Bà Nga cho biết, hơn 30 năm sống cùng nhau, chưa bao giờ chồng làm bà buồn phiền. Cũng ngần ấy năm, nếu rãnh rỗi, không có khách, buổi trưa ông sẽ tạt về nhà ăn cơm cùng vợ.
Án mạng từ việc giành chỗ đỗ xe
Ông Trần Ngọc Lợi (53 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) là tài xế xe ôm hành nghề đã khá lâu ở trước cổng Thảo Cầm Viên (quận 1). Vào sáng 6/8/2014, ông Lợi điều khiển xe gắn máy đến đậu trên vỉa hè để chờ khách như bình thường. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, Nguyễn Hồng Vinh (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) là tài xế hãng taxi Vinasun điều khiển ô tô bảy chỗ đến đậu cách nơi ông Lợi ngồi khoảng chừng 10 m.
Ông Lợi thấy vậy, cho rằng Vinh choán “mặt tiền”, cố ý giành khách nên đến yêu cầu lùi xe lại. Vinh không đồng ý nên hai người cãi nhau. Đấu “võ mồm” vẫn chưa đủ, cả hai còn xông vào đấm đá. Trong lúc tức giận, Vinh mở xe lấy một cây sắt dùng để mở xăm lốp đuổi rồi đâm hai nhát vào ngực ông Lợi. Ông Lợi bỏ chạy đến chiếc xe máy của mình thì gục ngã. Ngay lúc đó, mọi người vội vàng đưa ông đến bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, ông Lợi đã ngưng thở trước khi đến bệnh viện.
Chiếc xe ô tô do Vinh điều khiển
Riêng Vinh, gây án xong, bỏ taxi lại tại hiện trường, đến trụ sở công an quận 1 đầu thú. Tại công an, Vinh khai nhận trong lúc nóng giận, không làm chủ được mình nên mới gây án chứ không có hiềm khích gì và cũng không cố sát hại nạn nhân.
Theo một số nhân chứng cho biết, ông Lợi vừa mới chở khách về thì Vinh đậu xe che phía trước của mình. Lúc này, ông Lợi chỉ đến nói tài xế đánh ô tô đến đỗ chỗ khác hợp lý hơn. Tuy nhiên, Vinh “nổi gân” kháng cự, lớn tiếng với ông Lợi. Lúc Vinh lấy cây sắt ra chạy tới định đâm ông Lợi, có hai người nhìn thấy, đến ngăn cản, kéo rách áo nhưng hung thủ vẫn vùng vẫy thoát được.
Những người này cho hay, ông Lợi bị tật ở tay nên sức khỏe yếu hơn người bình thường. Trong khi đó, Vinh cao to hơn rất nhiều so với nạn nhân. Bên cạnh đó, mọi người xác nhận, ông Lợi hành nghề xe ôm ở đây khá lâu nhưng chưa bao giờ làm mất lòng bất kì ai. Lắm khi gặp những người khó khăn, ông còn chở miễn phí.
Nước mắt người vợ
Trong căn nhà khá chật ở trên đường Tôn Đản (quận 4), bà Trần Thị Nga (SN 1964) đắng lòng chia sẻ: “Tôi không ngờ chồng mình lại bị sát hại một cách dã man như thế”. Nước mắt ngắn dài, bà phân trần: “Căn nhà của vợ chồng tôi chỉ rộng 12m2. Khi nhận thi thể của chồng về, tôi cũng dọn dẹp nhà cửa, định làm đám tang trong nhà. Tuy nhiên, do nhà nhỏ quá, không đủ để bỏ quan tài, bàn thờ nên đành nhờ nhà người thân”.
Bà Nga nhớ lại, thuở con gái, bà đi buôn trái cây. Do vốn ít nên chủ vựa chỉ cho lấy đúng với số tiền có trong túi chứ không cho gối đầu. Một hôm, chủ vựa nhẹ nhàng cho biết, từ nay sẽ bán chịu, đến chiều mới trả phần vốn. Về sau, bà mới nghe chủ vựa bật mí, ông Lợi đang làm nghề bốc vác chính là người đứng ra bảo lãnh để bà mua chịu. Từ đó, ông và bà mới gặp gỡ, trò chuyện. Có lần, ông ngần ngại tâm sự đã “để ý” bà từ lâu nhưng không dám ngỏ lời. Cũng từ đó, bà cảm thấy thương ông.
Chiếc xe máy của ông Lợi còn vương vãi đầy máu
Bà Nga đưa ông Lợi về ra mắt gia đình. Cha mẹ bà rất khó, sau khi hỏi gốc gác, được biết, gia đình ông không còn ai nên không đồng ý cho hai người quen nhau. Đêm đó, mẹ ngồi phân tích cho bà hay: “Nhà Lợi nghèo quá, lại không còn ai, nếu cưới nó, con sẽ khổ suốt đời”. Tuy nhiên, tình đã thắm, ý đã nồng, bà nhất quyết bảo vệ tình yêu của mình đến cùng. Lúc hai người quyết định sống cùng nhau cũng không được gia đình tổ chức đám cưới.
Vợ chồng bà sinh được năm người con. Đến nay, ba người đã lập gia đình và hai người độc thân nhưng có công ăn việc làm ổn định. “Dù vợ chồng tôi không được làm đám cưới nhưng các con đều thành gia, lập thất đàng hoàng là điều trân quý nhất”, bà chia sẻ.
Sau khi về sống chung, thấy ông Lợi bị tật ở tay mà hành nghề bốc vác thì không tốt nên bà bàn với chồng mua một chiếc xe ba gác để chở thuê cho mọi người. Cách đây chưa lâu, sức khỏe ông ngày một giảm sút, cả nhà thu tóm tiền bạc, mua chiếc xe máy để ông chạy xe ôm. Riêng bà, từ trước đến nay vẫn buôn bán nhỏ lẻ. Bà nghẹn đắng: “Cuộc sống gia đình tôi khó khăn nên trầy trật lắm mới mua nổi căn nhà 12m2 để sống”.
Bà Nga nức nở: “Chồng tôi là người hiền lành. Hơn 30 năm sống với nhau, ông chưa bao giờ làm tôi buồn. Cũng ngần ấy năm, nếu rãnh rỗi, không có khách, buổi trưa ông sẽ tạt về nhà ăn cơm cùng tôi. Riêng hai vợ chồng có qui ước, vào buổi trưa hai ngày thứ ba và thứ sáu trong tuần không được chở khách mà phải về ăn cơm cùng. Mặc dù chúng tôi đã già nhưng vẫn mong muốn có thời gian ở cạnh và chăm sóc cho nhau. Thế nhưng…”.
Sáng xảy ra vụ án, trước khi đi làm, ông Lợi còn vẫy tay tạm biệt vợ và hứa buổi trưa sẽ về ăn cơm. Thế nhưng, gần 12 giờ, bà vẫn không thấy chồng về, trong lòng cứ nôn nao. Sau đó, bà nhận được điện thoại của em gái ruột thông báo: “Anh Lợi bị người ta đâm chết rồi”. Bà vừa nghe dứt câu liền ngã quỵ. Bà không tin điều mình mới nghe là sự thật.