Những góa phụ làm nghề bế heo thuê

Ngày 09/05/2016 00:09 AM (GMT+7)

Chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) có nghề “bế heo lấy hên”, tại đây có những người phụ nữ góa chồng con sống trong sự vất vả với nghề.

Chợ heo Bà Rén ra đời từ năm 1970. Ngày ấy, chợ chỉ là một bãi đất trống nằm giáp ranh sông Thu Bồn. Lập ra chợ là những người phụ nữ, họ đem đến trao đổi, bán những món hàng hóa nhỏ như bó rau, con cá đánh bắt được dưới sông.

Theo thời gian, heo được người dân đem đến để mua bán đem về nuôi. Những người phụ nữ khỏe mạnh có “tướng tốt” tay khéo được nhờ bế (ẵm) heo giúp bỏ vào chuồng để dễ nuôi. Dần dần, nghề bế heo thuê xuất hiện như thể một nghề mưu sinh được trả công cho đến ngày nay. Nếu như ban đầu, nghề bế heo lấy hên chỉ có 2-3 người thì giờ đã có hẳn một nhóm những phụ nữ bế heo chuyên nghiệp.

3h sáng, chúng tôi đã có mặt tại khu chợ heo Bà Rén. Khi cái lạnh còn bao trùm, ở khu chợ đã tấp nập người mua kẻ bán. Tiếng gia súc kêu chí chóe, tiếng người cười nói ồn ào càng tạo cho khu chợ trở nên nhộn nhịp hẳn lên so với mọi ngày.

Những góa phụ làm nghề bế heo thuê - 1

Chợ heo Bà Rén ngày nay

Theo sự giới thiệu của một người đàn ông làm chủ trại heo ở gần đó, chúng tôi tìm gặp một người phụ tên Ba. Lúc này, chị Ba đang khiêng giỏ heo từ trên xe máy của người đàn ông bên đường xuống đất và bế từng con cho vào một chiếc chuồng nhỏ bên cạnh đó để chờ người mua.

Theo như quan sát của chúng tôi, trong giỏ heo có đến 5 con, mỗi con nặng chừng 30kg, nhưng sau khi bế xong, người đàn ông trả cho chị Ba 10.000 đồng. Chúng tôi thuyết phục mãi, người phụ nữ này mới mở lòng tâm sự một cách ngắt quãng. Chồng và đứa con trai của chị mất trong một chuyến đi biển. Và kể từ cái ngày bất hạnh ấy ập đến, cuộc đời chị như co cụm lại với nghề bế heo thuê ở chợ Bà Rén này.

Những góa phụ làm nghề bế heo thuê - 2

Chị Ba mở rọ heo để bế heo

“Hồi đấy tôi cũng đi biển cùng chồng con nhưng gặp nạn nên chồng và con trai mất. Rồi thấy cái nghề đi biển khổ quá, nên tôi bỏ đi ẵm heo đến bây giờ”, chị Ba kể.

Chị Ba bảo lúc còn trẻ thì ngày bế cũng được vài chục con nên cũng kiếm được khá. Nay lớn tuổi, sức khỏe không được bao nhiêu nữa nên việc này cũng nhọc nhằn, ngày cao lắm kiếm được tầm 50.000 đồng.

Tại chợ heo, chúng tôi gặp một người phụ nữ khác tên Thanh hơn 50 tuổi và đã làm nghề bế heo ở đây hơn 20 năm. Chồng chị mất trong một tai nạn giao thông để lại cho chị hai đứa con nhỏ. Không có việc làm, người phụ nữ này đành phải ra chợ mưu sinh bằng nghề bế heo để nuôi hai đứa con trưởng thành. Rồi hai người con lập gia đình, chị lại tiếp tục nghề bế heo để có tiền mưu sinh và phụng dưỡng cha già.

Tìm đến nhà chị Thanh vào buổi chiều, tiếp chúng tôi là một cụ già đã cao tuổi, lại thường hay ho sặc sụa vì căn bệnh viêm phổi. “Thương nó lắm, nhưng giờ tôi già cả lại bệnh tật thế này thì biết làm sao giúp thêm nó được, chỉ mong nó khỏe để làm việc. Mỗi con heo ẵm xong có giá bèo lắm, khoảng tầm 500 – 1.000 đồng thôi. Còn cho thuê ghế nhựa và giỏ nhốt heo cũng giá mỗi ngày chỉ được 10 – 15.000 đồng”, ông Trần Văn Tâm (cha chị Thanh) tâm sự.

Những góa phụ làm nghề bế heo thuê - 3

Chị Lợi ẵm heo tại chợ Bà Rén

Chúng tôi trò chuyện với chị Trần Thị Lợi, 45 tuổi, một trong những người góa phụ có phận đời lay lắt nhất ở khu chợ heo Bà Rén. Những câu chuyện về nghề bế heo thuê, những chuyện về gia đình và những đứa con càng làm cho khuôn mặt chị như nhăn nheo hơn nhiều so với cái tuổi của mình. Ngày tháng lầm lũi trôi, mặc dù muôn vàn những khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng cho ba đứa con đến trường cho bằng bạn bằng bè.

Chị Lợi kể, thức khuya, dậy sớm với chị dường như đã quá quen thuộc. 4h sáng - lúc mọi người đang ngon giấc thì chị phải dậy sớm lo cơm nước cho mấy đứa con, dọn dẹp nhà cửa và đi làm. Có những hôm chị phải bế heo đến tận 12h trưa mới được về nhà. Ăn vội miếng cơm lót dạ rồi lại đi làm thuê cho người khác.

“Heo lớn 1.000 đồng/con, heo nhỏ thì 500 đồng/con, có khi cả giỏ heo 5-6 con nhưng cũng chỉ được 2.000 đồng. Hôm nào may mắn lắm, kiếm được cũng không quá 70.000 đồng. Nhiều khi sơ suất làm sổng heo ra khỏi giỏ thì coi như ngày đó làm công cốc. May mà người ta không đòi bồi thường chứ nếu có thì chắc tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền mà đền cho người ta. Buổi chiều cũng nhọc nhằn không kém, ai kêu gì làm nấy. Khổ mấy cũng được, miễn sao kiếm được tiền để nuôi con, chỉ sợ rồi tôi yếu, đứt gánh giữa đường thì khổ con tôi”, chị Lợi nói trong nỗi lo lắng.

Hôi hám, nhớp nhúa… là những gì mà người phụ nữ ẵm heo phải gánh chịu. Dẫu ai cũng biết rõ một cách mòn một nhưng được mấy người dám từ bỏ nghề. Đấy là chưa kể đến những trường hợp phải đền tiền cho chủ buôn nếu không may làm sổng heo hoặc làm heo thương tật mất giá.

Theo BQL chợ Bà Rén, đây được xem là khu chợ heo lớn nhất nhì cả nước, thành lập từ năm 1970, những ngày cao điểm lên đến gần 1.000 con heo, các huyện lân cận đổ heo về để đưa lên xe đem bỏ mối nuôi khắp mọi nơi. Nghề bế heo thuê xuất hiện cách đây cũng khá lâu, chưa xác định được thời gian.

Rời chợ Bà Rén, chúng tôi càng thấy trân trọng những đồng tiền mà chính bằng “mồ hôi nước mắt”  các chị đã làm ra. Càng trân trọng hơn khi nhìn thấy nụ cười luôn hé trên môi của các chị trong công việc bế heo lấy hên cho người nuôi phát đạt dù bao vất vả, nhọc nhằn.

V.Luận - Th.Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự