“Với những gì chúng tôi đang trải qua, có lẽ tổ chức thi như những năm trước chúng tôi sẽ thích hơn... Bộ GD-ĐT bảo tổ chức thi như năm nay đỡ tốn kém hơn chúng tôi lại thấy không phải thế” - một phụ huynh đưa con đi rút - nộp hồ sơ bày tỏ.
Khu vực rút hồ sơ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 18-8 chật như nêm. Sau khi trường công bố điểm trúng tuyển tạm thời, đã có trên 3.000 thí sinh đến rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Lãnh đạo nhà trường cho biết, từ ngày 13-8, lúc nào trường cũng đông như vậy.
Thí sinh nháo nhào rút hồ sơ
Anh Phùng Ngọc Quang (sống tại Phú Thọ), cho biết hai bố con anh đi xe máy từ sáng sớm xuống Hà Nội để rút hồ sơ nộp vào trường khác. Anh Quang cho hay, cậu con trai của anh được 25 điểm, nộp hồ sơ vào khoa công nghệ thông tin và tự động hóa. Những ngày đầu nộp hồ sơ, con trai anh Quang luôn nằm trong danh sách những thí sinh trúng tuyển tạm thời nhưng đến thời điểm này, cả hai ngành con anh đều trượt.
“Nhà không có mạng nên ngày nào con tôi cũng phải ra quán net để tìm thông tin. Hôm qua, nó về báo tin trượt... Con tôi cũng chưa biết nộp hồ sơ vào đâu, chỉ sợ 25 điểm mà trượt” – anh Quang buồn bã nói.
Thí sinh đội nắng xếp hàng để rút - nộp hồ sơ tại Hà Nội ngày 18-8. Ảnh: Lan Anh
Cũng tới rút hồ sơ tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) cho biết cả gia đình đều rất buồn vì cậy con trai đạt điểm trung bình 8,1 (theo cách tính điểm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) mà vẫn trượt vào ngành công nghệ thông tin. Năm ngoái hệ cử nhân của ngành công nghệ thông tin chỉ lấy 19 điểm, con chị Hà được 24, tưởng đậu, ai dè chỉ tiêu là 480 mà con chị lại xếp tận 512.
Chị Hà buồn bã cho biết trước mắt cứ rút hồ sơ, còn nộp vào trường nào đến giờ vẫn chưa tính đến vì lại phải lên mạng tiếp tục tìm kiếm thông tin các trường.
Tương tự, cảnh chờ đợi mệt mỏi ở Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, số thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ ở Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng lên đến hàng nghìn.
Để giải quyết việc rút hồ sơ một cách nhanh nhất, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bố trí một loạt máy tính làm công tác nhập điểm, thay đổi nguyện vọng, trả hồ sơ. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng bố trí tới ba khu vực, một để thí sinh rút hồ sơ, một khu vực cho chuyển nguyện vọng và khu vực nộp hồ sơ vào trường.
Tốn tiền triệu cũng quyết ở lại thành phố
Nhiều phụ huynh và thí sinh khi được hỏi cho hay sẽ “bám trụ” ở Hà Nội đến hết 20-8 để tiện việc nộp hồ sơ xét tuyển.
Anh Mạnh Hà, sống tại Bắc Giang nói rằng sáng nay anh đã đưa con gái đến rút hồ sơ ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để tìm một trường khác. “Chúng tôi như lạc vào mê hồn trận tuyển sinh. Có lẽ phương án tốt nhất là ở lại Hà Nội để tiện cho việc nộp hồ sơ chứ cứ đi – về hàng trăm cây số cũng không giải quyết được việc gì, tâm lý căng thẳng. Con tôi 21,75 điểm khối C vẫn sợ trượt” – anh Hà nói.
Lần thứ hai xuống Hà Nội rút hồ sơ, chị Nguyễn Thị Hoa (Thái Nguyên) cho hay, lần này chị sẽ thuê nhà trọ ở đây để theo dõi tình hình. “Biết ở thành phố 4-5 ngày là tốn kém mấy triệu bạc nhưng không còn cách nào khác. Đọc báo thấy các chuyên gia nói những ngày cuối cùng thí sinh sẽ rút – nộp hồ sơ rất nhiều nên chúng tôi rất lo ngại", chị nói.
Chị Hoa cho biết thêm tuần trước, hai mẹ con đã xuống Hà Nội để rút hồ sơ từ Trường ĐH Thương mại nộp vào Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa. Tuy nhiên, bây giờ, gia đình lại phải nghe ngóng để nộp vào Viện ĐH Mở vì con chị chỉ thích học du lịch.
Cùng nỗi lo lắng, phụ huynh Nguyễn Trung, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh nói: “Với những gì chúng tôi đang trải qua, có lẽ tổ chức thi như những năm trước chúng tôi sẽ thích hơn... Bộ GD-ĐT bảo tổ chức thi như năm nay đỡ tốn kém hơn chúng tôi lại thấy không phải thế”.