Trong khoảng 30 năm, khu vực này đã "xuất khẩu" nhiều bé gái từ 15, 16 tuổi cho những nhà thổ khắp Indonesia, khiến giới chức trách phải đau đầu.
Vụ việc chính quyền Indonesia vừa đập bỏ hàng trăm ngôi nhà trong quận đèn đỏ lớn nhất thủ đô gây chú ý không chỉ ở nước này. Nhưng đất nước với phần lớn dân số theo đạo Hồi còn có nhiều nơi “nổi tiếng” vì lý do tương tự, trong đó có khu vực chuyên “sản xuất”, cung cấp gái mại dâm. |
Gái mại dâm trong quán bar King Cross ở Jakarta (Ảnh: Eka Nickmatulhuda)
Trong một chuyến đi đến vùng nông thôn ở Indramayu thuộc tỉnh Tây Java, Indonesia, nhà báo Michael Bachelard của báo Úc Sydney Morning Herald đã tìm hiểu cách thức hoạt động của nơi chuyên cung cấp phần lớn gái mại dâm cho cả nước, trong đó có không ít bé gái bị bán đi làm công việc mua hương bán phấn khi chỉ mới 14-15 tuổi.
Michael Bachelard gặp Son, một cựu ma cô dắt gái. Gã mặc đồ màu đen với một dây chuyền vàng lớn trên cổ, nhạc chờ điện thoại là bài hát “Barbie Girl”.
Cho tới tận năm ngoái, Son là một ma cô chuyên cung cấp gái làng từ Indramayu đến khu vực thủ đô Jakarta và Sumatra.
“Nếu một gia đình muốn bán con gái, họ sẽ đến gặp tôi và nói: “Cậu có thể giúp con gái tôi không? Cậu sẽ mang nó đi chứ?". "Được thôi, nhưng ông muốn gì nào?". Tôi hỏi, và họ sẽ nói: "Chúng tôi muốn một ngôi nhà”, Son kể với Michael.
Son sẽ cho cha mẹ cô gái biết liệu mong muốn của họ có thực tế không: “Một ma cô khác sẽ xem liệu con ông bà có đủ xinh đẹp không, có khả năng tiếp bao nhiêu khách một đêm. Đơn giản thế thôi”, Son nói.
Cha mẹ cô gái sẽ vay một khoản tiền và con gái họ phải làm việc để trả, thường trong 2 hoặc 3 năm. “Giống như bò, họ sẽ phải làm việc chăm chỉ”, Son phán.
Một số lượng lớn gái điếm của Indonesia đến từ những ngôi làng ở khu vực Tây Java này. Không phải mọi cô gái ở đây đều trở thành gái điếm, nhưng người ở đây nổi tiếng với tục lệ ăn mừng khi đẻ được con gái. Họ biết rằng khi cần, đứa bé đó sẽ nuôi sống cả gia đình. Indramayu đã trở thành một khu vực chuyên bán con gái.
Gia đình ủng hộ
Nur’asiah là một cô gái 21 tuổi. Trên tường nhà cha mẹ cô ở Indramayu có treo một bức ảnh cô thời còn bé mặc như một công chúa. Nhưng cô hiện đã là mẹ của một bé trai 6 tuổi – chào đời khi cô mới 15 tuổi. Cô đã có “thâm niên” 18 tháng nghề bán dâm và vũ nữ thoát y ở bar King Cross, phía bắc Jakarta.
Nur'Asiah trong phòng của cô ở Indramayu, tỉnh Tây Java (Ảnh: Eka Nickmatulhuda)
Nur’Asiah cho biết cô được một người bạn gần làng giới thiệu công việc. “Cô ấy cũng là vũ nữ thoát y”, cô nói.
Cô được trả 10 USD cho một đêm nhảy, bao gồm 4 lượt, và thêm 1 USD nếu khách mua đồ uống. Nhưng khoản thu thực sự đến từ việc bán thân. Đầu tiên cô chỉ muốn làm gái nhảy, nhưng chủ quán bar đã đẩy cô đến nghề làm điếm.
“Ông chủ đề nghị cho tôi mượn một chút tiền cho gia đình”, Nur’Asiah chia sẻ. “Sau đó, tôi gọi về nhà, hỏi mọi người xem ông ấy muốn gì...Lúc đó tôi mới biết rằng đã nhận tiền thì tôi sẽ phải làm thêm những việc khác ngoài nhảy”.
Khoản vay của Nur’Asiah là 30 triệu rupi (khoảng 3000 USD), gia đình cô đã dùng để sửa nhà và mua xe máy, lúa giống. Số tiền cũng được dùng vào việc nuôi dạy con trai cô. Nur’Asiah chấp nhận theo khách về khách sạn, kiếm được mỗi lần 1 triệu rupi (khoảng 100 USD).
“Lần đầu tôi khá lo lắng và sợ vì anh ta là người lạ, tôi cũng buồn vì mình phải làm việc đó với người mình không yêu, hoặc thích. Tôi cảm thấy mình bị ép buộc. Mặc dù không muốn, tôi phải làm vì cần tiền”, cô chia sẻ.
Nur'Asiah chuẩn bị đi làm (Ảnh: Eka Nickmatulhuda)
Ông Dasmin, ông của cô, một trong những người hưởng lợi từ việc sang sửa nhà cửa, khá thoải mái với việc cô làm.
“Con bé tự chọn công việc của nó. Điều quan trọng nhất là nó đã giúp đỡ được gia đình”, ông Dasmin nói.
Trong khoảng 30 năm, Indramayu đã xuất khẩu nhiều bé gái từ 15, 16 tuổi cho những nhà thổ khắp Indonesia. Mặc dù việc này xảy ra quá thường xuyên tới mức chẳng ai còn xấu hổ, nhưng giới chức trách vẫn phải đau đầu. Năm 2007, Indonesia cấm việc buôn bán phụ nữ dưới 18 tuổi. Nhưng ngành công nghiệp này nhanh chóng thích nghi, ngày nay hầu hết các cô gái trẻ được tuyển dụng bởi bạn của họ.
Những ma cô dắt gái vẫn đóng vai trò quan trọng sau sân khấu, nhưng nếu lời đề nghị đầu tiên không phải do ma cô đưa ra, kẻ buôn người thực sự sẽ lách được luật. Phần còn lại của phương thức vẫn như cũ: các cô gái bị buộc vào những khoản vay, để các ma cô hay má mì buộc các nạn nhân phải trung thành.
Hầu hết các cô gái sống trong những nhà trọ có người canh. Sẽ rất khó để ra ngoài kể cả trong những ngày nghỉ hay để đi mua sắm, bởi họ luôn bị theo sát.
Lấy chồng là một cách để thoát khỏi kiếp làm điếm. Các cô gái có thể trở thành vợ lẽ, hoặc là “gà” của đàn ông giàu có, thường là người phương Tây, chồng trong các quán bar và các câu lạc bộ đêm ở Jakarta.
Bắt chước người khác
Bé gái 7 tuổi Disty trong một lễ chào mừng (Ảnh: Eka Nickmatulhuda)
Cách Bongas khoảng nửa giờ đi xe, tại Bệnh viện Cảnh sát Bhayankara, Michael biết thêm một con đường khác dẫn đến nghề mại dâm. Tarani năm nay 28 tuổi và vào nghề vì lý do tương tự. “Nhiều người thân của tôi là gái bán dâm và tôi thấy họ là những người thành công. Khi họ về làng, họ trông sạch sẽ và trắng trẻo. Đó có vẻ là một công việc rất dễ chịu”, cô chia sẻ.
Cha mẹ bán cô với giá 2 triệu rupi (200 USD). Lúc đó cô 13 và còn trinh. Lần đầu tiên cô kiếm được 5 triệu rupi (500 USD) cho 2 tuần sống với một khách du lịch Singapore ở căn hộ của ông ta. Cô nhớ lại: “Ông ấy nói: Cháu trông giống con gái tôi”.
Với số tiền đó cô mua đất cho cha mẹ. Sau 8 năm làm việc, cô đã xây nhà trên miếng đất đó. Nhưng hầu hết khách của cô từ chối dùng bao cao su. “Khi chúng tôi nói tới việc lây truyền bệnh tình dục, họ nói: “Ồ, đó là nguy cơ của cô”, Tarani chia sẻ.
Chỉ sau khi bỏ việc, lấy chồng và có con, cô mới biết mình bị AIDS và đã truyền sang cho con mình. “Khắp người thằng bé mắc bệnh, trông như nấm”, Tarini nói.
Bị chồng bỏ, cô bán ngôi nhà và đất để trả tiền thuốc. Khi cậu bé được 1 tuổi, cô trở lại làm gái bán hoa. Không thể đối mặt với thực tế rằng mình cũng bị bệnh, cô không hề chữa trị. “Tôi cầu nguyện rằng Chúa sẽ mang tôi đi chứ không phải con tôi”, Tarini vừa nói vừa khóc.
Nhưng Chúa đã không nghe thấy. Cậu bé mất khi mới được 16 tháng tuổi.
Tarini giờ đã được điều trị, đã bỏ việc và lấy chồng lần nữa. Năm ngoái cô có thêm một bé gái. Rất may cả chồng và con cô đều không bị lây nhiễm.