Không đơn thuần chỉ là học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến như mọi năm, với thông tư 30 áp dụng từ năm nay, hiện các trường tiểu học đang tự sáng tạo ra đủ kiểu nhận xét khen thưởng học sinh.
Theo khảo sát của PV Infonet, nhiều phụ huynh khá lạ lẫm trước những lời đánh giá trong giấy khen cuối năm mà con mình nhận được như: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; Đat thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; tích cực tham gia hoạt động từ thiện; Có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt,...
Tuy nhiên, đi cùng với tâm lý ngỡ ngàng nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi không biết thực tế sức học con mình đang ở mức độ nào bởi không hề có khung đánh giá chung.
Cầm tờ giấy khen của cô con gái lớp 2 trên tay, song chị Vũ Ngân (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn không khỏi băn khoăn: “Không biết năm nay triển khai thông tư 30 như thế nào nhưng mà giờ mình thấy lạ khi mỗi trường tổng kết học sinh lại có kết quả đánh giá khác nhau. Ví dụ như trong giấy khen có giấy thì viết là đã có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; Có chỗ lại ghi là đã hoàn thành xuất sắc học tập.
Muôn hình vạn trạng giấy khen
Rồi mức đánh giá cũng khác nhau, có trường thì chỉ có 2 mức hoàn thành và không hoàn thành, có trường thì tận 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành mức giỏi, mức khá và trung bình. Vậy đâu là kiểu đánh giá đúng và không biết thực tế con mình đang ở mức độ nào?”
Theo chị Ngân, chị băn khoăn và lần mò tìm hiểu một phần bởi thời điểm này hầu hết phụ huynh các hộ trong khu vực chị ở đều bàn chuyện về con em nhưng nhận xét lại quá khác nhau, không có khung đánh giá chung.
Cũng giống chị Ngân, chị Ngọc Hà (Hà Nội) cũng lấy làm lạ khi cậu con trai đi dự lễ bế giảng về khoe được nhiều giấy khen nhất khối, khi được hẳn 3 giấy khen. Mặc dù không được học sinh toàn diện nhưng bé nhà chị Hà lại được hai giấy khen về Hoạt động trường lớp năng nổ và giải Nhất Trạng nguyên nhỏ tuổi.
Ngạc nhiên nhưng chị Hà lại tỏ ra thích thú và tự hào về số giấy khen này: “Hôm trước đi họp phụ huynh, biết con không được học sinh toàn diện mẹ hơi thất vọng tí, về cứ càu nhàu với con, làm con cũng buồn. Nhưng hôm nay con nhận thêm hai giấy khen không liên quan đến kết quả học tập mình vẫn hoàn toàn tự hào. Bởi chứng tỏ con tự xác lập được quan điểm về việc học tập, về khái niệm "thành tích" và niềm vui trong việc đi học hàng ngày không chỉ là cố gắng mọi cách để có được điểm tốt ở mọi môn học mà còn là tham gia các hoạt động ngoại khoá, tập thể để tự tin. Họp phụ huynh, con là bạn duy nhất được cô nhận xét "kỹ năng sống tốt", vậy là mẹ thấy vui rồi”
Không chỉ chị Ngân, chị Hà mà những giấy khen với đủ nhận xét khác nhau cũng là chủ đề được mang ra bàn tán của rất nhiều phụ huynh khác có con học tiểu học. Phụ huynh lạ lẫm âu cũng là điều dễ hiểu bởi chính các cô giáo cũng còn chưa quen với hình thức mới này.
Cô giáo Vũ Tuyết (trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Nam Định) chia sẻ: “Qua trao đổi với các đồng nghiệp các trường khác thì đúng là mỗi trường ghi giấy khen một kiểu, thậm chí khác nhau trong từng lớp. Như trường mình, với học sinh của từng lớp, giáo viên chủ nhiệm tùy ý ghi nhận xét Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành xuất sắc các môn học. Cháu nào tham gia văn nghệ, hoạt động trường lớp thì ghi thêm có năng khiếu văn nghệ,… rồi mới đưa cho Hiệu trưởng duyệt”.
Khen thưởng linh hoạt, không theo khuôn mẫu
Về điều này, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo, hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức công tác khen thưởng học sinh. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá theo Thông tư 30 trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.
Ví dụ, khen thưởng về các môn học như: Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật...;
Khen thưởng về năng lực, phẩm chất như: Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; ...
Đặc biệt, phụ huynh cũng cần lưu ý việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo một khuôn mẫu có sẵn nào.