Gần 30 năm lấy nhau thì 20 năm Ký gần như buông xuôi trong sự bạo hành của chồng. Cho đến một ngày sự uất ức bị dồn nén khiến người đàn bà cam chịu trở thành kẻ giết người...
20 năm vẫn chưa thôi khóc
Vừa bước vào cửa phòng giáo dục phân trại 2, trại giam Thanh Phong, đôi mắt phạm nhân Lâm Thị Ký, 45 tuổi, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa đã ầng ậc nước. Mới ngoài bốn mươi mà trông Ký héo hắt, tiều tụy như một bà lão. Ký bảo mấy hôm nay trời rét đậm, những chỗ chồng đánh đã thành tật lại đau ê ẩm. Hỏi Ký đau ở những chỗ nào, chị ta quờ tay ra sau lưng, lên bả vai rồi khẽ thở dài: “Khắp người cán bộ ạ”. Nói xong câu đó, chị ta tu lên khóc. Tôi đọc được trong dòng nước mắt ấy có những giọt nước mắt thương thân, tủi phận của một người đàn bà từng một thời nhan sắc và cả những giọt nước mắt xót xa cho con cái.
Theo tài liệu của cơ quan công tố, chiều tối ngày 12/7/2012, trong lúc ăn cơm tại nhà ở thôn Thái Tượng, anh Lại (chồng của Ký) uống rượu say và như thường lệ, người đàn ông này đánh chửi vợ. Được ba con kịp thời can ngăn nên chị vợ là Lâm Thị Ký chạy thoát ra ngoài, chờ đến đêm mới lén vào buồng ngủ.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 13/7/2012, trong lúc Ký đang ngủ cùng hai con trong buồng thì anh chồng vào kéo Ký ra phòng khách. Tại đây, người chồng vũ phu đã dùng tay chân đánh đập vợ. Khi Lại cầm dùi đục gỗ đập vợ, Ký lấy tay gạt chiếc dùi đục rồi xô chồng ra để chạy khiến anh Lại ngã ngửa ra đằng sau, đầu đập vào gờ cửa sổ, bất tỉnh. Nghĩ chồng tỉnh dậy thế nào cũng đánh mình chết, chi bằng đánh chết chồng rồi mình cũng chết theo nên Ký cầm dùi đục đập mạnh vào đầu chồng sau đó xuống bếp uống hết chai thuốc sâu.
Tuy nhiên, chỉ có anh Lại chết do bị dập hộp sọ còn Ký đang mê man vì thuốc sâu thì được con cái phát hiện, kịp thời đưa đi bệnh viện. Ngay sau khi tỉnh dậy, biết chồng đã chết, Ký liền ra cơ quan công an đầu thú.
Phạm nhân Lâm Thị Ký
Bị kết án 5 năm tù về tội giết người, Ký về trại giam Thanh Phong cải tạo. Người ta thì mừng vì được gần nhà còn Ký lại càng thấy dằn vặt, suy nghĩ. Trong lá thư gửi về cho các con, chị ta đã viết: “Con ơi! Sao hôm nay ở nơi đây cũng là mảnh đất quê hương mà sao mẹ cảm thấy như xa vời vợi? Trong lúc thiếu vắng mẹ, và sau là ngàn lần mẹ xin lỗi các con, vì mẹ sinh con ra mà mẹ không làm tròn trách nhiệm.
Nhưng con ơi, xin con hãy hiểu cho lòng mẹ…Hai mươi mấy năm qua cũng chỉ vì thương các con mà mẹ không nỡ dứt ra để đi tìm lối thoát. Chắc các con khôn lớn rồi cũng đã hiểu cho nỗi khổ của mẹ…Bao nhiêu trận đòn roi bố các con đánh mẹ chết đi sống lại, đánh đập thể xác, hành hạ lương tri…Vậy mà mẹ vẫn phải ngậm đắng nuốt cay, bươn chải giữa dòng đời, để nuôi các con khôn lớn, mong sao cho tròn trách nhiệm…”.
Gần 30 năm chung sống với chồng thì có tới 20 năm sống trong sự bạo hành, Ký bảo số lần được ngủ trong nhà đếm trên đầu ngón tay còn lại là ngủ bờ, ngủ bụi. Nhiều hôm mấy mẹ con dắt nhau lang thang ngoài ngõ, chờ cho chồng ngủ say mới lẻn về hiên nhà nằm, vậy mà còn bị chồng múc nước hắt cho ướt hết.
Nhiều hôm anh Lại lên “cơn hâm”, mâm cơm vợ nấu xong, cả nhà còn chưa kịp bưng xuống đã bị anh đổ hết vào máng lợn. Nhịn đói hay ăn mì sống là chuyện thường xuyên xảy ra với mấy mẹ con Ký nhưng chưa cực bằng chuyện ngủ nghỉ. Cả ngày lao động quần quật chỉ mong đêm về được ngả lưng vậy mà chẳng đêm nào Ký có được một giấc ngủ trọn vẹn. Nếu không bị chồng đuổi ra ngoài đường thì đêm đó thế nào bị ăn đòn khiến Ký lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng …chạy. Hai mươi năm khóc vì đòn chồng, giờ nước mắt Ký lại tiếp tục rơi khi nghĩ đến các con.
Chỉ còn con cái là chỗ dựa
Thuở con gái, Ký cũng thuộc diện có nhan sắc, thế nên mới lọt vào đôi mắt anh bộ đội phục viên, đẹp trai Nguyễn Văn Lại về địa phương làm bí thư đoàn. Ai cũng bảo vợ chồng Ký khéo chọn nhau, vừa đẹp đôi vừa đảm đang, chăm chỉ. Ngoài việc cấy hái ruộng vườn ra, Ký còn chạy chợ buôn bán còn chồng ngoài công tác xã hội còn có nghề thợ xây. Chăm chỉ, cần cù nên mới bước vào tuổi ba mươi, vợ chồng Ký đã gây dựng được một cơ ngơi khang trang mà cặp vợ chồng nào nhìn vào cũng thèm muốn.
Ký bảo chính vì mỗi khi bị chồng đánh, cũng buồn chán lắm nhưng cứ nhớ lại những ngày sống hạnh phúc, Ký lại không nỡ bỏ chồng. Ký bảo tại chồng làm thợ xây, được nhiều chủ nhà đãi rượu mà thành nghiện rồi mới sinh ra cái tính nát rượu, vũ phu chứ ngày đầu anh Lại rất hiền và thương vợ.
“Tôi chạy chồng quen rồi mà sao hôm đó lại nổi khùng điên như thế. Giờ tôi đi tù, chỉ khổ mấy đứa con. Chúng nó tự nuôi nhau mà có bỏ rơi tôi đâu, tội cho các con tôi quá…”, Lâm Thị Ký tức tưởi.
Ngày Ký bị bắt giam, cậu con trai lớn khi đó mới 18 tuổi nhưng cũng đủ trí thông minh để hiểu rằng mẹ mình đang cần gì. Vừa lo tang ma cho cha, cậu thanh niên này vẫn mướt mải tìm vào thăm mẹ. Cậu mang vào cho mẹ vài bộ quần áo, cái nắm tay thật chặt kèm theo câu nói: “Mẹ đừng làm gì dại dột, chúng con cần có mẹ”. Câu nói đó của đứa con trai đã giúp Ký vượt qua những khi yếu lòng, vững dạ hơn khi nghĩ đến ngày trở về, phải đối mặt với gia đình chồng.
“Đứng trước vành móng ngựa, mẹ là một bị cáo giết người phải nhận trước pháp luật một bản án 5 năm tù giam. Những ngày mới bị giam ở Cầu Cao (trại tạm giam công an tỉnh Ninh Bình-pv), mẹ như một kẻ vô hồn, không biết thương con cũng không suy nghĩ, không biết hình dung đến cảnh đau thương tang tóc mà các con đang phải gánh chịu; cũng chẳng biết đến cảnh biệt ly…Mẹ u sầu trầm tư và mặc cảm…”, Ký đã viết như thế.
Người mẹ tội lỗi đã day dứt rất nhiều và thầm hứa với các con: “Mẹ đang cố gắng cải tạo khá liên tục để mong được sự lượng thứ khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Rồi một ngày nào đó họ sẽ cho mẹ về trước thời hạn 5 năm để đoàn tụ với các con. Trong chuỗi ngày còn lại và lúc đó những hơi thở yếu ớt cuối đời còn lại, mẹ sẽ cố gắng để bù đắp cho các con”. Ký bảo nhiều lần muốn chết theo chồng nhưng khi nghĩ đến con, đến câu nói của con ngày còn ở trại tạm giam, vậy là lại cố. Với Ký, cuộc sống bây giờ là để cho các con.
“Con gái tôi lấy chồng rồi, gia đình họ cũng thông cảm lắm. Ơn trời là cả ba đứa nhà tôi đều ngoan ngoãn và thương mẹ”, Ký kể. Lần đầu tiên trong suốt buổi nói chuyện, gương mặt người đàn bà này mới bớt u ám khi nhắc đến con. Dẫu sao thì chị ta vẫn còn may mắn rất nhiều vì được con cái cảm thông, tha thứ. Chúng đều lớn và hiểu nỗi khổ của mẹ, không vì áp lực từ phía bà nội và các bác mà bỏ rơi mẹ. Với Ký, còn mong gì hơn là con cái, chỗ dựa cho ngày trở về.