Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, cặp song sinh nam dính nhau một phần xương ức, nhu mô gan và một phần thành bụng đã được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật tách rời.
Ngày 22/7, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, cặp song sinh nam dính nhau N.Q.N và N.Q.A (ở Yên Bái), chào đời cách đây 4 tháng, đã được tập thể y, bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật tách rời thành công. Đây là cặp song sinh thứ 6 được tiến hành tại bệnh viện từ năm 2003 đến nay.
Cặp song sinh dính nhau phần bụng có tổng cân nặng lúc mới sinh là 6 kg - ảnh BS cung cấp
Hiện tại, hai bé vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức ngoại, tuy nhiên qua theo dõi các thông số, dấu hiệu sinh tồn của hai cháu hoàn toàn ổn định.
TS.BS Bùi Đức Hậu, trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá, việc tách rời cặp song sinh dính nhau được diễn ra khá suôn sẻ và thuận lợi, do đã được chuẩn bị chu đáo từ trước.
Hai cháu trên bàn mổ.
Đúng như tiên lượng, trẻ dính nhau phần một phần xương ức, nhu mô gan và một phần thành bụng. Rất may cặp song sinh không chung đường mật và hệ thống mạch máu.
Sau tách, hai cháu được phẫu thuật tạo hình đóng lại cả cân cơ và da. Như vậy, theo bước đầu đánh giá, ca mổ đã thành công, tuy nhiên vẫn cần chờ thêm kết quả điều trị hồi sức sau mổ.
Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, hau cháu đã được tách rời thành công.
Cặp song sinh N.Q.N và N.Q.A, sinh ngày 19/2, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo phương pháp sinh mổ, tổng cân nặng hai cháu là 6 kg. Trong thời gian mang thai được 20 tuần, mẹ hai bé đi siêu âm đã được bác sĩ chẩn đoán là song thai dính nhau. Sau sinh trẻ được chuyển ngay tới bệnh viện Nhi Trung ương.
TS. Phạm Duy Hiền, phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, kiêm phó trưởng khoa Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Để đảm bảo tốt nhất cho giai đoạn cuối cùng là phẫu thuật tách rời hai cháu như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải có sự chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng và thận trọng trong suốt 4 tháng trời. Từ khâu chẩn đoán, hồi sức trước mổ, hồi sức sau mổ đều được các bác sĩ hội chẩn, cân nhắc và phối hợp sao cho thật nhịp nhàng”.
Trước đó trẻ được chăm sóc với các chế độ đặc biệt trong 4 tháng.
Bước đầu khi mới nhập viện, hai cháu được tiến hành các biện pháp thăm dò kĩ thuật cao như chụp cắt lớp 64 dãy dựng hình và MRI đường mật tại Bệnh viện Việt Xô. Kết quả cho thấy hai cháu có tim riêng, túi mật và đường ruột riêng, chỉ chung nhau bao gan và nhu mô gan.
Sau ca phẫu thuật, các dấu hiệu sinh tồn của hai cháu hoàn toàn ổn định.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi ấy là trẻ còn quá nhỏ, nhưng diện tích khoang bụng dính nhau lại tương đối lớn (khoảng 10% cơ thể), vạt da che phủ còn thiếu. Nếu phẫu thuật ngay sẽ có nguy cơ mắc hội chứng khoang ổ bụng do áp lực tăng đột ngột, khiến trẻ không thở được, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện: sau khi tiến hành hội chẩn, ngày 7/5, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật đặt túi giãn da sao cho trẻ đủ da và cân cơ để có thể che phủ được thành bụng, kèm theo đó là những chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng, chống nhiễm trùng.
“Sau 4 tháng chuẩn bị, đánh giá lại kết quả trẻ không có tổn thương, không mắc dị tật bẩm sinh, đặc biệt là khu vực đặt túi giãn da đã đủ và an toàn, chúng tôi mới quyết định chỉ định tách.” – TS Điển cho biết.
Hiện hai cháu đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại. Nếu không có gì bất thường, dự kiến 7-10 ngày sau trẻ có thể ra viện.