Nữ sinh vào nhóm điểm cao nhất thế giới môn Công nghệ thông tin A-Level

Ngày 15/11/2024 11:45 AM (GMT+7)

Với 297/360 điểm, Hoàng Minh Khánh được xếp vào nhóm thí sinh xuất sắc trên thế giới ở môn Công nghệ thông tin trong kỳ thi A-Level (Tú tài Anh quốc).

Khánh hiện là học sinh lớp 12 ở trường Song ngữ liên cấp Greenfield, Hà Nội. Theo danh sách do Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge công bố hôm 4/11, em được xếp hạng "Top in World" - những thí sinh đạt điểm cao nhất, ở môn Công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Khánh đạt điểm A* ở môn Kinh doanh và Toán. Thống kê kết quả thi đợt tháng 6 cho thấy chỉ 1,4% thí sinh được A* môn Công nghệ thông tin, tỷ lệ với hai môn còn lại lần lượt là 7,4 và 15,5%.

A-Level là bậc cuối cùng trong chương trình Giáo dục phổ thông quốc tế dành cho học sinh 16-19 tuổi của Hội đồng khảo thí quốc tế Đại học Cambridge. Chương trình gồm hơn 50 môn học, thi hai lần một năm. Thí sinh có thể chọn một số môn, tùy theo định hướng và dùng chứng nhận này để đăng ký xét tuyển vào các đại học trên thế giới, đặc biệt ở Australia, Canada, châu Âu, Singapore...

Khánh theo học A-Level từ năm lớp 9, song song với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm ngoái, em đã thi Toán, năm nay thi hai môn còn lại, mỗi môn gồm 4 bài thi.

Hoàng Minh Khánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Minh Khánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong ba môn, Khánh lo lắng nhất Công nghệ thông tin. Nữ sinh cho biết đề thi gồm cả lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết có 9 câu hỏi trong 1h45 phút, với các nội dung như kết nối wifi, web, ngôn ngữ lập trình java script, HTML, sơ đồ luồng dữ liệu... Thông qua tình huống cụ thể, đề yêu cầu học sinh viết các bước thực hiện. Chẳng hạn, với cơ sở dữ liệu của một công ty xây dựng, thí sinh phải giải thích thuật ngữ hoặc nêu cách sử dụng phầm mềm chỉnh sửa âm thanh.

Với bài thi thực hành, em làm trên máy tính trong 2h30 phút. Khánh nhìn nhận bài này yêu cầu thí sinh thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng, chỉnh sửa đồ họa, âm thanh, video, hoạt hình hay lập bảng tính excel...

Nữ sinh cho hay chắc chắn với phần thực hành hơn do thấy ngay được kết quả, trong khi phần lý thuyết khó đoán điểm vì phải diễn giải.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, nữ sinh tập trung ôn tập từ tháng 1. Khối lượng kiến thức lớn nên em tổng hợp nội dung cần nhớ bằng từ khóa, gạch đầu dòng những lưu ý.

Em cũng chia lịch học từng môn và đặt mục tiêu hoàn thành một khối lượng kiến thức cụ thể trong ngày. Ví dụ, với giáo trình Công nghệ thông tin dày cả trăm trang, Khánh chia ra mỗi ngày ôn 4 trang. Sau khi học xong lý thuyết, nữ sinh mới thực hành trên máy. Cách ngày thi khoảng một tháng, em làm đề các năm trước và đặt giờ để luyện tốc độ.

Theo Khánh, thời gian này, em khá căng thẳng do trùng với lịch thi giữa kỳ hoặc cuối kỳ ở trường. Do đó, em đặt mình vào kỷ luật, nhiều hôm thức đến 1-2h để học.

"Em biết nếu hôm nay không ôn đủ, hôm sau em sẽ phải học gấp đôi nên cố gắng", nữ sinh kể.

Động lực lớn nhất của Khánh là ước mơ du học. Em muốn giành điểm tốt để có lợi thế khi ứng tuyển vào các đại học ở châu Âu, ngành Kinh doanh. Ngoài ra, chi phí thi khoảng gần 5 triệu đồng một môn nên nếu chưa đạt mục tiêu mà phải thi lại sẽ tốn kém.

Lợi thế của Khánh là bài thi bằng tiếng Anh. Có thói quen đọc sách, truyện, xem phim và được học chương trình song ngữ, nên năm ngoái Khánh đã đạt 8.5 IELTS ở lần thi đầu tiên.

Cô Lê Thị Minh Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, cho biết Khánh xuất sắc ở cả chương trình phổ thông của Việt Nam, giành nhiều giải thưởng ở môn Tranh biện. Em luôn trong nhóm dẫn đầu của khối, với điểm trung bình 9,6 trở lên. Các thầy cô yên tâm với khả năng của Khánh ở các kỳ thi, song kết quả lần này vượt ngoài mong đợi.

"Khánh nhỏ nhắn nhưng nội lực lớn. Em kiên trì, trách nhiệm và xử lý vấn đề chắc chắn", cô nói.

Gặp cô giáo Tuyên Quang 8 năm bám bản, vừa gieo tri thức vừa làm mẹ hiền: Mình luôn sẵn sàng tới điểm trường xa hơn
Suốt 8 năm qua, cô giáo Thu Hoài không chỉ thực hiện ước mơ “gieo chữ” ở ngôi trường vùng cao mà còn tận tay chăm lo cho học trò từng bữa ăn, giấc...

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Theo Bình Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục