Những đứa trẻ vật vã mưu sinh trong “chảo lửa” miền Trung

Ngày 03/06/2015 09:14 AM (GMT+7)

Dưới tấm bạt nóng nực, hàng chục đứa trẻ đang lúi húi ngồi bóc vỏ tôm. Nhiều em mới "vào nghề" nên bị vỏ tôm đâm vào tay ứa máu. Mỗi buổi như thế, các em cũng kiếm được trung bình từ 20.000 – 30.000 đồng tiền công, dù phải làm việc giữa lúc rẻo đất miền Trung đang như “chảo lửa” trong đợt nắng nóng.

Bán mặt cho... muối

Đối với trẻ em vùng biển Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), việc bóc vỏ tôm thuê cho các xưởng chế biến hải sản đã là nghề của các em trong dịp hè. Chiều nào cũng vậy, khi các tàu thuyền đánh cá cập bến là bãi biển Sơn Hải (Quỳnh Lưu) nhộn nhịp, đông đúc người lớn và trẻ em. Dưới tấm bạt nóng hầm hập, hàng chục đứa trẻ đang lúi húi ngồi bóc vỏ tôm thuê, nhiều em mới "vào nghề" nên bị vỏ tôm đâm vào tay ứa máu. Mỗi buổi như thế, các em cũng kiếm được trung bình từ 20 đến 30 ngàn đồng tiền công. “Trẻ em vùng này, nghỉ hè là tự tìm đến các xưởng đông lạnh bóc vỏ tôm thuê. Hè về không có chỗ chơi, học thêm thì không có tiền, để chúng lêu lổng chỉ thêm hư. Làm thuê kiếm thêm tiền phụ cha mẹ, đỡ được đồng nào hay đồng đó”, chị Hiên ở bãi biển Sơn Hải cho biết.

Cánh đồng muối ven biển huyện Quỳnh Lưu mới 10h sáng đã nắng chang chang. Cùng với bố mẹ, các em trạc từ 15 tuổi trở xuống ra đồng lao động. Em Lê Thị Linh (14 tuổi, ở xã Quỳnh Phương) cho biết: “Nắng nóng thế này sản xuất muối mới được nhiều ạ! Nghỉ hè hơn tuần nay, bọn em đi làm giúp gia đình. Ngày thường, chúng em một buổi làm, buổi đi học. Nghỉ học, ở nhà đi làm luôn”. Những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm thế này, những diêm dân vùng biển Quỳnh Lưu thu được hơn 100.000 đồng/ngày. Và, người lớn đã huy động đến cả con trẻ tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Nắng nóng làm cho gió từ biển thổi lên cũng hầm hập, mồ hôi con trẻ đã làm cho hạt muối như tăng thêm vị mặn.

Những đứa trẻ vật vã mưu sinh trong “chảo lửa” miền Trung - 1

Linh làm việc trên cánh đồng muối lúc 10h sáng. Ảnh: H.Phương

Linh cho biết: “Một ngày nắng nóng, thời tiết thuận lợi, gia đình em gồm 4 người có thể làm được 4 xe muối (tương đương với 400kg). Từ dịp 30/4 đến nay, trời nắng chang chang không một giọt mưa nên việc nhiều hơn”. Chúng tôi hỏi Linh, hè có được đi chơi đâu không thì em cười buồn: “Đi đâu hả anh? Ở nhà lao động giúp gia đình thôi. Với lại, hè đến mọi người đổ về biển, chúng em dân biển ngày nào thích tắm chẳng được. Năm nay, vùng biển quê em khai trương khu du lịch nên mọi người về rất đông. Đông là vui rồi ạ”. Linh bảo rằng, không chỉ riêng em mà phần nhiều bạn bè em sau khi nghỉ hè là trở lại với ruộng muối giúp gia đình.

Bị bệnh vẫn ra đồng bắt cua

Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, những cánh đồng lúa mới cấy ở xã Quỳnh Thanh (huyện Quỳnh Lưu) chưa kịp bén rễ, từng nhóm 5-6 đứa trẻ mang theo bao tải cước, những giỏ tre đang lần mò bắt cua đồng trên bờ ruộng. Nắng gắt, bùn, nước dưới chân bỏng rát.

Tháo chiếc nón đã sờn quai, thủng lỗ chỗ, em Nguyễn Văn Công (ở Quỳnh Thanh) tìm bóng râm tránh nắng cho biết, lúa mới cấy nên rất dễ bắt cua trong lỗ. Với Công, từ lâu rồi em đã không có khái niệm nghỉ hè như các bạn khác. Bởi mùa nào thì Công cũng ngày hai bữa bám lấy đồng ruộng, sáng bắt cua, bắt lươn, chiều tối đuổi chim. Vì căn bệnh viêm não và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Công đã nghỉ học từ lớp 2. Sáng sớm đã thấy Công ra đồng. “Em tranh thủ đi sớm không tí nữa trời nắng lắm. Chân không lội xuống nước được vì nóng. Trời này, nóng đến mức khoảng đầu giờ chiều, cua ngoi lên bờ vì nóng. Sáng đi một lượt, trưa về nghỉ một lúc lại đi bắt cua tránh nước nóng những vùng nước nông”, Công kể. Công không đi học nhưng các phép tính toán đơn giản em đều biết. Cậu bé có nước da đen nhẻm, vóc người gày gò. Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh, Công ngại trả lời, mắt lơ đễnh nhìn xa xăm.

Mới bắt đầu kỳ nghỉ hè, nhưng nhiều trẻ em ở đây đã lên kế hoạch mưu sinh trong thời gian hè cho bản thân. Những năm gần đây, cua đồng dễ bán, lại được giá nên các em lập thành từng nhóm đi mò cua. Bắt đầu là những cánh đồng gần nhà, quanh quẩn các xã lân cận, nhưng bắt mãi cũng hết, các em rủ nhau đạp xe hàng chục cây số sang các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Thạch, Quỳnh Bảng... của huyện Quỳnh Lưu để mò cua. Dụng cụ là chiếc giỏ tre buộc ngang hông, vài cái bao tải cước, chiếc xe đạp cọc cạch và chiếc nón rộng vành.

“Ngày nào cố gắng và gặp may thì được 50.000 đồng. Bình thường mỗi ngày cũng bắt được được 1-3 kg cua. Tiền bán cua em gửi mẹ, đến năm học mới mua áo quần, sách vở, nộp tiền học phí”, Tuấn (13 tuổi, ở xã Quỳnh Yên) nói. Bàn tay Tuấn nham nhở những vết xước do cua cắp, móng tay vàng khè do ngâm nước.

Nhìn những bạn trẻ cùng trang lứa ở thành phố hiện đang được vi vu du lịch, nghỉ ngơi cùng gia đình, mới thấy cám cảnh cho những đứa trẻ sinh ra trên rẻo đất nghèo miền Trung như Linh, Công, Tuấn... Tuổi thơ lầm lụi của các em đang cháy sém trong cực nhọc, trong cái nắng cháy da nơi “chảo lửa” quê nhà.

Đạp xe hơn 40km để... hái sim

Tuấn bảo với PV rằng, một số bạn rủ em đi vào vùng huyện Thanh Chương, cách nhà hơn 40km để hái sim. Tuấn bảo: “Nơi này có nhiều vùng đồi, bạn em biết mùa này sim chín. Chúng nó nói mùa này sim chín bạt ngàn nên đạp xe từ 4 giờ sáng đi hái sim. Có bạn chiều mang về cả bì sim. Mỗi thúng sim đem ra chợ bán theo bát cũng kiếm được 40.000-50.000 đồng”. Nhưng khi nghe chúng bạn kể phải đạp xe đạp hơn 40km, Tuấn ngại đường xa nên không dám đi. “Kiếm được nửa trăm nghìn nhưng nghe nói các bạn đã phải bám dọc các sườn đồi, qua các bụi rậm, lau lách, tay chân mỏi nhừ. Thôi, em ở nhà đi bắt cua đồng. Tuy chân lội bùn nhưng gần nhà, trưa còn được về ăn cơm”, Tuấn cho biết.

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nắng nóng đỉnh điểm