Chỉ vì giận bạn, sau đó lời qua tiếng lại trên facebook, một nữ sinh ở Phú Xuyên (Hà Nội) đã phải nhập viện tâm thần điều trị vì mắc bệnh trầm cảm.
Mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng đang là phương tiện truyền tải thông tin nhanh chóng và đây cũng là kênh kết nối hiệu quả nhất hiện nay. Tuy có rất nhiều ưu điểm, nhưng nhiều người khi sử dụng không đúng mục đích hoặc lạm dụng đã dẫn đến hậu quả quan trọng, thậm chí có người mắc bệnh tâm thần.
Tại Khoa 6 (Khoa Cấp tính nữ) – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, em Trần Thị Hoài Thu (Hà Nội) có lẽ là bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang điều trị tại đây khi em vừa tròn 18 tuổi. Đáng nói hơn, lý do em phải nhập viện tâm thần điều trị khiến không ít người phải xót xa.
Theo chân TS.BS Tô Thanh Phương – Phó giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ đến thăm khám cho bệnh nhân Thu, phóng viên mới ngỡ ngàng về việc chỉ vì cãi nhau với bạn trên facebook mà trong suy nghĩ của em đã le lói ý định tự tử.
Được biết, bệnh nhân Thu đã có những biểu hiện của bệnh trầm cảm cách đây đã 5 tháng, nhưng giờ mới được gia đình đưa vào viện thăm khám và điều trị. Nhìn vào ngoại hình và đoán trước được tâm lý của bệnh nhân, BS Phương hỏi: Thế cháu đã từng có suy nghĩ tự tử chưa? Cháu phải nói thật để các bác sĩ có phương án điều trị kịp thời cho nhanh khỏi?
Nữ sinh Thu đang được điều trị tại khoa Cấp tính nữ, BV Tâm thần Trung ương 1.
Trước câu hỏi của vị Phó giám đốc này, bệnh nhân Thu ấp úng rồi trả lời rất nhỏ: “Cháu đã từng có ý định tự tử rồi”. Trước câu trả lời của con gái, bà mẹ ngồi ngay bên cạnh bần thần, mặt tái mét đi vì suýt chút nữa mình đã mất con.
Sau khi BS Tô Thanh Phương thăm khám cho bệnh nhân Thu xong, nán lại nghe bà mẹ chia sẻ thì mới biết được chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trên facebook mà hậu quả lại khủng khiếp đến như vậy.
“Các đây khoảng 5 tháng, thấy con có nhiều biểu hiện bất thường như: thường xuyên thức khuya, không ăn uống gì, thỉnh thoảng lại cười tủm, nói lẩm bẩm một mình, thậm chí là gọi 2-3 lần mới thưa và thường xuyên kêu chán.
Trước cháu chưa bao giờ có những biểu hiện đó, gặng hỏi mãi cháu mới khai ra là trước đây có cô bạn thân dùng chung tài khoản facebook, sau khi giận nhau không chơi cùng nữa thì bạn gái kia dùng facebook nói xấu và mắng chửi nhau trên đó.
Từ đó, cháu Thu mới bắt đầu suy nghĩ, lo âu và xa lánh tất cả bạn bè. Thậm chí, lúc nào cháu cũng nghe thấy có người mắng chửi ở trong đầu”, mẹ bệnh nhân Thu chia sẻ.
Mẹ bệnh nhân Thu cho biết, lý do gia đình chưa cho cháu đi điều trị ngay là vì đang dở ôn thi tốt nghiệp. “Giờ thì bệnh đã nặng thêm, mà thi thì trượt rồi, chuyện đã rồi, dù sao cũng đã phát hiện kịp thời và trăm sự nhờ bác sĩ”, mẹ bệnh nhân buồn rầu nói.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện ngày 16/8, sau một ngày điều trị hiện bệnh nhân đã ổn định hơn lúc mới vào nhưng vẫn cần phải theo dõi và điều trị tích cực, cùng với sự hỗ trợ tâm lý từ phía gia đình thì mới nhanh hồi phục.
Bàn về những mặt trái của mạng xã hội, trong đó có facebook, bác sĩ Vương Khánh Hiệp (Khoa 6 – Bệnh viện tâm thần Trung ương 1) cho biết, khi dùng mạng xã hội không đúng mục đích, quá đam mê hoặc bị kích động sẽ dễ gây bệnh. Nguyên nhân là do khi sử dụng việc ăn uống, ngủ nghỉ không đầy đủ khiến cơ thể mệt mỏi, lo âu… lâu ngày như vậy sẽ bị trầm cảm.
“Bệnh nhân đến điều trị vì nguyên nhân này đa số đã bị nặng do gia đình dấu diếm, vì thế khi có các biểu hiện như lo âu, mất ngủ, bồn chồn, hoặc có các biểu hiện kích động thần kinh, gia đình cần đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Hiệp khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi