Một bác sỹ người Anh làm việc tại Sierra Leone - nơi dịch sốt xuất huyết Ebola đang hoành hành đã mô tả lại sự khủng khiếp khi chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong.
Tiến sỹ Oliver Johnson (28 tuổi) đang làm việc ở Sierra Leone, một trong những ổ dịch Ebola ở Tây Phi đã mô tả lại cảnh tượng kinh hoàng mà ông và các nhân viên y tế Anh đang phải chứng kiến trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola.
Khi dịch bệnh bùng phát và lan rộng ở các nước Tây Phi, anh và các cộng sự đã quyết định ở lại đây để hỗ trợ hệ thống y tế tại thủ đô Freetown của Siera Leone. Họ nỗ lực cứu người mặc dù biết rằng khả năng lây nhiễm bệnh dịch rất cao.
Ngày 4/8, tiến sỹ Oliver Johnson đã chia sẻ trên Dailymail về điều kiện làm việc thiếu thốn, và sự chống đối của người dân địa phương tin rằng dịch bệnh này là một âm mưu của chính phủ nhằm làm suy yếu các nhóm sắc tộc đối thủ và tìm cách bỏ trốn khỏi bệnh viện.
Johnson nói: “Chúng tôi nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng nếu theo đúng quy trình khám chữa bệnh và với sự hỗ trợ của thiết bị y tế hiện đại, mọi thứ rồi sẽ ổn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tránh được những sai sót, ví dụ như vô tình làm xước mặt hoặc quên rửa tay".
Anh cũng thừa nhận rằng làm việc trong môi trường làm việc phải trang bị quần áo bảo hộ khác xa với những gì họ từng trải. Anh nói thêm: "Điều sốc nhất là ngay lúc trước khi chết, những bệnh nhân Ebola trông vẫn rất khỏe mạnh. Một số bệnh nhân thậm chí còn đi lại bình thường nhưng lại qua đời chỉ ít phút sau đó”.
Bác sĩ Johnson nói thêm, sự sợ hãi bao trùm bệnh nhân và nhân thân khiến một số người tìm cách bỏ trốn.
Ebola là một dịch bệnh mới ở Sierra Leone và khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện, nhiều người nghĩ rằng có thể đây là một âm mưu của chính phủ nhằm làm suy yếu các nhóm sắc tộc, ăn cắp nội tạng hoặc biển thủ tiền của nhà tài trợ.
Nhiều người được cách ly không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra nên tìm cách bỏ trốn. Điều này làm gia tăng khả năng lan truyền dịch bệnh.
Trong thời gian vừa qua, dịch virus Ebola hay sốt xuất huyết Ebola đã xuất hiện trở lại ở nhiều nước châu Phi và đang vượt quá tầm kiểm soát của các tổ chức y tế thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đợt dịch Ebola hiện tại được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay với mức lây lan lớn và gây nguy cơ xuyên quốc gia. Đợt dịch đã khiến hơn 1.300 người ở 3 quốc gia Tây phi Guinea, Liberia và Sierra Leone nhiễm virus Ebola và 729 người trong số này đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2014.
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan khẳng định: "Quy mô và mối đe dọa của dịch Ebola đòi hỏi WHO cùng với Guinea, Liberia và Sierra Leone phải có phản ứng ở cấp độ mới và tăng cường các nguồn lực phòng chống bệnh".
Ebola là vi rút gây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Ebola thường giết chết 90% những người bị nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong trong đợt dịch này giảm xuống còn khoảng 60% nhờ điều trị sớm.
Ebola đã được xác nhận tại châu Phi vào năm 1976. Những cơn dịch đã xảy ra tại các nước châu Phi, bao gồm CHDC Congo, Gabon, Sudan, Bờ Biển Ngà, Uganda và CH Congo.
Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.
Ebola lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc với các dịch tiết của người hoặc động vật nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng từ 2 đến 21 ngày.
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của Ebola bao gồm sốt cao, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí là suy nội tạng và chảy máu không thể cầm. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).