Mỗi ngày có 2 – 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP.HCM qua đường hàng không và bán ra thị trường giá rất thấp, chỉ 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Việt Nam, các nhà nuôi trồng cá tầm tại Tây Nguyên và các nhà phân phối thủy hải sản tại khu vực TP HCM vừa có đơn gửi Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kêu cứu cho cá tầm Việt Nam trước sự xâm lấn của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc.
Cá tầm nhập lậu “chơi sang”
Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc dưới nhiều hình thức, sau đó được vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau để tuồn vào thị trường trong nước tiêu thụ.
Trong nhiều con đường vận chuyển, hàng không là cách vận chuyển điển hình. Cá tầm nhập lậu hàng ngày được chuyển qua đường hàng không từ Nội Bài vào TP.HCM.
Trong đơn kêu cứu của Hiệp hội phát triển cá nước lạnh (Hiệp hội) có kèm theo hóa đơn vận chuyển của Hãng hàng không Việt Nam với một số lô hàng cá tầm. Thống kê chung, Hiệp hội này cho hay, hàng ngày có từ 2 – 3 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP.HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau đó, số cá tầm trên được bán ra thị trường với giá rất rẻ, chỉ từ 120.000 – 130.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá cá tầm được nuôi trồng ở trong nước.
Ông Trần Văn Hào, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh khẳng định: đối với cá tầm được nuôi trong nước, không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào TP.HCM bằng đường hàng không mà chỉ có cá tầm nhập lậu.
Nguyên nhân bởi, hiện nay, các nhà sản xuất cá tầm tại Việt Nam chỉ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp chưa đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc nên không cần vận chuyển đi vùng miền nào khác.
Còn các nhà sản xuất cá tầm ở Tây Nguyên thì khẳng định, cá tầm từ các hồ ở Tây Nguyên đều phải đi đường bộ vào TP.HCM vì giá thành rẻ hơn đi máy bay.
Ngoài ra, so sánh về giá, cá tầm nhập lậu mặc dù đã “đi” máy bay song giá bán vẫn quá rẻ, chỉ từ 120.000 – 130.000 đồng/kg trong khi cá tầm trong nước bán buôn tại hồ đã có giá 150.000 – 160.000 đồng/kg.
Cá tầm được nuôi trong nước
“Như vậy, rõ ràng số lượng cá tầm 2 – 3 tấn hàng ngày vẫn được nhập vào TP.HCM không phải là cá tầm trong nước mà là cá tầm nhập lậu”, ông Trần Văn Hào khẳng định.
Bắt giữ nhiều vụ cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc
Tính từ khi Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt quản lý tình trạng tràn lan cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, tính đến nay đã có nhiều vụ vận chuyển cá tầm nhập lậu bị bắt giữ.
Điển hình là vụ ngày 27.6.2013, đội Quản lý thị trường số 11 tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với công an huyện Tràng Định (Lạng Sơn) bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 14C – 06288 chở 5 thùng cá tầm nhập lậu.
Trong 5 thùng hàng là cá tầm loại từ 2 kg – 5kg/con, tổng khối lượng ước tính khoảng 4 tấn. Toàn bộ số hàng trên đều được nhập lậu qua biên giới và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã đặt nghi án về chất lượng cá tầm Trung Quốc do được nuôi thời gian rất nhanh nên nhiều khả năng tồn dư chất tăng trọng, kích thích lớn trong thịt, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) lấy mẫu cá tầm Trung Quốc để kiểm tra. Tuy nhiên, đã hơn nửa tháng trôi qua, hiện chưa thấy Cục này công bố kết quả.
Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cho hay, cá tầm trong nước có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo do được nuôi trong điều kiện gần với tự nhiên. So với cá tầm nhập lậu thì cá tầm nuôi trong nước được coi là ngon, bổ dưỡng nhiều hơn và đặc biệt không có dư lượng các hóa chất độc hại từ các chất kích thích làm cho cá tầm tăng trưởng nhanh. Vì vậy, giá cá tầm trong nước thường cao hơn so với cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. |