Không ít lần những TikToker khiến dân mạng ngao ngán và pháp luật phải can thiệp vì những trò làm lố trên mạng xã hội.
Chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, TikTok trở thành nền tảng chia sẻ video lên mạng xã hội được giới trẻ yêu thích. Đây trở thành không gian giải trí và là nơi các “idol tóp tóp” xuất hiện với nhiều nội dung khác nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những content (nội dung) tích cực, có giá trị, không ít những video chứa nội dung tiêu cực, phản cảm, vô nghĩa hay thậm chí vi phạm quy định của pháp luật.
TikToker bị xử phạt vì mặc trang phục giả mạo công an
Vào ngày 4/8, phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị phối hợp Công an thành phố Vinh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Trần N.T. (28 tuổi, phường Trung Đô, TP. Vinh) về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.
TikToker này trước đó đã đăng tải video với nội dung “khi tôi cởi bộ đồ làm việc và đi bar” khi mặc quân phục Công an nhân dân và hình ảnh thẻ mang chữ “đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm”. Làm việc với cơ quan chức năng, Trần N.T. thừa nhận mượn trang phục Công an nhân dân cùng ve hàm Đại úy để mặc chụp ảnh, quay video đăng lên TikTok câu view.
Nam thanh niên bị phạt vì mượn đồ Công an nhân dân mặc và chia sẻ nội dung sai lệch lên TikTok
Giữa tháng 6 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội phát hiện một tài khoản TikTok đăng tải video cô gái trẻ mang trang phục của lực lượng Cảnh sát giao thông. Qua xác minh, cô gái trong video tên T.D.H, chủ một salon tóc và không công tác trong ngành Công an. Ngay sau đó, Công an phường Láng Thượng đã phối hợp Đội An ninh Công an quận Đống Đa mời người này lên trụ sở để làm việc.
Tại cơ quan Công an, T.D.H khai nhận sử dụng trang phục Cảnh sát giao thông để livestream trên TikTok trong 2 ngày 7/6 và 9/6 nhằm câu kéo tương tác. Công an quận Đống Đa sau đó đã lập hồ sơ xử lý trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ salon tóc bị phạt vì mặc đồ cảnh sát giao thông câu view trên TikTok
Cuối tháng 5/2021, hoa khôi của một trường đại học tại TP.HCM mặc đồ công an, nói nhăng nói cuội, tạo trend trên TikTok với nội dung: “Tháng 7 năm 1956, hơn 70% nhân dân thuốc đắng vào người anh lắc. Đưa tay em đây, anh dắt”.
Các chuyên gia về pháp luật cũng như xã hội học đã phân tích và chỉ ra việc vi phạm pháp luật trong hành vi của hoa khôi. Động cơ, mục đích mặc đồ Công an nói nhảm để câu view, dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến ngành công an. Toàn bộ các clip mặc đồ công an của hoa khôi này đăng trên TikTok cũng sau đó được gỡ bỏ.
Một hoa khôi của một trường đại học tại TP.HCM cũng từng phải gỡ toàn bộ clip do mặc đồ công an nói nhăng nói cuội
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.500.000 đồng.
Tại Điều 19 cũng quy định các mức phạt khác với các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân như:
Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
Theo đó, nếu vi phạm các quy định trên, người thực hiện sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp người thực hiện là người nước ngoài thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Nội dung vi phạm pháp luật, xuyên tạc
Ngày 30/7, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) quyết định xử phạm hành chính 5 triệu đồng với H.H.H (28 tuổi, huyện Đức Trọng) về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH), xúc phạm uy tín của lực lượng này.
Trước đó trong video được H.H.H đăng tải vào ngày 20/7 lên kênh TikTok riêng, người này cho rằng lực lượng PCCC&CNCH nhận 100 triệu đồng của người dân sau khi chữa cháy. Đây là thông tin sai lệch, nhằm mục đích thu hút tương tác, câu like, câu view cho video.
Đăng tin bịa đặt "cứu hỏa lấy 100 triệu" để câu like, TikToker bị phạt 5 triệu đồng
Vào tháng 8/2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an Hà Nội đã phối hợp cùng Công an quận Cầu giấy tiến hành xác minh làm rõ vụ một cô gái khoe tấm thẻ màu đỏ có dòng chữ “thẻ cán bộ” trong video lan truyền trên mạng xã hội với nội dung: “Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được khi có chốt á? Đoán xem!”.
Theo đó, tài khoản TikTok đăng tải clip này là của P.N.T. (sinh năm 2002, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Tại cơ quan chức năng, T. cho biết vào khoảng đầu tháng 7/2021 có quen biết với P.V.H (sinh năm 1999, quê Thái Bình, trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) qua mạng xã hội. Trong một lần đi chơi cùng anh H., T. thấy trên ô tô của thanh niên này có một tấm thẻ màu đỏ ghi dòng chữ “thẻ cán bộ” nên đã cầm lên để quay clip đăng lên TikTok, chèn thêm nội dung "Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được khi có chốt" và "Thẻ đỏ quyền lực của ba" nhằm câu view, thu hút người xem. T. thừa nhận hành vi đăng tải việc sử dụng thẻ cán bộ để đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh là sai sự thật.
Anh H. cũng cho biết tấm thẻ màu đỏ xuất hiện trong clip là thẻ của anh P.N.N (29 tuổi, từng công tác tại một cơ quan báo chí), có giá trị từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017. H. từng làm việc cùng anh N. nên đã mượn tấm thẻ để lưu giữ. Anh H. thừa nhận không biết T. dùng clip quay chiếc thẻ để đăng lên mạng xã hội với nội dung không đúng sự thật. Căn cứ các quy định, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt P.N.T. 12,5 triệu đồng về hành vi vi phạm trên.
P.N.T bị cơ quan chức năng xử phạt
Uốn éo tại sân bay và ngồi xổm lên băng chuyền hành lý dù không được phép
Thời gian gần đây, những ồn ào xung quanh các video tại sân bay trở thành tâm điểm. Không quan tâm đến những cảnh báo về an toàn, thậm chí là các mức phạt nặng, các TikToker liên tục “đu trend” tại sân bay với những nội dung phản cảm và sai với nội quy quy định. Tất cả đều vì mục đích câu view và tương tác trên mạng xã hội.
Khoảng 1 tháng trước, tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), video ghi lại cảnh một hành khách nữ tiến đến sát máy bay đang lăn vào vị trí đỗ để tạo dáng chụp hình. Hay hình ảnh một cô gái đứng nhảy múa được nam thanh niên đi cùng dùng điện thoại quay lại ngay cạnh nhiều máy bay đang dừng đỗ xung quanh khiến nhiều người không khỏi hoang mang.
Những vụ việc hành khách nhảy múa, tạo dáng chụp ảnh trên đường băng sân bay gây phẫn nộ
Sau trào lưu nhảy nhót, chụp ảnh trên đường băng là sự nổi lên của việc “đại náo” băng chuyền hành lý ký gửi đang chuyển động.
Chiều ngày 22/7, video trên TikTok ghi lại cảnh cô gái trẻ ngồi xổm trên băng chuyền hành lý đang chuyển động tại sân bay trong lúc các hành khách đang chờ lấy hành lý. Đến sáng ngày 23/7, mạng xã hội tiếp tục "dậy sóng" với đoạn video cô gái áo xanh ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay Đà Nẵng. Ngày 25/7, cảnh một hành khách nữ với dáng ngồi khá phản cảm trên băng chuyền hành lý tại sân bay Phú Quốc khiến dư luận phẫn nộ.
Ngồi trên băng chuyền hành lý ký gửi là hành vi gây phản cảm, mất an toàn
Trước những hình ảnh phản cảm, không đúng quy định của các TikToker tại sân bay, Cục Hàng không đã cho tiến hành rà soát, yêu cầu chấn chỉnh, tuyên truyền để không xảy ra trường hợp tương tự và xác minh danh tính hành khách vi phạm để có bước xử lý tiếp theo. Đơn vị này cũng đã ban hành Chỉ thị tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an toàn - an ninh hàng không, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn bay.