Khi học sinh cả nước đang nô nức đón nhận niềm vui ngày khai giảng năm học mới thì nhiều học sinh vùng khó khăn chỉ biết đến khai trường trong… lời kể của thầy cô.
Trường Mầm non Sơn Ca (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chỉ có 279 học sinh nhưng phải dạy ở 6 điểm trường. Ngoài điểm trường chính được xây dựng kiên cố ở trung tâm xã Bản Công thì 5 điểm trường lẻ còn lại là những mái nhà tạm tranh tre nằm hun hút trong các bản người Mông trên núi cao. Có điểm trường xa nhất ở thôn Xán Trá cách trường chính 12km.
Cô Trần Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “100% học sinh của trường là người dân tộc Mông, trong số 279 em thì có 160 em thuộc hộ nghèo, 17 em thuộc hộ cận nghèo, việc vận động để duy trì sĩ số lớp những ngày đầu năm học đã là 1 kỳ công đối với giáo viên chứ chưa nói đến việc tổ chức khai giảng năm học mới”.
Vì gia đình các em quá nghèo, nên quy định 1 ngày góp 1,4 lạng gạo và 1 tháng 10kg củi để trường nấu ăn cho các em hầu như cũng rất khó thực hiện. Ngoài chế độ Nhà nước cho 5.000 đồng/bữa ăn thì các cô giáo ở đây thường xuyên phải “nợ” các nhà bán thịt, rau… để có thực phẩm đảm bảo bữa ăn bán trú cho trẻ.
Điểm chính Trường Mầm non Sơn Ca (Bản Công, Trạm Tấu, Yên Bái). Ảnh: Nguyễn Thiêm
Cô Vân cũng cho biết, vì đường sá quá xa xôi, phương tiện duy nhất để xuống trường là…đi bộ, nên ngày khai trường các điểm trường lẻ không thể xuống trung tâm để tổ chức khai giảng năm học mới cho các cháu. Ở điểm trường chính phải tổ chức “gộp” với trường tiểu học vì chỉ có 2 lớp với hơn 50 cháu, còn ở 5 điểm trường phụ các cháu hầu như không biết đến khai giảng là gì.
“Mọi năm vào ngày khai giảng, học sinh vẫn đi học bình thường, cô giáo đến lớp sẽ kể cho các em nghe câu truyện về ngày khai giảng năm học mới, nói với các em ý nghĩa của ngày khai giảng là gì. Có năm, thương các em, các cô giáo góp tiền mua kẹo cho các em gọi là… liên hoan mừng năm học mới. Năm nay, khai giảng thống nhất cả nước vào 5.9, đúng thứ 7 nên các em điểm lẻ sẽ được nghỉ học” – cô Vân nói.