Có không ít người đàn ông dân tộc Cơ Tu lấy hai, ba vợ, cùng chung sống dưới một nếp nhà...
Nằm sâu dưới những tán rừng vùng biên giới Việt - Lào, ở nhiều làng, bản thuộc xã biên giới Gary (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có không ít người đàn ông dân tộc Cơ Tu lấy hai, ba vợ, cùng chung sống dưới một nếp nhà. Cái “lý” mà họ đưa ra khiến nhiều người buồn lòng, nhưng để xóa bỏ hủ tục lạc hậu này không phải chuyện một sớm một chiều.
Thân phận những người phụ nữ Cơ Tu khi lấy chồng, thành vợ cả hay vợ lẽ đều rất vất vả, chịu nhiều thiệt thòi
“Nó thương mình, mình cứ lấy”
Ngôi nhà bằng gỗ, lợp mái tôn rộng chừng 20m2 nằm cuối thôn Dadinh 2 (xã Gary) gần 10 năm nay là “tổ ấm” của anh Zơ Râm Nhơnh cùng hai người vợ và hai đứa con. Hôm chúng tôi đến, hai người vợ của anh Nhơnh đã lên rẫy, những đứa con chưa đi học về. Một mình cùng chai rượu trắng, mới 9h sáng nhưng khuôn mặt Nhơnh đã đỏ ửng, miệng phả ra hơi men nồng nặc. Thấy có khách, anh Nhơnh nhanh tay rót liền 3 bát rượu đầy bưng lên mời.
Ông Hôih Mem, Trưởng thôn Dadinh 2, tiếp lời: “Ở đây, khi có khách đến chơi, chủ nhà thường thể hiện tấm lòng hiếu khách bằng… rượu. Đáp lại, để tỏ lòng cảm ơn gia chủ, khách phải uống 3 bát rượu đầy liên tiếp”.
Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ, khi chúng tôi phải uống đến bát rượu thứ 6, mặt phừng phừng, đôi tai nóng ran thì câu chuyện lấy hai vợ của Nhơnh mới được bắt đầu. Nhớ lại “hành trình” lấy hai người vợ, Nhơnh cười khúc khích: “Nó (hai người vợ - PV) thích mình thì nó về ở mới mình chứ mình cũng không giàu có gì để lấy hai vợ như nhiều người khác. Nó về ở với mình, nó tự làm lụng nuôi nhau”.
Anh Nhơnh kể, năm 2008, anh gặp người vợ đầu Hôih Thị Mâu ở làng A Rooi cùng xã Gary. Ít lâu sau thì làm lễ cưới, ăn ở với nhau được gần 1 năm thì sinh được một người con gái. Đến năm 2011, anh gặp chị Bhlinh Sâm ở làng A Tinh và nảy sinh tình cảm. Không làm lễ cưới, nhưng chị Bhlinh Sâm tự nguyện về sống chung với vợ chồng anh Nhơnh, chấp nhận thân phận làm vợ lẽ. Đến nay, chị Bhlinh Sâm đã sinh cho anh Nhơnh một đứa con trai.
Anh Nhơnh chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi sướng vì lấy được hai vợ, nhưng có ở gần trong làng mới biết chuyện trong gia đình nhiều lúc thật oái oăm. Ví như việc tiền bạc, của cải làm ra trong gia đình đều do vợ đầu nắm giữ. Vợ sau muốn có tiền mua sắm thứ gì đó cho cá nhân, con cái phải xin tiền vợ đầu. Nhiều lúc mâu thuẫn, cãi vã, mình phải đứng ra phân xử, rất đau đầu”.
“Có những lúc vợ cả, vợ lẽ giận nhau, rồi giận luôn cả mình. Con cái, việc nhà, ruộng nương bỏ mặc không ai chăm non. Đến việc nằm ngủ, nghỉ ngơi cũng không biết nằm ở đâu. Vào chỗ vợ đầu thì bị xua đuổi, còn vợ sau thì không cho vào. Buồn phiền, mình chỉ biết ngồi uống rượu”, anh Nhơnh kể “khổ”.
Buồn phiền, luôn say khướt nhưng khi hỏi “giờ có người phụ nữ muốn lấy anh làm chồng, anh có dám lấy nữa không?”, Zơ Râm Nhơnh cười xòa: “Nó thương mình, mình cứ lấy thôi…”.
“Vợ chồng” không giấy kết hôn
Zơ Râm Nhơnh ngồi uống rượu trong khi 2 người vợ lên nương rẫy làm lụng vất vả
Chuyện Zơ Râm Nhơnh lấy 2 vợ chỉ có người trong xã Gary biết, nhưng chuyện ông Coor Pliếc có đến ba người vợ thì cả huyện Tây Giang đều biết. Ông Zơ Râm Nhưng, Chủ tịch UBND xã Gary, cho hay: Ông Coor Pliếc đã hơn 64 tuổi, được xem là “người đàn ông lấy nhiều vợ nhất” ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Người vợ đầu của ông là A lăng Thị Nhếc, vợ hai là Bling Thị Nhờn, vợ ba là A lăng Thị Nhí. “Nhà ông Coor Pliếc ở thôn Dadinh2, nhưng ít khi họ ở nhà. Ông và các người vợ chủ yếu sinh sống trên nương rẫy”, Chủ tịch UBND xã Gary cho hay.
Để chứng minh, ông Zơ Râm Nhưng dẫn chúng tôi đến nhà ông Pliếc. Ngôi nhà nằm ngay đầu thôn Dadinh2, được làm toàn bằng gỗ Pơ mu, cột kèo to hơn một vòng tay người ôm, cửa đóng kín mít, vắng lặng. Ông Hôih Mem, cho hay: Gia đình ông Coor Pliếc cùng ba người vợ vào nương rẫy hơn 2 tuần nay chưa về. Con cái lấy chồng ở làng bên cũng ít khi qua đây.
“Ông Pliếc có 6 người con. 4 người con đầu (2 gái, 2 trai) đã lập gia đình, còn 2 người con ở với người vợ thứ 3 sắp lấy vợ, gả chồng, nhưng cũng theo gia đình vào rừng làm ăn, sinh sống. “Gia đình ông Coor Pliếc là trường hợp hiếm hoi có “của ăn, của để”. Từ nhỏ ông Pliếc đã chăm chỉ làm việc, có thời gian sang Lào buôn bán nên kinh tế khá giả. Nhưng vì lấy nhiều vợ, sinh nhiều con nên ông Pliếc cũng phải làm lụng vất vả cho đến hôm nay”, ông Hôih Mem chia sẻ.
Ông Hôih Mem cho biết thêm, đa phần những gia đình mà ông chồng lấy hai, ba vợ đều thuộc hộ nghèo, bữa no bữa đói. Sống trong cảnh vợ cả, vợ lẽ nên thường xảy ra xích míc, cãi vã. “Mỗi lúc có nhà nào trong thôn cãi lộn, chúng tôi phải đến can ngăn ngay vì ở đây, hễ vợ chồng giận nhau, con cái buồn phiền là lại đi tìm lá ngón…”, Trưởng thôn Dadinh 2 cho hay.
Còn theo ông Zơ Râm Nhưng, trước đây tình trạng đàn ông lấy hai, ba vợ đều xuất hiện ở các thôn, bản thuộc xã Gary, nhưng mấy năm nay đã không còn vì chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật hôn nhân và gia đình. Đến nay, toàn xã Gary chỉ còn 10 trường hợp đàn ông lấy hai, ba vợ.
“Các trường hợp này, thường chỉ có người vợ đầu có giấy đăng ký kết hôn. Nhưng những người vợ sau và con cái của họ đều có tên trong sổ hộ khẩu. Chúng tôi biết đây là điều vô lý, bất cập nhưng vì quyền lợi của người phụ nữ, các cháu nhỏ nên chính quyền địa phương vẫn để tên các trường hợp này vào sổ hộ khẩu của gia đình”, ông Nhưng giãi bày.
Ông A Rất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, radio, tivi, internet, điện thoại thông minh đã không còn xa lạ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao huyện Tây Giang nhưng những hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng, chưa thể xóa bỏ. “Tình trạng đàn ông lấy hai, ba vợ đang nảy sinh những bất cập, hệ lụy về thực hiện chế độ chính sách, hộ tịch, hộ khẩu, vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình…
Ngoài ra, điều này còn là mầm mống nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong đời sống, nhất là quyền lợi của người phụ nữ, trẻ em thường bị xâm phạm, bị bạo hành. Vì vậy, chính quyền địa phương đang nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục này”, ông Blúi cho hay.