Phí “trời ơi đất hỡi” đầu năm học: Nhà trường vô can?

Ngày 24/09/2014 21:10 PM (GMT+7)

Bước vào năm học mới, không ít phụ huynh bức xúc trước danh sách những khoản thu “trời ơi đất hỡi”. Song, đại diện các trường lại cho rằng “vô can” và đổ lỗi cho giáo viên, phụ huynh.

Mới đây, sau buổi họp phụ huynh đầu năm tại trường Tiểu học Phú Thượng (Hà Nội), một phụ huynh tỏ ra bức xúc: “Rất mong Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội thanh tra trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ. Tất cả các khoản tiền đều không có biên lai, không được viết lên bảng, đóng trực tiếp cho giáo viên”.

Trao đổi với phóng viên Infonet, bà Lê Thị Bính, Hiệu trưởng trường Tiểu học phú Thượng giải thích: “Thực ra trong những khoản thu này có những khoản thu hộ, chẳng hạn như bảo hiểm y tế là 289,8 nghìn đồng, bảo hiểm thân thể 100 nghìn đồng là phụ huynh tự nguyện mua, làm gì có biên lai. Quỹ phụ huynh và tiền hỗ trợ cơ sở vật chất (xã hội hóa sửa chữa bàn ghế) do ban đại diện phụ huynh đứng ra thu thì cũng làm gì có biên lai. Các khoản thu tiền học, tiền ăn bán trú,…khác thì có biên lai bởi vì thu theo tháng.

Theo bà Bính, trường Tiểu học phú Thượng chỉ đứng ra thu ủng hộ hội người mù 8.000 và Hội chữ thập đỏ 10.000 đồng trên mỗi phụ huynh, không có hóa đơn nhưng có danh sách ký nhận của phụ huynh.
 

Phí “trời ơi đất hỡi” đầu năm học: Nhà trường vô can? - 1

Trước những khoản thu "trời ơi đất hỡi" đại diện các trường đổ lỗi cho giáo viên,phụ huynh (Ảnh minh họa)

Bà Bính cho rằng việc phụ huynh phản ánh như vậy là đổ oan cho giáo viên. Bởi trong cuộc họp thì phụ huynh thu làm sao xuể nên phải có thêm cô giáo, phụ huynh nhận và đếm tiền còn cô giáo thì đi xin ký nhận.

Giải thích về việc các khoản thu không được viết công khai lên bảng cho phụ huynh biết, bà Bính nói: “Đấy có thể là do sơ suất của cá nhân giáo viên lớp đó, bởi chị chỉ đạo giáo viên đứng lớp nếu phụ huynh yêu cầu viết các khoản lên bảng. Quan điểm của chúng tôi là cái gì đúng thì thôi nhưng cái gì còn chưa đúng thì sẽ sửa, vì vậy hiện đã in những khoản thu cụ thể dán ngay ở cổng trường để phụ huynh theo dõi. Đấy là một thiếu sót và nhà trường cũng xin ghi nhận ý kiến đóng góp của phụ huynh để khắc phục, chấn chỉnh”.

Những bức xúc và thắc mắc liên quan đến câu chuyện họp phụ huynh đầu năm không chỉ diễn ra ở Tiểu học Phú Thượng. Một phụ huynh có con theo học tại trường Tiểu học Mai Động (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi đề nghị cử người xuống thanh tra trường Tiểu học Mai Động. Tôi thấy năm nào cứ có học sinh vào lớp 1 là đóng đủ thứ: từ điều hoà, máy chiếu.... trong khi đó các khoá lớp 5 của năm trước thì hầu như ra trường là để lại cho trường (luật bất thành văn). Họp phụ huynh đầu năm thì cô giáo chủ nhiệm chỉ xoay quanh vấn đề đề nghị các phụ huynh đồng ý đóng góp các khoản trên, nếu không thống nhất được sẽ đề nghị phải họp lại vì vậy hầu như lớp nào phụ huynh cũng phải ngậm bồ hòn mà đồng ý cho xong”.

Trước phản ánh của phụ huynh, bà Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Động cho hay: “Nhà trường không chỉ đạo một tí nào chủ trương xã hội hóa và khi họp với trưởng ban phụ huynh tôi cũng đã nói công tác xã hội hóa thì cần phải có quy trình. Thế nhưng ban phụ huynh các lớp người ta thương con nên đề xuất lắp điều hòa này kia”.

Theo bà Thanh, thực sự nhà trường không muốn điều này bởi không phải là lắp đồng loạt. Hiện trường chỉ có 8 điều hòa, khối lớp 1 vừa vào chỉ có mỗi một lớp có. “Lớp nào có điều kiện thì tự lắp, phụ huynh đứng ra yêu cầu cho con họ, chả lẽ chúng tôi không cho thì không được. Tôi nghĩ vấn đề xã hội hóa điều hòa và các thứ khác là hoàn toàn do phụ huynh đề xuất. Cũng có thể một số giáo viên kinh nghiệm chưa nhiều, trong quá trình truyền tải thông tin để cho phụ huynh hiểu sai nhưng tôi nghĩ rằng không đến mức độ trong cuộc họp mà giáo viên chỉ loanh quanh việc thu các khoản tiền”, bà Thanh phân trần. 

Theo bà Thanh, phần lớn là do ban phụ huynh truyền đạt vấn đề không triệt để, không thấu đáo và không đến nơi đến chốn, khiến cho các phụ huynh hiểu sai vấn đề. Bởi vấn đề xã hội hóa là do ban phụ huynh đứng ra triển khai. “Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm cho các giáo viên là khi phụ huynh đề xuất vấn đề gì mình phải có ý kiến can thiệp. Nếu thấy không có sự đồng thuận thì nên dừng lại ngay”, bà Thanh chia sẻ.

Trước đó, PV Infonet cũng đã từng liên hệ với đại diện của trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm ra lời giải thích cho việc phụ huynh khối lớp 6 vừa vào trường phải đóng 17 triệu đồng/lớp để bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa đầu năm học mới.

Đại diện trường này cũng cho rằng, có thể do giáo viên, ban phụ huynh truyền tải thông tin đến phụ huynh chưa được thấu đáo. Thậm chí, có phần do từ phía phụ huynh.

“Có thể cũng do phụ huynh đi họp phụ huynh mà không nghe và không hiểu. Nếu phụ huynh không hiểu vấn đề gì thì phải ở lại gặp trưởng ban phụ huynh của lớp, rồi đại diện trường, ban giám hiệu trường để làm rõ”, đại diện trường THCS Lê Quý Đôn cho biết.

Theo Thanh Hùng (Infonet)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot