Đó là loại kháng sinh dùng để diệt vi khuẩn và chống nấm trên da cá đã bị cấm sử dụng vì có thể làm cho người ăn vào bị các bệnh về gan, thận.
Đây là kết quả kiểm tra trên 10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá trê, 10 mẫu cá quả bày bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hồi giữa tháng 6 vừa qua.
Gây nhờn kháng sinh
Kết quả cụ thể, 1/10 mẫu cá trê, 2/10 mẫu cá quả và 1/10 mẫu cá tầm có hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy sản. Hai loại kháng sinh bị cấm sử dụng được phát hiện trên 4 mẫu cá là Melatripgreen và Leucomalatripgreen. Hóa chất cấm phát hiện là Nitrofurans.
Hai loại kháng sinh trên dùng để diệt vi khuẩn và chống nấm trên da cá. Đối với con người, chúng có thể gây ra các tác hại như gây nhờn kháng sinh, các bệnh về gan, thận.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, hai loại kháng sinh trên đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007.
Melatripgreen và Leucomalatripgreen cũng đã bị cấm sử dụng từ rất lâu trên thế giới.
Cũng trong chiều 8/7, trả lời về nghi vấn tồn dư chất tăng trọng trong cá tầm, cá trê mà Bộ NN&PTNT đưa ra hồi giữa tháng 6, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, vì không biết họ sử dụng những chất gì nên không thể kiểm tra ra được xem có chất tăng trọng hay không!
Kết luận cuối cùng về nguồn gốc có phải mẫu cá tầm, cá trê, cá quả bị phát hiện chất kháng sinh và chất cấm trên có phải là cá nhập lậu từ Trung Quốc hay không, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, không thể kết luận là cá nhập lậu mà chỉ có thể nói là cá không rõ nguồn gốc xuất xứ vì các mẫu đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Cũng trong ngày 8/7, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các Cục chức năng làm việc với Cục Hàng không Việt Nam để kiểm soát cá tầm vận chuyển bằng đường hàng không.
Theo bà Thu, “Việc kiểm soát cá tầm bằng đường hàng không không có gì khó khăn, chỉ cần kiểm tra giấy phép nhập khẩu và giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp là có thể biết, cá hợp pháp hay nhập lậu”.
Cá tầm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan các chợ (Ảnh: NLĐ)
Cá trong nước an toàn
Song song với việc lấy 30 mẫu cá, thực hiện chương trình giám sát dư lượng của Bộ NN&PTNT trên thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy các mẫu cá nuôi trong nước như cá tra, cá rô phi, cá quả kiểm tra thì không phát hiện các loại thuốc kháng sinh cấm nói trên.
Như vậy, có thể kết luận rằng, cá nuôi trong nước là an toàn cho người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, cá tầm được cho là nhập lậu từ Trung Quốc được bán tràn lan tại các chợ và các nhà hàng trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn. Nhiều hiệp hội và tổ chức liên quan đã lên tiếng kiến nghị với với Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan về tình trạng này. Song song với việc bán giá rẻ (gây khó khăn cho nghề nuôi cá tầm trong nước) là nghi án cá tầm nhập lậu có chứa chất tăng trọng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngày 13/6/2013, Bộ NN&PTNT họp với các Cục chức năng công bố nghi án này và chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản lấy mẫu kiểm tra phân tích cụ thể. Tuy nhiên, theo như kết quả công bố trên thì mới chỉ phát hiện ra hai chất kháng sinh và một hóa chất cấm, nghi án cá tầm nhập lậu có chứa chất tăng trọng hay không vẫn không có câu trả lời. |