Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam phát hiện nhiều loại nước uống đường phố như trà xanh, trà đá, nhân trần, trà bát bảo, nước ngô, nước vối … tại Hà Nội nhiễm khuẩn.
Sáng ngày 23/7, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố kết quả kiểm nghiệm một số loại nước uống đường phố tại Hà Nội.
Theo đó, trong tháng 7, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố bao gồm: Nước trà xanh (đá), nước trà bát bảo, nước mía, nước ngô, nước trà đá, nước trà nhân trần, nước vối, mẫu nguyên liệu khô tiền pha chế (nhân trần khô) tại các phố Hoàng Cầu, Lãn Ông, Đê La Thành, Cát Linh … về kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy có 90% mẫu kiểm nghiệm nhiễm khuẩn E.coli; 100% mẫu nhiễm vi khuẩn B.cereus; 33% mẫu vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí; 45% mẫu vượt giới hạn nấm men, nấm mốc; 33% mẫu phát hiện có hàm lượng kim loại nặng như chì, thủy ngân, Cadimi…
Trà đá, nhân trần, nước vối, nước ngô, trà bát bảo... đều nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Trong đó, hàm lượng chì trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép. Hàm lượng Cadimi phát hiện vượt giới hạn cho phép trong mẫu nhân trần khô và nước nhân trần. Hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép có nhiều trong mẫu nước nhân trần.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viện và 18 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ, số ca ngộ độc giảm 620 người, số đi viện giảm gần 300 người, tử vong giảm 4 người. Nguyên nhân gây ngộ độc có 44 vụ do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định được nguyên nhân. |
TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, nước uống nhiễm vi khuẩn E.coli, B.cereus, có hàm lượng vi khuẩn hiếu khí, men mốc, kim loại vượt giới hạn cho phép sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đó, vi khuẩn E.coli là loại vi khuẩn nguy hiểm, có thể tìm thấy trong phân, uống nước nhiễm vi khuẩn ngày người dân có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy.
Vi khuẩn B.cereus được biết đến là một trong những căn nguyên gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. B.cereus có mặt ở khắp nơi trong môi trường và gây bệnh bằng cách sinh độc tố.
Các loại men mốc, nấm mốc có trong nước uống có thể sinh ra độc tố, gây nhiễm độc cấp tính và mạn tính. Nguy hiểm là các loại nấm mốc khi xâm nhập vào trong cơ thể sẽ gây tổn thương từ từ, rất khó phát hiện. Một số độc tố men mốc là một trong những nguyên nhân chính phá hủy lặng lẽ hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ gây nên các căn bệnh ung thư.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Hùng Long, việc nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi qua nguồn nước uống cũng gây nhiều tác hại đến sức khỏe. Chì có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính. Cadimi gây ngộ độc mạn tính (gây vàng men răng, rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tăng huyết áp, dị dạng thai nhi; ngộ độc cấp như đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, buồn nôn, tiêu chảy … Đây cũng là thủ phạm làm gia tăng mắc ung thu tiền liệt tuyến, ung thư phổi.
Ông Nguyễn Hùng Long cho biết, kết quả kiểm nghiệm của Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam thực hiện trên 9 mẫu, tuy số mẫu ít nhưng đã phản ánh được phần nào mức độ ô nhiễm trong nguồn nước uống đường phố tại Hà Nội. “Kết quả kiểm nghiệm trên có thể được coi là nguồn thông tin tham khảo có giá trị cho cộng đồng, cơ quan chức năng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng ô nhiễm cũng như tác hại của nước uống đường phố tới sức khỏe người dân”, ông Long nói.