Dồn hết sự tình nghi vào bạn trai của nạn nhân, cảnh sát cũng không thể tìm thấy bằng chứng xác đáng buộc tội anh ta. Đến khi anh ta tiết lộ danh tính một người bí ẩn thứ ba, cuộc điều tra của họ mới rẽ hướng.
Đối với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, một cơ hội việc làm tốt luôn là điều họ ao ước. Tuy nhiên, đứng trước những lời đề nghị phỏng vấn kỳ lạ, chúng ta vẫn cần đề cao cảnh giác, không nên nhận lời ngay. Vào năm 2012 tại Mỹ, vụ án nữ sinh ngành y Megan Sharpton bị cưỡng hiếp rồi đốt xác bên lề đường đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các tân sinh viên đừng bao giờ nhận phỏng vấn từ người lạ.
Chiếc điện thoại gọi điện cho nạn nhân dùng sim ảo. Ảnh minh họa
Lời mời đáng ngờ
Sau khi xem xét sự nghi ngờ hợp lý của em gái nạn nhân, cảnh sát chuyển trọng tâm điều tra lên người bạn trai Chris.
Trong buổi phỏng vấn với cảnh sát, Chris thừa nhận rằng mối quan hệ của mình và bạn gái gần đây khá căng thẳng. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ làm điều gì tổn thương đến bạn gái, và càng không bao giờ có chuyện nghĩ tới việc sát hại cô. Bên cạnh đó, Chris cũng có bằng chứng ngoại phạm vô cùng vững chắc. Thông qua đoạn băng ghi hình tại cửa hàng bách hóa địa phương nơi Chris làm việc, anh ấy thực sự đã có mặt tại cửa hàng trong suốt khoảng thời gian vụ án xảy ra.
Theo Chris, cảnh sát nên tập trung vào lời mời phỏng vấn của Megan và tìm ra ai là người mời cô ấy đến phỏng vấn. Anh còn tiết lộ thêm, bạn gái đã nói với mình rằng cô đã nhận được lời mời làm việc từ một người bạn học cũ cùng trường y tá. Anh không biết họ tên đầy đủ của cô bạn đó, chỉ nhớ mang máng Megan gọi cô ấy là Naomi.
Nhờ sự dẫn dắt của Chris, cảnh sát một lần nữa tìm thấy một hướng điều tra mới. Họ tập trung sự chú ý tới lời mời làm việc mà Megan đã nói với bạn bè và gia đình vào buổi tối hôm cô bị giết trong khi truy tìm cô gái có tên Naomi. Dưới sự hợp tác nhiệt tình từ phía nhà trường nơi Megan đang theo học, cảnh sát nhanh chóng tìm thấy một nữ sinh tên là Naomi Jones - một người bạn cùng lớp với Megan vào hai năm trước.
Thế nhưng, khi phỏng vấn Naomi, nữ sinh này vô cùng ngạc nhiên với lời chia sẻ của cảnh sát. Cô nói rằng mình không hề thân thiết với Megan, và cũng không biết gì về lời mời làm việc mà cảnh sát đang nhắc tới. Cô nhớ rằng gần đây mình chỉ gặp Megan một lần là khi chồng cô cho Megan đi nhờ đến một phòng khám trong thành phố.
Ngỡ ngàng trước lời chia sẻ của Naomi, cảnh sát dường như lại đi vào ngõ cụt một lần nữa. Tuy nhiên, bây giờ họ có thể chắc chắn rằng, người bí ẩn gọi điện dụ dỗ Megan đi phỏng vấn chính là kẻ thủ ác.
Gã đàn ông bí ẩn
Trong lúc vụ án Megan chưa có hướng đi mới, báo cáo khám nghiệm tử thi của pháp y đã tiết lộ một chi tiết gây sốc đến cảnh sát: Có một vết đạn bắn trong đầu Megan. Điều này chứng tỏ, ngọn lửa dữ dội hôm đó không phải là nguyên nhân giết chết nạn nhân. Có ai đó bắn nạn nhân sau khi cưỡng hiếp cô rồi mới châm hỏa phi tang xác chết.
Ngay khi vừa nhận được kết quả bất ngờ từ pháp y, cảnh sát lại nhận thêm một manh mối quý giá khác được người bạn trai Chris cung cấp.
Liên lạc với cảnh sát, Chris nói rằng anh vừa nhớ ra một chi tiết vô cùng quan trọng. Vài ngày trước khi thảm án xảy ra, Megan đã dùng điện thoại của anh để gọi điện tới người mời cô phỏng vấn. Thực ra chiếc điện thoại mà Chris đang dùng là điện thoại cũ của Megan, nạn nhân đã cho anh điện thoại cũ của mình sau khi cô sắm một chiếc điện thoại mới.
Thông tin mà Chris cung cấp đã cho cảnh sát một tia hy vọng, mở một lối đi mới cho vụ án tưởng chứng bế tắc. Bởi vì sau khi thảm án Megan xảy ra, họ không thể tìm thấy chiếc điện thoại của Megan tại hiện trường vụ án hay bất kỳ chỗ nào khác. Họ cho rằng hung thủ - kẻ mời Megan đi phỏng vấn - đã cố tình đánh cắp chiếc điện thoại của nạn nhân nhằm phi tang chứng cứ buộc tội hắn.
Lần theo số điện thoại mà Megan đã liên lạc với “người bí ẩn” trong điện thoại của Chris, cảnh sát phát hiện ra chiếc điện thoại dùng để dụ dỗ Megan đi phỏng vấn xin việc là một chiếc điện thoại dùng sim ảo không đăng ký. Mặc dù không thể tìm ra được danh tính người sở hữu số điện thoại đó, nhưng thám tử Todd Hindman đã nhanh trí lần ra được tên cửa hàng bách hóa bày bán loại điện thoại ấy.
Sau khi trao đổi với chủ cửa hàng tạp hóa, các nhà chức trách đã nhanh chóng thu được từ 11 đến 12 đoạn video giám sát ghi lại cảnh những người đến mua loại điện thoại sim ảo trước thời điểm vụ án được diễn ra. Trong số những người khách lạ mặt lần lượt ra vào cửa tiệm, có một nghi phạm đã lọt vào mắt xanh của cảnh sát. Đó một người đàn ông trông rất quen mặt với họ, nhưng hiện tại họ chưa thể nhớ hắn là ai. Quan trọng hơn, hắn ta đang mua điện thoại sim ảo, nhưng trên tay vốn đã cầm một chiếc điện thoại khác...