Không nỗi đau nào lớn hơn khi mất đi người thân, một phần máu thịt của mình. Nỗi đau này càng nhân lên gấp bội khi mà người thân bị kẻ xấu hãm hại, chết không toàn thây.
Cách đây khoảng 10 năm, vụ án xác chết không đầu gây ra bởi cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương Nguyễn Đức Nghĩa (26 tuổi, ở Kiến An, TP. Hải Phòng) đã gây rúng động .
Nỗi đau thấu trời của những người ở lại, đề nghị xử nghiêm kẻ thủ ác.
Tiếp đến, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, nạn nhân là chị Lê Thị Thanh H. bị phi tang xác gây xôn xao dư luận. Được đào tạo là một bác sĩ cứu người, song lúc hoảng loạn, cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chủ của thẩm mỹ viện cùng tên lại có hành vi đáng bị cả xã hội lên án.
Mới đây nhất, vụ án chồng chặt xác vợ, phi tang xuống sông Đuống được TAND TP. đưa ra xét xử. Mặc dù kẻ thủ ác Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, ở Đông Anh, Hà Nội) phải nhận hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình, song nỗi đau mà những kẻ phạm tội nguy hiểm này để lại cho gia đình nạn nhân là không gì có thể bù đắp, thậm chí còn ám ảnh từ đời này sang đời khác.
Bị cáo Đỗ Ngọc Anh.
Tại phiên xử hôm đó, chị Chị Ngô Thu Hường (con gái bà Đặng Thị H.; SN 1960, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Chị không thể tưởng tượng một con người lại có hành vi tàn ác, man rợ như tên Ngọc Anh.
Hành vi của bị cáo đã gây ra cho gia đình chị bao nhiêu đau xót, tốn kém bao nhiêu tiền của, công sức và thời gian, nhưng đến giờ gia đình chưa tìm được thi thể của mẹ về thờ cúng theo phong tục.
Chị Hường nói trong nước mắt: “Nỗi đau này sẽ theo gia đình tôi suốt cuộc đời, hành vi tàn ác của bị cáo là mất hết tính người, không thể tha thứ”.
Nỗi đau mà bị cáo Ngọc Anh gây ra cho gia đình nạn nhân càng nhân lên gấp bội khi mà ra tòa, hắn còn leo lẻo chối tội, cho rằng hành vi đánh bà H. trong lúc bực tức là không dẫn đến cái chết của nạn nhân; hắn cũng không thừa nhận hành vi chặt xác, phi tang xác bà H. xuống sông Đuống.
Nghe lời khai ráo hoảnh, không hề ăn năn của bị cáo thì gia đình nạn nhân càng thêm căm phẫn. Con gái nạn nhân đứng trước công đường đã phải thốt lên “Bị cáo vẫn coi thường , thể hiện sự ngông cuồng, phần trả lời của bị cáo, không ai nghe được, tôi muốn cáo cũng bị đày đoạ, chịu nỗi đau thân xác không liền như bị cáo đã làm với mẹ tôi…”.
Bản thân là một người con, chị Hường sẽ khó mà nguôi ngoai trước sự ra đi đau đớn của mẹ, nhất là đến nay chưa thể tìm thấy thi thể, đưa mẹ về an nghỉ.
Qua vụ án này, chị Hường đã nhiều lần nhấn mạnh, Tòa án cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội nguy hiểm như tên Ngọc Anh để làm gương cho kẻ khác; làm yên lòng người quá cố.