Thời gian trôi đi, vụ án mạng kinh hoàng năm nào tại bản Mường Vọ đã lùi vào quá khứ. Nỗi đau mất người thân trong gia đình bà Quách Thị Ẹng cũng đã nguôi ngoai phần nào.
Thế nhưng cuộc sống hiện tại của gia đình này lại gặp rất nhiều khó khăn. Mọi gánh nặng kinh tế đều đè lên đôi vai người con trai út của bà Ẹng – anh Quách Công Nam. Cũng vì nghèo khó, hai đứa con chị Vẹn phải từ bỏ giấc mơ đến trường. Tuy nhiên, trên gương mặt của những con người khốn khổ này vẫn ánh lên một niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng.
Gánh nặng cuộc đời
“Cái Vẹn mất đi, mọi gánh nặng đều đổ lên vai thằng Nam. Giờ đây, nó là lao động chính trong nhà, vất vả cày thuê cuốc mướn quanh năm nhưng vẫn chẳng đủ tiền nuôi 7 miệng ăn. Nhiều lúc thấy thương con mà tuổi già sức yếu, lực bất tòng tâm cô chú ạ. Chỉ thương hai đứa con cái Vẹn, từ khi mẹ nó mất dù thương con, thương cháu nhưng gia đình nghèo quá, đến cái ăn cái mặc còn chẳng đủ nên không thể lo chu toàn cuộc sống cho các cháu được. Vì thương cậu, thương các em nhỏ, hai chị em chúng nó đều xin nghỉ học ở nhà cả. Nếu mẹ nó không bị giết chết, chắc giờ này con bé Mai, con bé Phương cũng được đến trường như đám bạn của nó”, bà Ẹng buồn rầu chia sẻ.
Là trụ cột trong gia đình, mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng anh Quách Công Nam chưa một lần oán trách số phận. Anh bảo, nếu vì cuộc sống khổ cực mà kêu than thì ai giúp, bản thân mình phải tự đứng lên, tự chịu trách nhiệm với gia đình, với các con, các cháu. “Nếu tôi nản chí thì lấy ai làm chỗ dựa tinh thần cũng như chỗ dựa về kinh tế cho cả nhà. 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn sào ruộng cấy, vợ tôi lại vừa mới sinh cháu nên chưa thể giúp gì nhiều. Mẹ già con dại, lo chu toàn ruộng đồng tôi lại gói ghém quần áo lên phố xin làm thuê. Không thể lo cho các cháu ăn học đầy đủ vì chi phí quá cao, tôi cũng mặc cảm lắm. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa”, các cháu lớn lên sẽ hiểu tình cảm tôi dành cho chúng nó”.
Cũng theo anh Nam chia sẻ, việc để các cháu ở nhà phụ giúp việc gia đình cũng là bất khả kháng. Gia đình anh Nam nằm trong diện khó khăn và được hưởng trợ cấp dành cho hộ nghèo. Bởi thế khi đi học, các cháu của anh Nam cũng được hưởng chính sách hỗ trợ học phí. Nhưng trước khi được hưởng chế độ ấy, vẫn cần phải có tiền để nộp ban đầu. Anh Nam cho biết, nhà trường nói sẽ hoàn lại học phí cho các cháu khi học kỳ kết thúc nhưng trước mắt phải đóng tiền trước và việc hoàn lại học phí sẽ được phía phòng TB&XH thanh toán sau. Nhưng đóng một lúc cả đống tiền cho hai đứa cháu, tôi không biết đào đâu ra, vay mượn thì chẳng ai cho. Biết được sự khó khăn của tôi, Mai và Phượng đã chủ động xin nghỉ học.
Bà Ẹng đau lòng khi bị một số người làng nghi bán cháu.
Quyết định nghỉ học nhưng mỗi buổi sáng nhìn bạn bè đến trường, ánh mắt của Mai và Phượng không giấu được nỗi u buồn. Đôi lúc, Mai phải ngăn những giọt nước mắt và chạy ra sau nhà khóc ngon lành. Biết gia đình khó khăn và cũng không muốn là gánh nặng đè lên đôi vai của người cậu, các em chấp nhận hi sinh. “Không được đến trường cũng buồn lắm nhưng nhìn cậu Nam vất vả ngược xuôi nuôi chúng em, hai chị em cũng không dám đòi hỏi. Khi ngỏ lời xin nghỉ học cậu Nam cũng không cho đâu nhưng em bảo, chỉ cần được sống với gia đình, với bà, với cậu là chúng em vui rồi. Còn việc đến trường đành gác lại, sau này chúng em lớn hơn một chút đi làm và kiếm được tiền sẽ tiếp tục đến trường. Khoảng một, hai năm nữa đủ 18 tuổi, em sẽ xin đi làm ở công ty may. Có chút tiền vừa lo cho bản thân, lại có thể phụ giúp cho gia đình. Khi đó, em sẽ có tiền cho em gái em đi học nữa”, Phượng con gái lớn của chị Vẹn bộc bạch.
Đôi mắt đỏ au khi chúng tôi hỏi chuyện ước mơ đến trường, cháu Mai ngậm ngùi: “Cháu cũng muốn được đến trường như các bạn, cũng muốn được mặc đẹp, được ăn ngon. Nhưng gia đình cháu nghèo quá, một mình cậu cháu thì không thể nuôi một lúc được 4 người đi học, lại còn phải lo ăn, lo mặc cho 7 người trong nhà nữa. Thương cậu, thương mợ, hai chị em cháu xin nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình”.
Lời đồn thổi ngăn cản ước mơ con trẻ
Sau cái chết của chị Quách Thị Vẹn, cùng câu chuyện về cuộc sống khó khăn của gia đình bà Ẹng được các báo đài đưa tin, đã có rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước sẵn sàng chìa bàn tay của mình để chở che cho cuộc sống của hai chị em Mai và Phượng. Những tưởng cuộc đời của 2 cô cháu gái sẽ được thay đổi và lại được đến trường như chúng bạn. Nhưng ở làng quê nghèo này, không có chuyện gì đến dễ dàng và đi dễ dàng được, chính miệng lưỡi thế gian, sự hà khắc của bản làng đã khiến cuộc sống của hai đứa trẻ mất mẹ khó khăn, càng khó khăn hơn. Anh Nam nói: “Đã có nhiều người đến và đề nghị được nuôi hai cháu Mai và Phượng, đặc biệt là có vợ chồng anh Hùng, chị Lan ở Hà Nội. Anh chị ấy có hai người con đều đi du học ở nước ngoài và hiện họ là giám đốc của một công ty may mặc rất lớn. Cuộc sống gia đình khá đầy đủ, tôi cũng đã ra tận nơi để xem cơ ngơi. Thậm chí khi về gia đình tôi, vợ chồng anh Hùng còn mang đầy đủ giấy tờ đến trình báo ngoài xã và xin được làm thủ tục nhận hai cháu Mai và Phượng làm con nuôi. Họ còn cam kết sẽ cho các cháu đi học và tạo công ăn việc làm sau này khi các cháu ra trường nữa. Nhưng tôi đã gặp khó khăn rất nhiều, thậm chí tôi và mẹ phải lên tận xã trình bày nguyện vọng mấy lần phía xã mới chấp nhận”.
Hoàn thành các thủ tục, gia đình anh Nam vui mừng khi cháu Mai và cháu Phượng lại được đến trường. Đặc biệt hơn, gia đình nhận nuôi hai cháu rất tử tế nên họ cũng yên tâm. Thậm chí khi làm thủ tục chuyển trường và tiễn hai cháu xuống Hà Nội, bà Ẹng và anh Nam còn được gia đình anh Hùng mời đi cùng các cháu. Thế nhưng, khi đưa hai cháu thoát khỏi vùng quê nghèo thì cũng là thời điểm anh Nam và gia đình phải chịu bao điều tiếng của bản làng. Anh Nam nhớ lại: “Mọi người nói ra nói vào nhiều lắm, thậm chí có người còn nói thẳng vào mặt mẹ tôi rằng, nhà nghèo ăn khoai ăn sắn cũng được sao lại mang hai cháu bán đi như vậy. Bán như thế họ cho được bao nhiêu tiền, có sống hết tuổi già được không? Thậm chí có người còn ác ý hơn khi bảo tôi bán hai cháu vào động mại dâm…Vừa tủi thân, vừa tức giận, giải thích thế nào họ cũng không tin tôi đành phải đón hai cháu trở về”.
Hôm xuống đón hai cháu về quê, Mai nhỏ hơn nên được gia đình anh Hùng chị Lan tha thiết giữ lại, còn cho Phượng theo anh Nam trở về gia đình. Nhưng vì nhớ chị, nhớ gia đình, sau đó không lâu Mai đã xin bố mẹ nuôi được trở về bản Mường cùng với bà ngoại và chị gái. “Vợ chồng anh chị ấy tốt lắm, họ bảo nếu có khó khăn gì thì cứ gọi điện cho họ. Còn sau này hai cháu lớn lên nếu các cháu muốn đi làm họ sẽ nhận các cháu vào công ty may. Lúc ấy các cháu có quyền quyết định và không phải lo miệng lưỡi thế gian nữa”.
Anh Nam cho biết thêm, sau khi nhận được sự giúp đỡ từ chương trình “Lục lạc vàng”, gia đình anh đã nhận được một cặp bò giống. Cuộc sống khó khăn, cả gia đình chỉ trông vào hai con bò giống nhưng anh Nam vẫn rất lạc quan. Anh bảo: “Hai con bò giờ đây đều đang mang thai, cả nhà tôi giờ chỉ trông vào mấy con bò đó thôi. Sau này mấy đứa nó lớn, tôi nghĩ sẽ cho mỗi đứa một con bò giống làm của hồi môn về nhà chồng”. Nhìn quanh ngôi nhà, anh Nam nở nụ cười đầy hạnh phúc: “Ngôi nhà này tôi mới sửa lại cho rộng ra thêm một chút, đó cũng là nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đấy. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng mẹ con, cậu cháu, rau cháo có nhau. Như thế là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”, anh Nam bùi ngùi chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quách Công Rưn – Phó Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết, trường hợp gia đình bà Ẹng hiện vẫn nằm trong diện hộ nghèo và được xã quan tâm đặc biệt. Riêng với hai cháu Mai và Phượng, việc các cháu nghỉ học là do cháu tự quyết định, phía xã cũng không thể can thiệp. Hiện nay các cháu đang sống cùng với bà ngoại và người cậu ruột của mình. Hi vọng sau này lớn lên các cháu sẽ trở thành những người con có ích cho gia đình, xã hội. |