COVID-19 23/2: Test nhanh phát hiện gần 2.600 ca dương tính SARS-CoV-2, địa phương tiếp tục ra công điện khẩn

K.T - Ngày 23/02/2022 12:14 PM (GMT+7)

Trong thời gian ngắn qua lấy mẫu test nhanh, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.600 ca mắc COVID-19 tại Nghệ An, trong đó có 581 ca cộng đồng.

14 diễn biến

Test nhanh phát hiện gần 2.600 ca mắc COVID-19, 581 ca cộng đồng

Sáng 23-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biếttrong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 22-2 đến 6 giờ ngày 23-2), tại Nghệ An ghi nhận 1.272 ca mắc COVID-19 mới tại 12 địa phương, trong đó có 318 ca cộng đồng; 954 ca đã được cách ly từ trước (951 ca là F1, 3 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, TP Vinh, huyện Nghi Lộc và huyện Thanh Chương.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân

Trước đó, vào tối ngày 22-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin trong 12 giờ (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 22-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.322 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 263 ca cộng đồng; 1.059 ca đã được cách ly từ trước (1.054 ca là F1, 05 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Như vậy, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 22 đến 6 giờ ngày 23-2), trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.594 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 581 ca cộng đồng, số ca tử vong là 2.

Tính từ đầu dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 55.733 ca mắc COVID-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 27.183 người, số bệnh nhân tử vong: 84 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 28.466 người.

Trước diễn biến dịch phức tạp, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt "5K" và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/test-nhanh-phat-hien-gan-2600-ca-mac-covid-19-581-ca-cong-d...

Thực hư thông tin người đàn ông tật nguyền bán thuốc chữa COVID-19

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết về một người đàn ông tên Bình (trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) chữa khỏi COVID-19 cho nhiều người dân. Có đến hàng trăm người xếp hàng tại nhà ông Bình để mua thuốc chữa COVID-19 hàng ngày.

Thực hư thông tin người đàn ông tật nguyền bán thuốc chữa COVID-19.

Thực hư thông tin người đàn ông tật nguyền bán thuốc chữa COVID-19.

"Bác Bình bán thuốc ở Hà Hồi, 1 câu chuyện không còn xa lạ với người dân quê mình nữa. Với mình thì bác ấy giống như một vị cứu tinh của bà con quê mình và một số vùng lân cận. COVID-19 gặp bác chỉ sau đúng 3-5 ngày là khỏi, âm tính ngay lập tức. Người dân xếp hàng dài, ai cũng kể bệnh mà 90% toàn 2 vạch. Đã thế bác Bình lại có tâm ở chỗ, khi dịch bệnh bùng nổ, đơn thuốc của bác cứ sàn sàn từ 1.000 đến 200.000 đồng là khỏi... Ai chưa biết chỉ cần đến xã Hà Hồi, hỏi bác Bình bán thuốc nổi tiếng nhất Thường Tín người ta chỉ đường cho" - nội dung trên mạng xã hội thể hiện.

Theo người dân sống gần nhà ông Bình, người dân đến mua thuốc ở đây rất đông, tình trạng này xuất hiện từ sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Những người đến mua thuốc ở nhà ông Bình đa số đều là người dân ở xã khác trong địa bàn huyện Thường Tín.

Liên quan đến thông tin trên, sáng 23-2, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo UBND xã Hà Hồi (huyện Thường Tín) cho biết ông Bình bị tàn tật từ nhỏ. Gia đình ông Bình chuyên kinh doanh thuốc tây.

"Con cháu ông Bình có người học nghề y, ông Bình cùng bán thuốc với người nhà. Trước khi có dịch COVID-19, ông Bình đã nổi tiếng khắp xã và huyện về bán thuốc cảm cúm, ho... Người ta đồn thổi các thông tin như vậy thôi nhưng ông này chỉ bán thuốc cảm cúm, ho, đau đầu bình thường chứ không phải bán thuốc chữa COVID-19, bán thuốc COVID-19 thì vi phạm pháp luật" - vị lãnh đạo xã Hà Hồi nói.

Cũng theo vị lãnh đạo UBND xã Hà Hồi, hiện đoàn kiểm tra của huyện Thường Tín cũng đã về làm việc để làm rõ các thông tin liên quan.

Nguồn: https://nld.com.vn/truy-vet-mang-xa-hoi/thuc-hu-thong-tin-nguoi-dan-ong-tat-nguyen-ban-...

Giá kit test COVID-19, máy đo SpO2 “nhảy múa” chóng mặt: Bộ Y tế nói gì?

Mấy ngày gần đây, số ca mắc F0 tăng liên tục. Ngày 22/2, theo Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận thêm 55.871 ca COVID-19 trong nước, tăng 9.010 ca so với ngày trước đó. Đáng chú ý, Hà Nội ghi nhận 6.860 ca (tăng 1.382 ca so với ngày trước đó).

Giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số nơi đã tăng giá test nhanh, máy đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu). Thậm chí nhiều người dân gặp khó trong việc mua kit test hay máy SpO2 khi người bán báo khan hàng.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân. 

Trao đổi với PV, ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế. Vụ đang báo cáo lãnh đạo Bộ đồng thời làm việc với các bộ, ngành để đảm bảo khả năng cung ứng vật tư y tế. Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế sẽ thông tin cụ thể sau.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm. Theo đó, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất test kit có uy tín trên thế giới để có thể mua lại test xét nghiệm với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu.

Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến tháng 2, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 3 sản phẩm và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài. Trong Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm COVID-19 ban hành ngày 18/2, Bộ Y tế quy định với test nhanh, mức thanh toán không quá 78.000 đồng một xét nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay, có nhiều loại kít test nhanh COVID-19 được rao bán trên thị trường, người dân nên thận trọng khi chọn mua, chỉ nên mua các loại kít test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Bởi, sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới đảm bảo tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy.

Khi mua ở hiệu thuốc, người dân cần hỏi hiệu thuốc loại kit test này được cấp phép lưu hành tại quyết định nào của Bộ Y tế.

Nếu mua online, chỉ mua sản phẩm kit test COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép kinh doanh và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.

Tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Nguồn: http://danviet.vn/gia-kit-test-covid-19-may-do-spo2-nhay-mua-chong-mat-bo-y-te-noi-gi-5...

Đồng Nai: Số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh

Ngày 23/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai (CDC) cho biết, theo thông tin của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống dịch COVID-19, trong 7 ngày qua (từ 14/2 đến 20/2), số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng tăng và ca tử vong giảm mạnh so với tuần trước đó.

Cụ thể, số ca mắc mới trong tuần qua là 2.971 ca, tăng 242,13%, trong đó đã điều trị khỏi 1.524 trường hợp, có 8 bệnh nhân tử vong.

Nguồn lây nhiễm vẫn chủ yếu liên quan đến các ca bệnh ghi nhận sau dịp nghỉ Tết, chưa ghi nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 304.000 ca mắc COVID-19. Trong đó, có hơn 298.000 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh (tỉ lệ hơn 98%), số ca tử vong lũy kế là 1.816 ca (tỉ lệ 0,6%). Hiện còn hơn 350 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế và hơn 4.000 F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cách ly, điều trị tại nhà.

Cập nhật số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cập nhật số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong tuần đã thực hiện tiêm 163 ngàn liều vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, trong đó tiêm mũi 3 cho hơn 157 ngàn liều. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 mũi 1 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt 103,94%; mũi 2 đạt 100,06% và mũi 3 đạt 39,64%.

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, về cấp độ dịch Đồng Nai vẫn xếp ở cấp độ 1. Theo nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn trong tầm kiểm soát, số ca tử vong và chuyển nặng đều giảm sâu.

Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan vì dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, bên cạnh đó các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi sản xuất và việc học sinh các cấp đi học trực tiếp trở lại tạo nhiều nguồn lây nhiễm mới. Tiếp tục cảnh giác đối với sự xâm nhập của biến thể Omicron vào địa bàn tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-so-ca-mac-covid-19-moi-tang-manh-a543945.html

Bình Thuận ghi nhận 155 ca nhiễm COVID-19, có 94 ca cộng đồng

Tối 22/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, Tỉnh này ghi nhận 155 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 61 ca tại khu cách ly tập trung, 94 ca cộng đồng.

Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Tp.Phan Thiết 16 ca; thị xã La Gi 14 ca; các huyện Tánh Linh 26 ca, Phú Quý 11 ca, Tuy Phong 8 ca, Hàm Thuận Bắc 13 ca, Hàm Tân 30 ca, Đức Linh 5 ca, Bắc Bình 8 ca, Hàm Thuận Nam 24 ca.

Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 22/2, tỉnh Bình Thuận truy vết được 238 F1.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 22/2/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 30.842 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.382 trường hợp; thị xã La Gi 2.982 trường hợp; các huyện Tuy Phong 4.250 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 3.300 trường hợp, Tánh Linh 2.721 trường hợp, Đức Linh 2.425 trường hợp, Hàm Thuận Nam 2.436 trường hợp, Bắc Bình 2.106 trường hợp, Hàm Tân 1.545 trường hợp, Phú Quý 695 trường hợp.

Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 1.361 mẫu, trong đó số mẫu xét nghiệm liên quan đến các ca mắc COVID-19 có 54 mẫu, số mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế có 285 mẫu, số mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng có 1.022 mẫu.

Số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 59 trường hợp. Trong đó, Hàm Thuận Bắc 22 trường hợp, Tuy Phong 17 trường hợp, Hàm Tân 11 trường hợp, Tánh Linh 5 trường hợp, Tp.Phan Thiết 3 trường hợp, Đức Linh 1 trường hợp.

Hiện, tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 29.717 trường hợp.

Số ca mắc COVID-19 đang điều trị có diễn tiến nặng là 29 ca, trong đó Tp.Phan Thiết là 10 ca, huyện Đức Linh 9 ca, thị xã La Gi 10 ca.

Số người đã tiêm vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh là 1.238 người, số người từ các địa phương khác về Bình Thuận là 3 người.

Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 214 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 42 trường hợp, cách ly tại nhà có 172 trường hợp.

Số trường hợp tử vong có 1 ca là bệnh nhân nam, 89 tuổi, ở xã Tân Hải, thị xã La Gi.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-ghi-nhan-155-ca-nhiem-covid-19-co-94-ca-cong-dong...

TPHCM chuẩn bị kịch bản ứng phó biến thể Omicron "tàng hình"

Chiều 22/2, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết số ca mắc COVID-19 trong ngày của TPHCM đã tăng vọt lên trên 1.300 ca, tăng gấp 4 lần so với mức trung bình của 3 tuần trước đó.

Tuy nhiên, tín hiệu vui là số ca chuyển nặng đang có chiều hướng giảm, số trường hợp tử vong trong những tuần qua ở mức dưới 4 trường hợp/ngày.

Thế nhưng, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên lưu ý, số ca mắc COVID-19 ở trường học tăng nhanh và các cháu ở độ tuổi dưới 12 chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ông đặc biệt lưu ý báo cáo của Sở Y tế TPHCM về giải trình tự gene cho thấy, biến thể Omicron đang chiếm đa số, còn biến thể Delta trở thành thiểu số.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, khi học sinh trở lại trường học, trong điều kiện tiếp xúc gần nhau, với biến thể mới Omicron, số ca mắc COVID-19 tăng lên là khó tránh khỏi và nằm trong dự tính. Tuy nhiên, ông lưu ý các địa phương không được chủ quan, xem thường mà phải tìm các giải pháp ứng phó phù hợp.

Bí thư Thành uỷ TPHCM thống nhất với các giải pháp của ngành y tế. Ông khẳng định, vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 là vũ khí quan trọng ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Số ca nhiễm tại TPHCM đang tăng nhanh sau khi học sinh trở lại trường học và biến chủng Omicron chiếm ưu thế trước chủng Delta

Số ca nhiễm tại TPHCM đang tăng nhanh sau khi học sinh trở lại trường học và biến chủng Omicron chiếm ưu thế trước chủng Delta

“Về vắc xin, thành phố phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng Mùa Xuân và chuẩn bị tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ đã cấp phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trong nước. TPHCM chuẩn bị các kênh phân phối, phủ nhanh thuốc trên địa bàn” – ông Nên nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết các chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có sự xuất hiện biến thể phụ BA.2 (còn gọi là Omicron "tàng hình"). Ông yêu cầu Sở Y tế, Ban Chỉ đạo chuẩn bị kịch bản, dự tính tình huống xấu nhất có thể, để không bị động, lúng túng nếu có biến thể phụ của Omicron xuất hiện.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị thành phố chuẩn bị kế hoạch thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19, tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở, mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và nhà trường với y tế trong việc chăm sóc cho trẻ em là F0.

Ông đặc biệt lưu ý Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế cùng Sở Y tế TPHCM ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn thống nhất về nhận diện các ổ dịch và khi có ổ dịch thì làm gì để kiểm soát, hạn chế sự lây nhiễm…

“Trên từng địa bàn, từng chung cư, từng trường học phải chuẩn bị kịch bản xử lý các tình huống chứ không đợi xuất hiện tình huống rồi mới đi bàn kế hoạch ứng phó, không để lúng túng mất thời gian. Toàn TPHCM phải thống nhất, phải hướng dẫn cụ thể, không nói chung chung rồi mỗi nơi làm một kiểu” – ông Nên nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, cần tiếp tục hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ và có thông tin tương đối đầy đủ về thực trạng, diễn biến, biện pháp thích ứng với COVID-19 để đồng thuận với thành phố trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Biến chủng Delta chỉ còn 24%.

Ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen. Kết quả là 100% số mẫu là biến chủng Omicron. Ông Tăng Chí Thượng khẳng định, đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao và chiếm ưu thế so với chủng Delta.

"Điều này cũng lý giải nguyên nhân số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn trong vài ngày qua có chiều hướng tăng cao" - ông Thượng nhận xét.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc mới ở trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi đi học trở lại tăng nhanh, trong khi 93% trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Cụ thể, trong tuần lễ từ ngày 7/2 đến 13/2, TPHCM ghi nhận 449 trường học các em học sinh mắc COVID-19 tại 117 trường học. Trong tuần lễ gần nhất, thành phố ghi nhận hơn 6.000 trường hợp F0 tại 201 trường.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-chuan-bi-kich-ban-ung-pho-bien-the-omicron-tang-hinh-post141...

Cán bộ, viên chức là F1 được đến cơ quan làm việc sau xét nghiệm âm tính

Sáng 23/2, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế cho biết, các cấp chính quyền trên địa bàn vừa được yêu cầu tiếp tục vận hành và triển khai hiệu quả các biện pháp chống dịch từ trước đến nay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không để người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh COVID-19.

Cán bộ, công chức viên chức thuộc trường hợp F1, khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì vẫn đến cơ quan làm việc và theo dõi sức khỏe thường xuyên trong vòng 3 ngày tiếp theo, hạn chế tiếp xúc nếu không cần thiết. Ảnh minh họa

Cán bộ, công chức viên chức thuộc trường hợp F1, khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì vẫn đến cơ quan làm việc và theo dõi sức khỏe thường xuyên trong vòng 3 ngày tiếp theo, hạn chế tiếp xúc nếu không cần thiết. Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, tại các địa phương ở TT-Huế hiện xuất hiện nhiều trường hợp không khai báo khi tự test nhanh có kết quả F0; nhiều trường hợp người nhiễm COVID-19 được cách ly, điều trị tại nhà dù chưa hiểu hết công dụng của các loại thuốc trong điều trị COVID-19, nhưng vẫn tự ý sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.

Từ tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ và người dân nêu cao tinh thần chống dịch, không chủ quan lơ là, nâng cao ý thức tự giác trong khai báo y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Việc khai báo tiến hành tại trạm y tế để được hướng dẫn và theo dõi sức khỏe, không tự ý điều trị và dùng các loại thuốc không đúng nguồn gốc, phương pháp.

Ban chỉ đạo tỉnh cũng đề nghị các địa phương hạn chế việc tầm soát diện rộng, không làm đại trà như trước đây, không trực tiếp thu tiền từ người dân để tầm soát; khuyến khích người dân tự tầm soát và tự giác khai báo. Các cơ quan, đơn vị tầm soát thường xuyên cho cán bộ, nhân viên đơn vị của mình.Đối với cán bộ, công chức viên chức thuộc trường hợp F1, khi xét nghiệm có kết quả âm tính thì vẫn đến cơ quan làm việc trong trường hợp cần thiết và theo dõi sức khỏe thường xuyên trong vòng 3 ngày tiếp theo, hạn chế tiếp xúc nếu không cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang giảm dần các khu điều trị, cách ly tập trung; trường hợp vào cách ly tập trung phải là ca có triệu chứng nặng và các yếu tố về sức khỏe, vì vậy các địa phương chủ động cho người dân cách ly tại nhà và cách ly tại địa phương.

Cơ quan chuyên môn cần tích cực triển khai các biện pháp điều trị, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện và giảm bệnh nhân tử vong; tăng cường tổ tư vấn, hỗ trợ F0 cách ly tại nhà; quan tâm, nâng cao năng lực y tế, đặc biệt là y tế tuyến xã và tuyến huyện góp phần điều trị bệnh cho người dân từ sớm, từ xa.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình còn yêu cầu các địa phương và ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, đảm bảo mục tiêu hoàn thành việc tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, không để sót đối tượng, đặc biệt là người có nguy cơ cao. Rà soát, chủ động phương án để thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi khi có chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh theo kế hoạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp; nâng cao tỷ lệ đến trường, khuyến khích, động viên phụ huynh tầm soát cho con em trước khi đến trường.

Nguồn: https://tienphong.vn/can-bo-vien-chuc-la-f1-duoc-den-co-quan-lam-viec-sau-xet-nghiem-am...

Kit test nhanh COVID-19 rao bán tràn lan trên mạng, Tổng cục QLTT chỉ đạo khẩn

Ngày 23-2, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình vừa ký văn bản gửi Cục QLTT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19.

Tổng cục QLTT nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu mua kit test COVID-19 (bộ xét nghiệm nhanh) của người dân tăng cao. Theo phản ánh của các phương tiện truyền thông, có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng kit test nhanh COVID-19 và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kit test nhanh COVID-19 được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Kit test nhanh COVID-19 được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Tổng cục về kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Về mặt hàng kit test nhanh COVID-19, hiện được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với mức giá phổ biến từ 60.000 đến 120.000 đồng/bộ tùy từng loại, tùy nước sản xuất. Đáng chú ý, nhiều cá nhân công khai "gom đơn hàng" trên các trang mạng xã hội và khẳng định các loại kit test này đều xuất xứ từ các nước như Hàn Quốc, Đức, Mỹ... và đảm bảo chất lượng, độ chính xác cao.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/kit-test-nhanh-covid-19-rao-ban-tran-lan-tren-mang-tong-cuc-...

Sở Y tế Thanh Hoá chấn chỉnh việc tập trung quá đông để test COVID-19

Theo đó, có tình trạng người dân phải chen nhau chờ test COVID-19 tại Trạm Y tế xã Hải Nhân, phường Hải Hòa, phường Bình Minh (thị xã Nghi Sơn), tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, phiếu trả kết quả trống ngày, tháng xét nghiệm hoặc thông tin người đi xét nghiệm, mẫu test sau khi sử dụng không để đúng nơi quy định.

Để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin, chấn chỉnh hoạt động test nhanh COVID-19 tại các trạm y tế xã, phường, xử lý các cá nhân và tập thể nếu có sai phạm, báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 25/2/2022.

Trước đó, ngày 10/2, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã có công văn về việc triển khai test kháng nguyên cho công nhân tại các trung tâm y tế xã, phường. Việc này nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là gây ra tình trạng nguy cơ lây chéo cho công nhân.

Cụ thể, tại các trạm y tế lượng công nhân đến rất đông nhưng lại chỉ có 2 bàn test. Nhân viên y tế chỉ có 3 đến 4 người vừa làm công tác hành chính, vừa làm chuyên môn nên rất chậm, có công nhân phải chờ mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt. Nhiều trạm y tế còn phát phiếu trả kết quả xét nghiệm cho công nhân, nhưng lại không ghi ngày, tháng test nhanh, hoặc có ghi ngày, tháng nhưng lại để trống thông tin người đi xét nghiệm...

Nguồn: https://tienphong.vn/so-y-te-thanh-hoa-chan-chinh-viec-tap-trung-qua-dong-de-test-covid...

Bạc Liêu: Người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin không được ra đường

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hạn chế tổ chức các cuộc họp trực tiếp; các sự kiện không cần thiết.

Người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin ở Bạc Liêu không được ra đường. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin ở Bạc Liêu không được ra đường. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Riêng đối với các cuộc họp quan trọng, thật sự cần thiết, trước khi tổ chức phải tiến hành việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho các đại biểu tham dự và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K"; không được tổ chức dùng cơm, tiệc chiêu đãi sau cuộc họp.

Đặc biệt, tỉnh này cũng quy định người trên 18 tuổi nếu chưa tiêm đủ liều 2 liều vắc-xin trở lên không được ra đường.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ từ ngày 22 đến 23-2, toàn tỉnh ghi nhận thêm 98 ca mắc Covid-19, tăng 48 ca so với ngày trước. Trong đó, có 69 ca trong cộng đồng.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/bac-lieu-nguoi-tren-18-tuoi-chua-tiem-du-vac-xin-khong-duoc-...

Số ca mắc Covid-19 mới ở tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cao

Ngày 23/2, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ 17h ngày 22/2 đến 17h ngày 23/2, toàn tỉnh ghi nhận thêm 1.296 ca nhiễm Covid-19 mới.

Các ca bệnh được ghi nhận tại Tp.Nha Trang 474 ca, thị xã Ninh Hòa 187 ca, huyện Vạn Ninh 83 ca, huyện Diên Khánh 170 ca, Tp.Cam Ranh 173 ca, huyện Khánh Vĩnh 16 ca, huyện Khánh Sơn 13 ca, huyện Cam Lâm 180 ca. Trong đó, có 488 ca ghi nhận trong cộng đồng, 735 ca cách ly tại nhà, 50 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, 23 ca ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư.

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh tăng 83 ca so với ngày 22/2. Số ca nhiễm mới tại Tp.Cam Ranh giảm 52 ca, huyện Cam Lâm giảm 25 ca, huyện Vạn Ninh giảm 11 ca, huyện Khánh Vĩnh giảm 9 ca, Tp.Nha Trang tăng 85 ca, thị xã Ninh Hòa tăng 37 ca, huyện Diên Khánh tăng 57 ca, huyện Khánh Sơn tăng 1 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 70.793 ca nhiễm, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 70.460 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là Tp.Nha Trang 37.131 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 10.307 ca, huyện Diên Khánh 7.525 ca.

Trong ngày 23/2, có 349 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 65.293 ca. Tỉnh này có thêm một bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19. Số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 308 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 5.192 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 4.832 người.

Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.126 lượt người; xét nghiệm RT-PCR cho 53 lượt người.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.475.186 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 1.665.311 lượt người.

Tính đến 23h ngày 22/2 có 5.027 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 2.737.436 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.091.899 người, mũi 2 là 1.082.770 người, mũi 3 là 757.019 người.

Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 976.096 người (tỉ lệ 102,43%); tiêm mũi 2 là 972.657 người (tỉ lệ 102,07%); tiêm mũi 3 là 757.019 người (tỉ lệ 79,44%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 115.803 người (tỉ lệ 101,71%), tiêm mũi 2 là 110.113 người (tỉ lệ 96,71%).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều 23/2, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - “vùng xanh”; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ - “vùng vàng”; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - “vùng cam”; 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”.

Tính đến 17h ngày 23/2, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận hơn 73,239 tỷ đồng từ 850 tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Trong đó, có hơn 41,390 tỷ đồng ủng hộ mua vắc-xin; hơn 28,849 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch và 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh. Trung tâm cũng đã tiếp nhận gạo và nhu yếu phẩm trị giá 10,58 tỷ đồng; thiết bị y tế gồm 2 xe cứu thương, 55 máy trợ thở, 10.000 liều thuốc đặc trị Covid-19, 3.350 bộ kit test nhanh, 2.500 bộ đồ bảo hộ, 15.500 khẩu trang y tế…

Trung tâm đã chuyển 40 tỷ đồng tiền mua vắc-xin; trích hơn 21,079 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ tất cả số gạo, nhu yếu phẩm, rau củ quả, thiết bị y tế. Kinh phí còn lại hơn 12,160 tỷ đồng.

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn…

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-covid-19-moi-o-tinh-khanh-hoa-tiep-tuc-tang-cao-a5...

Tp.HCM: Sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 gia tăng ở trẻ em

Chiều 23/2, tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, tính từ ngày 14/2 đến nay, Tp.HCM ghi nhận số ca trẻ em mắc Covid-19 gia tăng, nhưng hầu hết là ca bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình. Tính đến ngày 22/2, có 100 ca bệnh trẻ em nhiễm Covid-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện nhi.

Theo phân tích tình hình sức khỏe của 100 trẻ mắc Covid-19 (trong đó có 15% ca bệnh đến từ các tỉnh) cho thấy, có 84% trẻ em mắc Covid-19 xuất hiện triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng). Trong đó, có 89 ca có các triệu chứng trung bình hoặc nhẹ và chỉ 11 ca phải hỗ trợ hô hấp.

Hiện, Thành phố này đã chuẩn bị 450 giường, trong đó có 150 giường hồi sức hô hấp tại 3 bệnh viện nhi của thành phố, sẵn sàng thu dung điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 cũng như phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị.

Sở Y tế Tp.HCM đã lên kế hoạch theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND Tp.HCM xem xét chính sách dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, Tp.HCM cũng xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng; sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi; tập huấn cho hệ thống y tế, giáo viên, giúp nhận biết các dấu hiệu xử trí ban đầu, quy trình xử trí F0 trong trường học.

Sở Y tế Tp.HCM cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em mắc Covid-19 gia tăng. Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc gia tăng.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-san-sang-ung-pho-dich-covid-19-gia-tang-o-tre-em-a5440...

Tp.HCM: Ghi nhận hơn 500.000 người mắc Covid-19

Trong ngày 22/2, số ca mắc mới tại Tp.HCM được ghi nhận là 1.356 ca, số ca nhập viện trong ngày là 334 người, số ca xuất viện là 140 người, số ca tử vong là 1 người. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 cộng dồn tại thành phố là 521.754 người.

Thành phố đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10-17/2/2022, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến OUCRU và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron. 

Trước tình hình biến chủng Omiron lây lan tại cộng đồng, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 28/2/2022.

Trong giai đoạn 2 này, thành phố đã tiêm được mũi 1 thêm cho hơn 6.000 người, mũi 2 cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung/nhắc lại cho hơn 85.000 người. Để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng.

Do đó, các quận, huyện, Tp.Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời người dân đi tiêm chủng. Người dân cũng cần chủ động liên hệ để được tiêm chủng khi tới lượt.

Bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó lưu ý, người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm cả trẻ em có tình trạng béo phì. Cập nhật quy trình xử lý F0 phù hợp với tình hình mới.

Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh, mỗi người cần lưu ý thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K. Mỗi người cần lưu ý, hạn chế việc tập trung đông người trong những không gian kín. Khi có triệu chứng bệnh cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính phải khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Về ứng phó với tình hình Covid-19 ở trẻ em, Sở Y tế cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành Nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em nhiễm Covid-19 gia tăng. Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc gia tăng. Tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. Tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh Covid-19, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-ghi-nhan-so-ca-mac-covid-19-moi-tang-manh-trong-1-ngay...

F0 tăng cao, tỷ lệ học sinh Hà Nội tới trường giảm mạnh

Ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng cao. Có ngày ghi nhận 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo. Sở Y tế khẳng định, dịch bệnh vẫn được kiểm soát bởi các biện pháp cụ thể như: Công tác phòng chống COVID-19 được tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm, từ cơ sở…

Thành phố cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24h tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết thêm, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp có giảm. Cụ thể, học sinh khối THPT những ngày đầu đi học với tỷ lệ trên 90%, tuần qua giảm xuống 75,4%; học sinh khối THCS đến trường còn 77,02%; học sinh tiểu học ở các huyện đến trường còn 79%. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh; hỗ trợ các nhà trường về y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới tăng nhanh, trung bình những ngày gần đây là 5.128 ca/ngày. Bên cạnh đó, việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, hay điều kiện thời tiết lạnh là những diễn biến mang lại nhiều thách thức.

Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Điều này được thành phố dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể.

Đánh giá về dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố phân tích: “97% là ca nhẹ, không triệu chứng và thành phố vẫn luôn chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em). Hiện dư địa vẫn còn 40%. Bên cạnh đó là các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. Thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3”.

Ông Chử Xuân Dũng yêu cầu: “Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị cần chú trọng triển khai tập trung, hiệu quả quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn".

Để đảm bảo các hoạt động thông suốt, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh quan điểm, các cơ quan - đơn vị phải bố trí cán bộ phù hợp với biện pháp phòng dịch. Kết hợp làm việc online và trực tiếp. Đi kèm với đó là cách ứng xử thích ứng an toàn của toàn xã hội cho phù hợp.

Từ đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo việc ăn nghỉ, sinh hoạt của học sinh, sinh viên F0 tại các khu nhà trọ, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở với thái độ rõ ràng. Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, các Sở chuyên ngành sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất. Đơn vị nào vi phạm, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm.

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-tang-cao-ty-le-hoc-sinh-ha-noi-toi-truong-giam-manh-post1418430...

                      Tiểu thương ồ ạt nhập hương liệu xông hỗ trợ điều trị Covid-19 về bán tại các chợ Hà Nội
Trước tình trạng số ca F0 tại Hà Nội tăng cao, nhu cầu mua hương liệu xông hỗ trợ điều trị Covid-19 của người dân tăng đột biến. Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội, mặt hàng chanh, sả, gừng... xuất hiện khắp các gian hàng.

Tin tức Hà Nội

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19