Bà Trương Thị Kim Soan, nhà môi giới đầu tư có tiếng, bị cáo buộc chiếm đoạt 3,2 triệu USD khi hợp tác cùng doanh nhân Australia đầu tư khai thác mỏ titan.
Bà Soan 50 tuổi, được biết đến là nhà môi giới đầu tư tầm cỡ, sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn. Nữ doanh nhân thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực đầu tư, khai thác khoảng sản, từng nhiều năm làm môi giới cho các công ty nước ngoài đầu tư tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương khác.
Bị bắt sau tố cáo của đối tác
Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2010 đến 2017, bà Soan đã môi giới và hợp tác môi giới cùng ông John Koon (người Hoa, quốc tịch Australia, nhà môi giới đầu tư về các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, bia và khoáng sản tại Việt Nam) thực hiện nhiều giao dịch mua bán mỏ, mua bán cổ phần các công ty.
Theo cáo buộc mới nhất hồi tháng 2 của VKSND Tối cao, khoảng tháng 4/2013, Soan đến gặp ông John Koon tại khách sạn New World, quận 1, TP HCM, nói "nên mua mỏ titan 360 ha" tại xã Hồng Phong, xã Hòa Thang, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận của Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương Mại Sao Mai (Công ty Sao Mai). Bà này đưa ra thông tin "mỏ đã được cấp phép thăm dò", có trữ lượng lớn, nếu được cấp phép khai thác sẽ có lợi nhuận cao. Nếu ông John Koon có nhu cầu sẽ dẫn đi gặp ông Nguyễn Văn Hởi (Giám đốc Công ty Sao Mai) để khảo sát thực tế, đặt cọc tiền, còn không sẽ môi giới bán cho người khác.
Sau khi ông John Koon đồng ý, cuối tháng 4/2013, bà Soan dẫn doanh nhân này đến trụ sở Công ty Sao Mai tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), được ông Hởi đưa đến khu vực mỏ để khảo sát thực tế. Tiếp đó, Soan nói với ông John Koon: "Ông Hởi đang rất muốn bán mỏ Sao Mai do vợ muốn sang Australia định cư. Tôi sẽ đàm phán mua giúp ông. Ông đừng trực tiếp bàn bạc gì với ông Hởi bởi như vậy sẽ rất bất lợi, có thể sẽ bị tăng giá. Tôi sẽ đứng ra mua lại với hình thức mua cổ phần và bán lại cho ông". Ông John Koon đồng ý.
Cáo trạng xác định, tại thời điểm thỏa thuận mua cổ phần, mỏ Sao Mai chưa được cấp giấy phép khai thác nên Soan đề nghị John Koon chuyển tiền để chi trả chi phí cấp phép khai thác mỏ, khoan thăm dò và các chi phí khác. Ngày 11 và 14/6/2013, ông John Koon đại diện Công ty Sense Development Ltd (trụ sở tại Hong Kong) đã chuyển tổng số 1.600.000 USD từ Ngân hàng DBS Bank Hong Kong đến tài khoản cá nhân của Soan mở tại Ngân hàng ACB, Ngân hàng Agribank, Chi nhánh Phú Nhuận, TP HCM. Doanh nhân người Australia cũng chỉ đạo thư ký là Wang Di (đại diện Công ty Great Aim Consultant Limited có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh) chuyển 3 lần (ngày 14/11/2013, 4/12/2013, 9/12/2013) tổng số tiền 350.000 USD từ Ngân hàng HSBC Hong Kong vào tài khoản cá nhân của Soan mở tại Ngân hàng ACB, TP HCM.
Trong quá trình thực hiện việc mua cổ phần mỏ Sao Mai, ông John Koon thống nhất với Soan chuyển nhượng mỏ Sao Mai cho Công ty Yue Da với giá 34 triệu USD và Soan đã nhận của Công ty Yue Da tiền đặt cọc 7.000.000 USD.
Ngày 17/6/2014, Soan làm thủ tục thành lập Công ty Thiên Bình và được Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gồm hai thành viên góp vốn là Soan (95% vốn điều lệ, Giám đốc Công ty, người đại diện theo pháp luật) và ông Lê Quốc Sơn (chồng của Soan) góp 5%.
Sau khi sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình mua được 100% cổ phần Công ty Sao Mai, Soan ký 2 hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp từ công ty này sang Công ty Happy Town, làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, xác định Công ty Happy Town sở hữu 90% cổ phần tại Công ty Thiên Bình; thuê luật sư làm hồ sơ chứng minh Công ty Fortune Come Development (thuộc nhóm công ty của Jonh Koon, do vợ ông này làm đại diện) đã sở hữu thực tế 60% cổ phần Công ty Sao Mai.
Sau đó, Soan sử dụng 2 hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn đề ngày 17/4/2015 (có chữ ký giả của bà Wang Di, chủ sở hữu Công ty Happy Town) và trực tiếp ký giả chữ ký của bà Lê Thị Sa (mẹ ruột Soan) trên hợp đồng, làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn từ Công ty Happy Town sang cho Soan và bà Sa, rồi làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, loại trừ phần vốn góp của Công ty Happy Town tại Công ty Thiên Bình. Ba hôm sau, ngày 20/4/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp Giấy phép thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 2 cho Công ty Thiên Bình, xác nhận Soan sở hữu 90%, bà Sa sở hữu 10% cổ phần Công ty Thiên Bình. Như vậy "Công ty Happy Town do bà Wang Di làm đại diện không còn vốn góp tại Công ty Thiên Bình, Soan đã hoàn thành việc chiếm đoạt của ông Jonh Koon 2.850.000 USD", cáo trạng nêu.
Để nhận tiếp số tiền 350.000 USD còn lại theo thỏa thuận, Soan cung cấp văn bản sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai trước đây, yêu cầu ông Jonh Koon chuyển tiền để "xin giấy phép khai thác mỏ Sao Mai".
VKS cáo buộc, sau khi "hoàn tất những hành vi gian dối" trên, Soan đại diện Công ty Sao Mai ký hợp đồng và ký giả chữ ký của ông Lê Quốc Sơn trên hợp đồng, chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Sao Mai cho 3 cá nhân lấy 50 tỷ đồng mà không thông báo cho ông Jonh Koon. Như vậy, bằng các hành vi gian dối và phương thức thủ đoạn, Soan đã chiếm đoạt 3.200.000 USD (tương đương hơn 67 tỷ đồng) là tiền ông Jonh Koon chuyển để đầu tư mua cổ phần Công ty Sao Mai, theo cáo buộc.
Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu, trong khoảng thời gian xảy ra vụ án, bà Soan cũng môi giới cho ông Jonh Koon hợp tác đầu tư nhiều mỏ khoáng sản khác có giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Trong đó có mỏ Tân Cẩm Xương, hay hợp tác đầu tư khai thác mỏ titan 83 ha tại khu vực Hoàng Lan thuộc Công ty Đường Lâm do ông Trần Văn Quận làm Giám đốc... Tuy nhiên, các giao dịch này được xác định là dân sự.
Tháng 9/2020, ông Jonh Koon tố cáo bị bà Soan chiếm đoạt tiền trong giao dịch hợp tác từ năm 2013. Ngày 29/8/2021, bà Soan bị bắt.
Bà Trương Thị Kim Soan trong lần giao lưu với đối tác. Ảnh: Quốc Toàn
"3,2 triệu USD là tiền thực hiện dự án khác"
Khi vụ án được VKS chuyển qua TAND TP HCM để đưa ra xét xử bà Soan về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, tòa đã 2 lần trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ nhiều tình tiết, nội dung cáo buộc, và hành vi của hàng loạt doanh nhân liên quan... theo kiến nghị của các luật sư bào chữa cho bị cáo, nhằm tránh làm oan và bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Phạm Ngọc Trung (tham gia bào chữa cho bị cáo từ giai đoạn điều tra) cho biết, bà Soan và ông John Koon là những nhà môi giới đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, khoáng sản, bia, bất động sản.. nhằm kết nối các doanh nghệp Việt Nam có nhu cầu về tài chính, công nghệ với các nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là Hong Kong. Khi thực hiện các dự án tại Việt Nam, bà Soan và nhóm John Koon thành lập các Công ty BVI để ký kết thoả thuận dịch vụ với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, bà Soan chịu trách nhiệm xử lý các công việc phát sinh tại Việt Nam, nhóm John Koon chịu trách nhiệm xử lý các công việc tại Hong Kong. Khi thực hiện các dự án tại Việt Nam, hai bên thành lập các công ty để ký kết thỏa thuận dịch vụ với các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty này nhận tiền tạm ứng từ các nhà đầu tư, giữ lại một phần phí dịch vụ tại Hong Kong, và chuyển một phần cho bà Soan xử lý các công việc tại Việt Nam.
Theo luật sư, bà Soan có lời khai đã nhận 3,2 triệu USD từ ông Jonh Koon nhưng số tiền này là để thực hiện các dự án khác (trong đó có mỏ Tân Cẩm Xương), không phải là tiền đặt cọc mua mỏ Sao Mai như ông Koon tố cáo. Vì ông này sử dụng 3 Công ty BVI chuyển khoản, thời gian chuyển khoản theo từng giai đoạn, thể hiện trong các văn bản và 15 email trao đổi giữa hai bên (11/6/2013-2/6/2015).
Ví dụ, đối với 1.600.000 USD cáo trạng cho rằng ông John Koon đã chuyển cho bà Soan từ ngày 11 đến 14/6/2013 là chi trả chi phí cấp phép khai thác mỏ Sao Mai nhưng các văn bản và email giữa hai bên thể hiện số tiền này để "đầu tư cho dự án Tân Cẩm Xương". Hay số tiền 500.000 USD ông John Koon cũng nêu rõ (trong email) là "để nhận giấy phép khai thác mỏ Sao Mai, mỏ Tân Cẩm Xương, thanh toán một số chi phí khác" của công ty... Do vậy, theo luật sư, để làm rõ hành vi của bà Soan thì cơ quan điều tra cần xem xét, phân tích chi tiết các thư trao đổi giữa hai bên tại thời điểm thực hiện công việc, để đánh giá tính khách quan của vụ án.
Hồ sơ vụ án thể hiện, xuyên suốt quá trình tố giác tội phạm, lấy lời khai tại cơ quan điều tra, ông John Koon chỉ đưa ra "thỏa thuận miệng" và không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh các bên có thoả thuận đặt cọc mua mỏ Sao Mai và giá trị toàn bộ mỏ mà ông này dự định mua là bao nhiêu.
Kết quả điều tra xác định bà Soan "có hành vi gian dối" trong lập hợp đồng chuyển nhượng từ Công ty Happy Town sang cho bà Sa và Soan, nhưng bị cáo khai nhận chỉ giả chữ ký của bà Sa, và các giám định (6455/C09-P5 ngày 23/8/2021 và số 451/KL-KTHS ngày 17/2/2023 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an) cũng không đủ cơ sở kết luận Soan giả chữ ký của bà Wang Di trên các hợp đồng chuyển nhượng này...
Ngoài ra, luật sư của bà Soan cũng cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong việc bà Soan, ông John Koon và ông Trần Văn Quận hợp tác đầu tư khai thác mỏ titan 83 ha tại khu vực Hoàng Lan thuộc Công ty Đường Lâm; mua 60% cổ phần của Công ty Đường Lâm...
TAND TP HCM cho rằng các kiến nghị của luật sư cần được cơ quan điều tra làm rõ sự thật khách quan. Đến tháng 3, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố.
Vụ án sẽ được đưa ra xét xử ngày 16-17/4.