Ngày giỗ đầu tiên của các nạn nhân vụ chìm phà Sewol đang tới gần, nỗi đau của những gia đình có người thân thiệt mạng vẫn chưa nguôi ngoai.
Kể từ tháng 7 năm ngoái, ông Jongchul Lee, vẫn sống trong túp lều tạm trên con phố ở trung tâm thủ đô Sewol. 'Nhà tạm' của ông ồn ào và bất tiện nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc chiến đòi lại công bằng và câu trả lời thỏa đáng về cái chết của cậu con trai, một trong số 304 nạn nhân thiệt mạng khi chiếc phà Sewol bị lật úp trên đường từ Incheon đến đảo Jeju.
Người dân Hàn Quốc đội mưa cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ chìm phà thảm khốc
Nỗi đau của ông bắt nguồn từ ngày 16/4 định mệnh năm ngoái. Con trai ông cùng với hàng trăm học sinh trường trung học Danwon tham gia chuyến du lịch của trường tới đảo Jeju. Do chở quá tải, phà bị nghiêng rồi lật úp ở ngoài khơi tây nam Hàn Quốc. 7 ngày sau đó, thi thể của Minwoo, con trai ông Jongchul, mới được tìm thấy. Điều đau đớn nhất đó là lúc đấy ông không thể nhận dạng được con mình với những thi thể khác.
Họ hi vọng rằng chính phủ sẽ tìm thấy 9 nạn nhân mất tích còn lại
"Thi thể con trai tôi phủ đầy dầu, trên má có một vết xước. Chân và tay thằng bé duỗi thẳng đơ, miệng há hốc. Nó chết bên trong phà nên gầy đi và dường như không còn cao bằng lúc còn sống. Lần đầu tiên nhìn thấy thật khó để nhận ra nhưng nhìn vào đôi mắt, tôi biết đó là con trai mình", ông Jongchul nghẹn ngào kể lại với phóng viên.
Người cha đau khổ này vẫn cho rằng chính phủ Hàn Quốc đã không kịp thời và chưa làm hết mình kể cả khi thảm kịch xảy ra và nhiều tháng sau đó nữa.
Người dân Hàn Quốc vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau sau 1 năm xảy ra thảm họa
Ngoài ông Jongchul, hàng chục gia đình khác có người thân thiệt mạng trong vụ chìm phà cũng dựng lều 'tạm bợ' ở quảng trường Gwanghwamun để gây áp lực với chính phủ Hàn Quốc trong việc điều tra vụ án, tìm ra nguyên nhân thảm kịch, trừng phạt những người có trách nhiệm, trục vớt chiếc phà và đặc biệt là tìm kiếm 9 nạn nhân còn mất tích.
Nhiều thân nhân của các nạn nhân từ chối nhận tiền bồi thường và cho rằng tiền nong không phải là mối quan tâm chính. Ngày 1/4/2015 các nhà chức trách Hàn Quốc tuyên bố bồi thường cho mỗi gia đình có học sinh thiệt mạng khoảng 380.000 USD (8,2 tỷ đồng).
Chulhan Kim, một tình nguyện viên của nhóm đưa ra bản kiến nghị trên cho biết: "Chúng tôi không hiểu nổi tại sao chính phủ lại để mặc tàu. Chúng tôi đang thu thập chữ ký để ủng hộ việc nâng phà đắm lên. Người nhà nạn nhân không muốn nhận bất cứ khoản bồi thường nào. Điều họ quan tâm là nguyên nhân của thảm kịch và tại sao công tác cứu hộ lại diễn ra chậm chạp đến thế".
Bà Kyunghee Yoon, người mất con gái và cháu trai trong vụ chìm phà phản đối việc chính phủ trả tiền bồi thường trước khi đưa ra câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân của vụ tai nạn. Gia đình bà đã tổ chức tang lễ trong nhiều ngày liên tiếp vào tháng 4 năm ngoái. Theo Chanel News Asia, 6 ngày sau vụ chìm phà, thi thể con gái bà - Siyeon Kim- được tìm thấy.
Đồng phục của 1 em học sinh thiệt mạng trong vụ chìm phà
"Đây chưa phải lúc để nói về việc bồi thường vì vẫn còn 9 thi thể chưa được tìm thấy. Tôi đã có 6 ngày khó khăn khi chưa thấy thi thể con gái nên tôi không thể tưởng tượng được người thân của 9 nạn nhân chưa được tìm thấy sẽ đau khổ đến nhường nào", bà Kyunghee chia sẻ.
Bà nói thêm, không hề có bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ. Ngay khi thảm kịch xảy ra, Tổng thống Park Geun Hye đã cam kết với chúng tôi dù chỉ còn người, bà cũng sẽ cứu họ. Chính phủ đã thành lập ủy ban điều tra độc lập về tai nạn này vào tháng trước, tuy nhiên, ủy ban này vẫn chưa hoạt động do bế tắc chính trị ở Sewol.
Giới chức Hàn Quốc đổ lỗi thảm kịch do sự sao nhãng của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Nguyên nhân ban đầu của vụ chìm phà được xác nhận là do cú bẻ lái đột ngột của thuyền phó khiến chiếc phà mất thằng bằng và lật nghiêng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gần 1 năm sau thảm kịch, vẫn có nhiều ý kiến xoay quanh nguyên nhân gây chìm phà như vấn đề thay đổi thiết kế, chở hàng hóa quá tải... Phà Sewol đã chở 3,608 tấn hàng hóa, gấp 3 lần tải trọng được phép.
Thuyền trưởng Lee Joon-Seok và 3 thuyền viên cấp cao, bị cáo buộc tội danh "giết người do thiếu ý thức trách nhiệm". 11 thành viên thủy thủ đoàn khác đã bị khởi tố về các tội danh bỏ tàu và vi phạm luật an toàn tàu thủy.
Tối 13/4 vừa qua, hàng trăm người dân Hàn Quốc đã tập trung tại quảng trường Gwanghwamun giữa thời tiết mưa lạnh để cùng cầu nguyện cho các nạn nhận đồng thời hi vọng 9 nạn nhân mất tích sẽ được tìm thấy.
Thảm họa chìm phà Sewol xảy ra hôm 16/4 đã làm 304 hành khách thiệt mạng và 23 người khác mất tích. Hơn 80% trong số khoảng 300 người chết và mất tích là các học sinh một trường trung học ở Ansan, phía nam Seoul. Vụ chìm phà Sewol là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất ở Hàn Quốc trong vài thập kỷ qua. Các sự kiện tưởng niệm đã được lên kế hoạch sẽ được tổ chức vào ngày mai (16/6), đúng tròn một năm xảy ra vụ việc.