Chị Tuyến ngồi giữa gian phòng khách rộng rãi, xung quanh là những chiếc đèn ông sao lấp lánh, những chiếc lồng đèn thỏ, những ông tiến sĩ giấy...
Ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) những ngày này rộn rã không khí trung thu. Từ trong nhà ra ngoài ngõ là khung tre nứa, giấy bóng kính, giấy màu được xếp la liệt.
Chị khoe: “Năm nay bắt tay vào làm đồ chơi sớm, bởi từ tháng 6 âm lịch đã có một vài mối quen và bảo tàng đặt hàng rồi nên gia đình tôi phải chuẩn bị từ sớm. Đến thời điểm hiện tại, tôi cũng không dám nhận thêm đơn đặt hàng vì sợ làm không kịp".
Miệt mài theo ông, rồi bố làm đồ chơi, chị gắn bó với nghề lúc nào không hay. Bản thân chị tự nhận rằng, theo nghề đến tận bây giờ không phải vì kiếm sống. Làm đồ chơi trung thu mất rất nhiều thời gian, công sức, lại chỉ mỗi năm có một mùa từ tháng 6 đến tháng 8. Vất vả cả mùa, số tiền lãi cũng chỉ được vài triệu. Hơn nữa, đồ chơi dân gian ngày càng bị các món đồ chơi hiện đại lấn lướt. Họ hàng chị có cả thảy 5 nhà làm nghề thì nay tất cả đều bỏ nghề, vì không đủ sống. Chị trở thành nghệ nhân duy nhất trong làng làm nghề làm đồ chơi trung thu nhưng chưa khi nào chị có ý định bỏ nghề.
Vì yêu nghề, yêu con trẻ mà vài năm trở lại đây, đến đúng hôm trung thu là chị lại tay xách nách mang có mặt ở Bảo tàng Dân tộc học VN. Tại đây, chị trực tiếp mang giấy, hồ, khung tre để hướng dẫn các em nhỏ tập làm đèn ông sao, dán tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng. Chị nói: “Tôi làm để vui với các cháu và để các cháu không quên thứ đồ chơi truyền thống. Nhìn các cháu luống cuống dán giấy, dính hồ, nhưng rất hớn hở với thành phẩm có được chính là động lực để tôi tiếp tục theo nghề”.
Cứ mỗi dịp trung thu hàng năm, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức) lại rộn ràng chuẩn bị đồ chơi. Cả phòng khách, sân nhà chất đầy các món đồ chơi như đèn ông sao, đèn con thỏ, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng... Năm nay, gia đình chị "xuất xưởng" từ 700 - 1.000 chiếc đèn ông sao theo đơn đặt hàng của khách.
Chị Tuyến cho biết, để làm được chiếc đèn ông sao cân đối, chắc chắn thì việc đầu tiên là công đoạn chọn nan. "Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt.... Nan cứng và nan mềm xếp riêng rẽ để khi uốn thành hình sao năm cánh sẽ không bị vênh", chị Tuyến chia sẻ.
Đèn ông sao muốn chắc chắn, công đoạn cố định các mối nối cũng phải làm thật tỉ mỉ.
Vừa làm luôn tay, chị Tuyến vừa kể về sự tích của những loại đồ chơi:"Đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ. Sản phẩm của gia đình tôi chỉ có một màu đỏ duy nhất, đúng theo phong đèn ông sao truyền thống của người Việt".
... "Đèn con thỏ là dựa vào tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8".
Công đoạn làm tay cho ông đánh gậy. Tay ông đánh gậy thường có 3 màu khác nhau để phân biệt giữa vai, cánh tay và bàn tay.
Chị Tuyến đang vẽ mặt cho ông đánh gậy sau khi đã nung từ đất sét và nhuộm màu.
Mặt nạ được nặn bằng đất sét rồi phơi khô khoảng 3 - 4 ngày sau đó được phủ một lớp sơn tạo màu.
Ông đánh gậy trông trăng là món đồ chơi ít thấy. Ông đánh gậy sẽ ngồi canh ông nghè và ông tiến sĩ trong mâm cỗ vào dịp rằm trung thu.
Ông nghè có cấp bậc to nhất trong mâm cỗ dịp trung thu. Món đồ chơi thể hiện ước vọng con em sẽ học giỏi, đỗ đạt cao.
Loan (con gái chị Tuyến) cho biết, em không nhớ rõ là mình biết làm đèn trung thu từ khi nào. Chỉ nhớ rằng mỗi năm cứ đến khoảng tháng 6 âm lịch, Loan cùng bố mẹ và các anh chị trong gia đình lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm đèn trung thu.
Du thu nhập cũng không đáng kể, song chị Tuyến cho biết, nhìn thấy niềm vui và sự háo hức tìm hiểu ý nghĩa từng món đồ chơi của các em nhỏ chị lại có thêm động lực để theo đuổi nghề.