Ưu, nhược điểm trường công lập, tư thục và quốc tế, học phí, chất lượng ra sao, nên chọn trường thế nào… là loạt các câu hỏi của phụ huynh được các chuyên gia giải đáp trong việc chọn trường cho con vào lớp 1.
Mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2024 bắt đầu nóng dần khi phụ huynh ở khắp nơi ráo riết tìm kiếm thông tin, đôn đáo chạy đi khắp nơi để tìm trường phù hợp cho con vào lớp 1.
Nếu như nhiều phụ huynh có tiêu chí rõ ràng để lựa chọn trường cho con như trường ở gần nhà, trường có mức học phí phù hợp với thu nhập, trường có chương trình học đúng với lộ trình học tập của cha mẹ đặt ra cho con, đó là trường công lập, trường tư thục hay trường quốc tế… thì cũng có không ít phụ huynh chưa có tiêu chí rõ ràng hoặc tìm được trường rồi nhưng lại không biết đánh giá chất lượng.
Ưu nhược điểm của trường cấp 1 công lập, tư thục và quốc tế
Chị Phạm Thu Hằng, sinh năm 1974, là một bà mẹ 2 con, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị Hằng có con trai lớn sinh năm 2000, học Tiến sỹ tại Đại học Boston (BU - Mỹ) chuyên ngành kinh tế sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Virginia (UVA - Mỹ). Con gái của chị sinh năm 2006, học tại trường Monash (Úc).
Chị Phạm Thu Hằng chia sẻ Không có mô hình trường học nào là hoàn hảo mà chỉ có thể chọn trường học phù hợp với khả năng, điều kiện của học sinh và gia đình
Chị Hằng cho các con trải nghiệm đủ các mô hình học trường công, trường chuyên, trường bán công, trường dân lập và trường quốc tế và đã đúc rút một số ưu nhược điểm như sau:
Trường công: Ưu điểm là có nhiều trường, có thể chọn trường gần nhà, có thể chọn lớp có cô giáo dạy giỏi, học phí rẻ. Tuy nhiên, khuyết điểm là lớp quá đông, học sinh phải nỗ lực để theo các bạn trong lớp, chế độ chăm sóc của cô giáo cũng chỉ ở chừng mực nhất định, không thể như ở nhà 1 mẹ chăm 1, 2, 3 con được.
Trường quốc tế: Ưu điểm là con được học theo cách tương đối thoải mái, được thể hiện bản thân, sử dụng ngoại ngữ là chính và áp lực học hầu như không có.
Khuyết điểm: Tuy không có áp lực học ganh đua, học sinh lại có áp lực khó hơn là vượt lên chính mình và phải tự ý thức vì thầy cô không giục giã nhắc nhở. Học phí quá cao, phù hợp với gia đình nào có kinh tế ổn định bởi vì nếu học công lập hoặc dân lập, nếu con thích học quốc tế thì chuyển sang khá dễ dàng.
Nhưng học sinh đang học quốc tế chuyển sang dân lập hoặc công lập thì không phải bạn nào cũng thích nghi được. Và một khuyết điểm khá lớn nữa là tiếng Việt của học sinh không tốt lắm, không hiểu nghĩa nhiều từ. Mọi người có thể nói, sau này đi làm cần dùng tiếng Anh, nhưng cá nhân mình thấy, mình là người Việt Nam mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ 2. Cũng chưa chắc học sinh sẽ du học và ở lại nước ngoài làm việc, nên muốn gì thì cũng phải sử dụng tốt tiếng Việt.
“Không có mô hình trường học nào là hoàn hảo mà chỉ có thể chọn trường học phù hợp với khả năng, điều kiện của học sinh và gia đình. Còn mỗi trường sẽ có một ưu, nhược điểm riêng. Như vậy, quyết định cho con học trường nào phù thuộc vào từng cha mẹ chứ không có quy tắc chung”, chị Hằng cho hay.
Những lưu ý khi chọn trường quốc tế cho con
Là chuyên gia giáo dục đồng thời cũng là mẹ của 2 con nhỏ, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho biết, khi chọn trường quốc tế cho con theo học, bố mẹ cần cân nhắc các tiêu chí sau:
Chất lượng và kiểm định
Về kiểm định, ngay khi thấy nhãn Quốc tế, câu đầu tiên cha mẹ sẽ hỏi và yêu cầu được giải đáp tường tận là: chuẩn quốc tế này có được kiểm định và xác nhận không? Bởi tổ chức nào? Quy mô và quy tín của tổ chức ấy? Hay ít nhất là theo chương trình giáo dục của quốc gia nào?
Về chất lượng, bố mẹ cần giải đáp những câu hỏi: lộ trình có đảm bảo được con tôi sẽ đi về đâu ở những cấp lớp tiếp theo? Giáo viên có bằng cấp, trình độ thế nào? Cơ sở vật chất có khuôn viên, phòng ốc, học cụ, nhà ăn và cả toilet ra sao? Các dịch vụ khác của trường như ngoại khóa, hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt, hỗ trợ liên lạc nhà trường - phụ huynh…
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh khuyên các phụ huynh cân nhắc kỹ càng các tiêu chí trước khi chọn trường cho con
Giá trị, triết lý mà trường theo đuổi
Không khó để nhận ra giá trị và triết lý giáo dục mà các tổ chức theo đuổi, nếu họ chuyên nghiệp, rõ ràng và cam kết với những giá trị/triết lý ấy. Đây thường cũng là những yếu tố mà các trường rất tự hào để truyền thông ra ngoài. Phụ huynh có thể tinh ý và nhận ra ở: bảng biểu, banner trưng bày tại trường; trong các bài giới thiệu trên các kênh truyền thông hoặc website.
"Tôi thấy có những trường sẽ thường xuyên nhắc đến bảng điểm và thành tích của học trò (có thể hiểu là trường chú trọng vào học thuật); có trường thì nhấn mạnh vào trải nghiệm - cho bé được học qua chơi; có trường sẽ muốn nhấn mạnh vào phát triển toàn diện, hoặc là những keywords như “Respect” (Tôn trọng), “Responsibilities” (Trách nhiệm), “Honesty” (Trung thực)… nếu trường cam kết sẽ nuôi dưỡng những đức tính này cho con", Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh chia sẻ.
Vì sao việc này lại quan trọng? Chúng ta đi tìm một “đối tác” giáo dục cho sự phát triển toàn diện suốt những năm đầu đời của con. Còn gì quan trọng hơn việc lựa chọn một cộng sự cùng chung chí hướng và quan điểm với gia đình.
Ngoài kiến thức học thuật, trường sẽ dạy những gì cho con?
Tất cả chúng ta đều đã và đang nhận thấy tốc độ phát triển của công nghệ, của tương lai bất định, thậm chí cả những điều khó lường ngoài tầm kiểm soát như dịch bệnh.
Trong một xã hội với quá nhiều biến số như hiện tại, không gì quan trọng hơn là việc truyền cho con một niềm yêu thích học hỏi (the Love for Learning). Khi con có niềm yêu thích học hỏi và biết cách học, có kỹ năng tìm tòi và học hỏi, con sẽ có đam mê học hỏi trọn đời để nghiên cứu những gì con tâm huyết.
Bên cạnh đó, sức khoẻ tinh thần, hỗ trợ sự bền bỉ và nâng đỡ cảm xúc, kỹ năng sống chứ không chỉ kỹ năng mềm và một môi trường tạo ra sự gắn kết, cho con cảm giác được thuộc về sẽ là những nền tảng cho sự phát triển của con trong tương lai. Con dành một ngày 8 tiếng ở trường, như người lớn dành 1 ngày 8 tiếng ở công sở.
Cuối cùng là đưa con đến để chính con trải nghiệm không gian và hoạt động tại trường. Được tận mắt thấy phương pháp dạy và học của trường, cho con được tiếp xúc với giáo viên và tham quan cơ sở vật chất… Từ đó, cha mẹ và con cái sẽ có những quyết định đúng đắn.
Tiêu chí chọn trường công lập cho con vào lớp 1
Liên quan đến vấn đề chọn trường cho con vào lớp 1, chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư Phạm Hà Nội cho hay: "Lâu nay có nhiều phụ huynh nghĩ rằng, trường học ổn sẽ có giá trị quyết định việc học tập thành hay bại của con đến 90%. Tuy nhiên, là người làm trong ngành giáo dục tiểu học lâu năm, tôi thấy rằng: Bất kể trường nào khác trên đất nước Việt Nam cũng theo khung chương trình của Bộ GDĐT. Vì thế, không có chuyện học trường kém thì con mình không biết gì".
Khi chọn trường cho con, cha mẹ cần ưu tiên các tiêu chí sau:
Một là, chọn cho con ngôi trường gần nhà. Gần nhà thì con sẽ có thể tự đi đến trường và con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Các cha mẹ cũng dễ dàng xử lý vấn đề nếu như con có chuyện gì đó ở trường. Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều là trường con ở xa, đi lại vất vả và khi có chuyện thì bố mẹ mất cả công việc để đến xử lý.
Hai là, chọn lớp ít học sinh và không có tiếng tăm, lớp chọn. Lớp tốt, trường tốt có nhiều tiêu chí chứ không phải chỉ riêng cô giáo có thành tích tốt.
Ở các trường dân lập, phụ huynh cân nhắc với việc chọn lớp song bằng và tiếng Anh, vì chương trình học nặng hơn trường công lập. Nhiều học sinh không thể "tải" hết được cả chương trình của trường và chương trình của Bộ GDĐT. Học sinh tiểu học không nên yêu cầu quá nhiều khiến các em sợ học.
Ngoài ra, cha mẹ nên đến cổng trường và nói chuyện với bọn trẻ. Nếu trường nào có tỉ lệ các cháu lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự cao hơn thì cho con vào. Vì giáo dục đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn giáo dục con người. Các con đồng loạt lễ phép thì đúng là nhà trường đã giáo dục đạo đức cho các con rất tốt. Đạo đức tốt thì việc gì cũng sẽ ổn.