Ở đất nước này, mỗi người dân đều là "tỷ phú", mỗi lần đi ra ngoài, đi chợ đều tiêu tiền tỷ nhưng thực chất họ lại đang đối mặt với thảm cảnh đói nghèo cùng cực.
Từng giàu có nhất châu Phi, hiện tại Zimbabwe rơi vào đói khổ
Trước đây, Zimbabwe đã từng một trong những nền kinh tế giàu nhất châu Phi. Trong những năm 1980, nền kinh tế Zimbabwe phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nền nông nghiệp thăng hoa.
Khi giành được độc lập, ông Robert Mugabe là Tổng thống đầu tiên của Zimbabwe. Ông Mugabe đã đưa ra các sáng kiến về y tế, giáo dục. Tiếp đó, đất nước này tăng trưởng mạnh về xuất khẩu hàng công nghiệp. Nông nghiệp cũng phát triển vì thời tiết thuận lợi, cây thuốc lá là loại cây trồng nổi tiếng ở nơi đây. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào cũng là một lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế.
Zimbabwe đẹp đẽ của quá khứ.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đi xuống vào những năm 1990 do quản lý kém hiệu quả, thiếu lương thực, đồng tiền mất giá. Siêu lạm phát bùng nổ vào năm 2003 và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 95%.
Hiện nay, Zimbabwe vẫn là một trong những đất nước nghèo khó trên thế giới. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, gần một nửa trong số 15 triệu người dân Zimbabwe đang phải sống trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm thường xuyên, trong đó có khoảng 2,2 triệu người sống tại khu vực thành thị và 5 triệu người sống ở nông thôn.
Trăm tỷ đô la Zimbabwe mới mua được một ổ bánh mỳ
Năm 2008, cả thế giới "sốc" trước thông tin tờ 100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ có thể mua được một ổ bánh mỳ. Cụ thể, tháng 1/2008, Zimbabwe phát hành tờ bạc 10 triệu đô la Zimbabwe, sau đó lưu thông tờ 50 triệu đô la Zimbabwe. Tháng 6/2008, tờ bạc 10 tỷ đô la cũng được in.
Tờ tiền có con số lớn nhưng lạm phát lên đến 2,2 triệu% ở thời điểm năm 2008 nên mới có tình trạng số tiền to chỉ mua được một ổ bánh mì nhỏ. 80% dân số nước này rơi vào nghèo đói dù tất cả người dân đều tiêu tiền tỷ, mang tiền tỷ đi chợ.
100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mua được một ổ bánh mỳ
Thời điểm đó, Thống đốc ngân hàng Zimbabwe nói tờ tiền 100 tỷ đô la Zimbabwe được phát hành để giúp người tiêu dùng. Nhưng người dân nước này nói rằng tờ tiền đó không có giá trị. Một người dân cho biết chi tiêu một ngày cần 500 tỷ hay 100 tỷ đô la Zimbabwe chẳng làm được gì vì để về nhà, họ đã cần chi 250 tỷ Zimbabwe.
Tháng 2/2019, Zimbabwe đã giới thiệu một loại tiền tệ mới có tên RTGS. Tuy nhiên, không được bao lâu thì đồng RTGS cũng mất giá, buộc các công ty phải tăng giá các mặt hàng.
Dân nghèo nhịn đói, gia đình cố Tổng thống vẫn sống trong giàu sang tột đỉnh
Trong khi lạm phát “phi mã”, người dân đói khát, nghèo khổ cùng cực thì gia đình Tổng thống Robert Mugabe lại sở hữu khối tài sản siêu khủng. Khối tài sản của gia đình Mugabe lên tới hơn 1 tỷ USD, bao gồm 6 căn biệt thự và một loạt các trang trại trên khắp đất nước.
Trước khi qua đời, ông sở hữu một biệt thự 25 phòng ngủ ở thủ đô Harare và một biệt thự khác ở Hong Kong. Năm 2015, ông Mugabe tổ chức sinh nhật lần thứ 91 tại khu du lịch Victoria Falls, gần thác Victoria thuộc biên giới giữa Zambia và Zimbabwe ở phía nam châu Phi. Hàng nghìn người ủng hộ đã nhảy múa, ăn uống tại khách sạn sang trọng nằm trong khu resort Victoria Falls để mừng sinh nhật nhà lãnh đạo.
Vợ của cố tổng thống Robert Mugabe là bà Grace Mugabe thường xuyên chi tiền cho các cuộc mua sắm hàng hiệu ở châu Âu, châu Á. Phu nhân cựu Tổng thống đã lấy biệt danh là Gucci Grace, theo thương hiệu túi xách đắt tiền Gucci.
Vợ chồng cố Tổng thống Mugabe trong chuyến thăm 1 bệnh viện.
Năm 2002, trong một lần mua sắm ở Paris, bà đã chi 158.000 USD mua hàng xa xỉ. Năm 2014, só tiền bà chi mua các sản phẩm đắt đỏ lên đến 2,6 triệu USD (hơn 50 tỷ đồng) trong đó có mua 12 nhẫn kim cương, 62 đôi giày Ferragamo, 33 đôi giày của Gucci và đồng hồ Rolex trị giá hơn 105.000 USD.
Các con của cố Tổng thống Mugabe cũng sống rất xa xỉ. Con trai Chatunga khoe mua rượu sâm panh đắt tiền hay mua đồng hồ 60.000 USD. Đám cưới của gái duy nhất của Mugabe tốn 4 triệu USD, trong đó 660.000 USD chi để sửa chữa đường sá dẫn tới nơi tổ chức hôn lễ. Khoảng 4.000 khách đã được mời tới đám cưới này.
Nhiều kim cương, vàng nhưng dân nghèo kiết xác
Zimbabwe là nơi có trữ lượng kim cương và bạch kim lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là nước có 8 trong số 9 khoáng chất “đất hiếm” và trữ lượng lớn vàng, lithium, than đá và quặng sắt. Trong đó, crom và vàng là khoáng sản chính của nước này. Thuốc lá, bông và đường là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Zimbabwe.
Ngoài kim cương, quốc gia châu Phi này còn có nhiều khoáng sản khác song người dân vẫn có mức thu nhập rất thấp. Khi còn giữ chức Tổng thống, ông Mugabe tiết lộ số kim cương 15 tỷ USD bốc hơi khỏi mỏ Marange nằm cách thủ đô Harare khoảng 300km về phía Tây.