Khi thấy người nghèo, người thuê trọ vật lộn với dịch bệnh COVID-19, cô Nga đã tận tay tặng họ những cân gạo, chai nước mắm để cùng nhau vượt qua lúc khó khăn.
VIDEO: Cô Nga chia sẻ về việc ủng hộ gạo và nước mắm cho người thuê trọ.
Việc nhỏ không đáng để nhắc tới
Đó là câu nói đầu tiên khi chúng tôi tìm đến nhà cô Mai Hằng Nga (SN 1961) - người vừa giúp đỡ những người thuê trọ và các hoàn cảnh khó khăn tại tổ 18, phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) trong những ngày cách ly xã hội vì dịch COVID-19.
Ngày 17/4 vừa qua, gia đình cô Nga đã tận tay phát đến cho những người đang thuê trọ những bao gạo và chai nước mắm để giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn.
Những người đang thuê trọ tại gia đình cô Nga không phải hộ nghèo, trước dịch bệnh ai cũng có công việc của riêng mình. Thế nhưng, trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, họ phải tạm nghỉ việc, tạm thời không có thu nhập. Vì thế, những bao gạo dù không nhiều nhưng cũng phần nào giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt.
Cô Nga chia sẻ về hành động giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng cộng trong đợt ủng hộ ngày 17/4, cô Nga đã giúp mỗi phòng trọ 10kg gạo ngon và 1 chai nước mắm mà gia đình cô Nga vẫn thường dùng. “Nhà tôi có tổng cộng 15 phòng trọ, 1 phòng đã chuyển đi nên nhường cho người khác, 2 phòng do không nấu ăn nên cũng nhường cho những hộ khó khăn hơn. Tổng cộng tôi đã phát 12 suất quà ủng hộ cho 12 phòng còn lại.
Còn về nước mắm, do gia đình tôi có người quen ở Đà Nẵng nên hay đặt mắm ngon từ trong đó ra ăn. Nghĩ rằng đó cũng là loại gia vị cần thiết trong cuộc sống hàng ngày nên tôi san sẻ cho mỗi người một ít”, cô Nga chia sẻ.
Chị Mỹ Hạnh (con gái cô Nga) cho biết thêm, khi biết được ý định của mẹ, cả gia đình ai cũng ủng hộ. “Nhà tôi có cửa hàng nhỏ bán gạo, đợt đầu khi Hà Nội mới có ca bệnh, mọi người đổ xô đi mua lương thực nhiều quá nên cũng bán hết sạch gạo ngay trong sáng hôm đó.
Dù không nhiều nhưng những cân gạo cô Nga giúp đỡ giúp cho nhiều gia đình vơi bớt khó khăn trong mùa dịch bệnh
Một số trường hợp đến cửa hàng mua quá muộn, họ năn nỉ, thậm chí chấp nhận mua gạo chăn nuôi để ăn. Trước tình hình đó, mẹ tôi lo những người ở trọ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rồi lại cách ly xã hội không về quê lấy gạo lên ăn hoặc không có thu nhập để mua nên mẹ tôi đã đưa ra quyết định này”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm.
Không chỉ giúp đỡ những người thuê trọ tại gia đình, cô Hạnh còn phát 14 suất, mỗi suất 10kg gạo ngon giúp đỡ cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ dân số 18, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
"Tôi đã từng đói lắm, lúc đó chỉ ước được ai cho gì để ăn"
Là chủ một của hàng mặt phố nhưng cô Nga ăn mặc giản dị như những người dân lao động bình thường. Cô chia sẻ, trước kia cô cũng sống trong nghèo khó nên giờ đây khi thấy những người nghèo khó cô luôn mở lòng giúp đỡ.
Khi còn đi học, cô Nga đã phải chứng kiến nỗi đau của mẹ khi bị căn bệnh ung thư tàn phá cơ thể. Dù mất nhiều tiền của để chạy chữa nhưng mẹ cô Nga vẫn không qua khỏi. Ngày là sinh viên đại học, gia đình khó khăn, cô Nga đến giảng đường với cái bụng đói meo, nhiều hôm thèm chiếc bánh mỳ mà không có tiền để ăn.
Ánh mắt đượm buồn của cô Nga khi nói về những khó khăn mình đã trải qua.
“Năm tôi vào năm thứ nhất Đại học Tổng hợp thì mẹ tôi mất, bố làm công nhân không có kinh tế. Trước đó, bao nhiêu tiền đã dồn vào chữa bệnh cho mẹ hết nên gia đình nghèo đói, kệt quệ.
Hàng ngày đi học, tôi chỉ ăn tạm buổi sáng rồi nhịn cho đến tối luôn chứ trưa không về nhà. Tôi còn nhớ, hồi đại học tôi gầy yếu lắm chưa được 40kg. Lúc đó, tôi chỉ ước ao có ai cho mình cái gì đó ăn để bụng đỡ cồn cào mà không được.
Chính vì xuất phát từ nghèo khó, đã phải chịu đựng cảnh thiếu ăn, nhịn đói nên giờ đây thấy những người nghèo tôi rất thương và đồng cảm với họ. Đó là lý do chính tôi quyết định giúp đỡ họ, nhất là trong lúc khó khăn này”, cô Nga chia sẻ.
Cô Nga sẽ tiếp tục giúp người khó khăn nếu dịch bệnh và việc cách ly xã hội kéo dài.
Ngoài ủng hộ bằng gạo và nước mắm, cô Nga cho biết cô quyết định miễn tiền nước cho tất cả các gia đình thuê trọ tại gia đình. Ngoài ra, những nhà nào do ảnh hưởng của dịch không có thu nhập, cô Nga sẽ lùi việc đóng tiền nhà để họ yên tâm về tư tưởng còn làm ăn, chăm sóc gia đình. Nếu còn cách ly xã hội, cô Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ những người thuê trọ tại gia đình bằng lương thực.