công Phạm Tuân từng lái MiG 21 bắn hạ pháo đài bay B52.
Trước đó, vào khoảng 14h chiều 12/11/2009, một máy bay quân sự Mig 21 đã rơi xuống chân đồi sát khu dân cư tại thành phố Yên Bái. Vụ tai nạn này đã làm cho hai phi công trên chiếc máy bay này đã tử nạn, may mắn không có thường dân nào bị thương.
Tại hiện trường, chiếc máy bay đã cháy đen, phần đầu đâm vào hẻm đồi giáp đường 379, toàn bộ đuôi vỡ vụn.
Nhiều nhân chứng sống ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) cho biết, chiếc máy bay quay tròn vài vòng, bốc khói đen trên bầu trời, sau đó phát ra tiếng nổ lớn gây hoảng loạn cho cả khu dân cư rồi rơi xuống đất.
3 tháng trước đó, tức tháng 6/2009, một chiếc máy bay quân sự Su-22 khi đang bay luyện tập thì bất ngờ lao xuống đồi Bãi Chiêng (Cẩm Thủy - Thanh Hóa).
Máy bay Su-22
Tại hiện trường, máy bay rơi xuống nát vụn và bốc cháy dữ dội, phi công đã thiệt mạng sau khi cố gắng điều khiển cho chiếc máy bay đâm cách xa khu vực dân cư.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết chiếc máy bay trên đã quá hạn sử dụng nhiều năm.