Các cơ quan chức năng của TP.HCM sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.
Trưa 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lock down) dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; thông tin cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm COVID-19... Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định những thông tin trên đều là thông tin sai sự thật, xuyên tạc.
Lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Người dân thành phố nên cập nhật thông tin từ các cơ quan thông tấn báo chí chính thống.
Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.
Hàng hóa, thực phẩm tại các siêu thị vẫn dồi dào, đủ cung ứng cho người dân
Tại cuộc họp báo chiều 13/7, trả lời câu hỏi về việc sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ 16, TP.HCM sẽ tính toán như thế nào, Phó Bí thư Thành ủy Thường trực Phan Văn Mãi cho rằng sẽ có 3 tình huống xảy ra.
Tình huống thứ nhất là TP sẽ ngăn chặn kiểm soát được COVID-19 và tính đến việc thực hiện Chỉ thị 16 - hay 15, 19 tùy theo diễn biến của dịch vào lúc đó.
Tình huống thứ 2 là TP không kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, như vậy vẫn phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thậm chí tăng cường 16+ tại một số địa bàn.
Còn tình huống xấu nhất là tình huống thứ 3, dịch sẽ gia tăng mạnh mẽ, TP không kiểm soát được thì phải tính đến việc phong tỏa hay có biện pháp mạnh hơn để ứng phó tình hình.