Khi nhận được thông báo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều học sinh không biết mình thích gì, nghề gì để chọn trường.
Không biết chọn trường nào
Theo thống kê gần đây, có tới 10% số sinh viên không theo được ngành mình đang học vì chọn nghề chưa phù hợp. Và có lẽ, con số này còn tăng cao hơn trong năm nay và những năm sau nữa với phương thức thi chung.
Không ít học sinh cầm trên tay giấy báo kết quả thi nhưng lại không xác định được mình thích gì và nguyện vọng muốn theo trường nào. Như trường hợp của thí sinh Minh Anh - chủ nhân của facebook bên dưới (tên nhân vật được thay đổi). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm khối A để Minh Anh xét tuyển vào đại học là 23,5 điểm. Ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác... mỗi người một lời khuyên khiến cho cậu không biết phải nghe ai.
Minh Anh ngồi tổng hợp một danh sách các trường đại học theo lời khuyên của người thân như Phòng cháy chữa cháy, Y học cổ truyền, Sư phạm Vinh, Học viện Tài chính, Kinh tế Quốc dân, Bách khoa, Quốc gia Hà Nội, Hồng Đức... rồi chốt câu cuối cùng là "Đau đầu rồi đây".
Điều đáng nói là ngay thời điểm hiện tại, nghĩa là hơn 2/3 thời gian nộp hồ sơ vào các trường, Minh Anh vẫn chưa quyết được ngôi trường nào mình sẽ theo học. Trong khi đó, những trường trong danh sách thí sinh này đưa ra lại không liên quan gì đến nhau, từ Phòng cháy chữa cháy cho đến Y học, Sư phạm, Tài chính...
Sau nhiều ngày biết điểm, Minh Anh vẫn chưa biết chọn trường nào.
Không chỉ Minh Anh, nhiều thí sinh trong cả nước cũng hoang mang với lựa chọn của bản thân mình. Bên cạnh việc cạnh tranh nhau từng điểm vào trường khiến cơ hội của từng cá nhân bị thu hẹp lại thì không ít thí sinh lại chưa định hướng được mình sẽ theo gì, thích gì...
Đam mê hay "chộp" được chỗ?
Chia sẻ về chuyện chọn trường, chọn nghề, tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội) bày tỏ, vài tuần nay, các thí sinh và người nhà vô cùng vất vả chen chân nộp hồ sơ, rút hồ sơ xét tuyển ĐH và CĐ. Không bàn đến những vấn đề mệt mỏi chán chường mà chủ trương này đem lại cho các thí sinh và người nhà, chúng ta chỉ đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là phương pháp thi tuyển hợp lý dành cho những người có mong ước học theo nghề nghiệp đã ấp ủ từ lâu?
Chúng ta thử xem xét trường hợp một bạn mong muốn thi vào Đại học Sư phạm để theo ngành Toán. Điểm xét tuyển hàng năm của khoa là chừng 23 – 24 điểm. Bạn trẻ này đã đạt mức điểm 25. Tuy nhiên, với quy định xét tuyển bất thường như năm nay, khả năng đỗ của bạn là rất mong manh.
Hoảng sợ với việc đó, đương nhiên các bạn tìm đến nộp hồ sơ ở các nơi khác. Lúc này, điều mà các bạn quan tâm không phải là những nơi bạn ấy mong muốn học, những ngành nghề mà bạn mong muốn theo đuổi suốt đời mà là trường nào thí sinh ấy có thể đỗ. Như vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn sẽ thêm rối loạn.
Sau kì xét tuyển này, chắc chắn các trường ĐH và CĐ sẽ nhận được một lứa sinh viên với ước muốn theo ngành nghề là thấp nhất. Thậm chí, sẽ có những bạn sinh viên ngơ ngác ồ à khi ngồi vào những lớp học mà mình hoàn toàn không nhận thức được về lớp, trường, và ngành nghề trước đó.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015.
Hiện trạng ngồi nhầm lớp, chọn nhầm ngành sẽ ngày càng thêm trầm trọng. Sau 4, 5 năm nữa, khi lứa sinh viên này ra trường, chúng ta sẽ có sản phẩm là một lứa các nhân lực học mà không thích ngành nghề. Sẽ có một số thi lại để học theo ngành nghề mình yêu thích; một số tặc lưỡi đi theo tiếng gọi của số phận và cả đời vật vờ, chán nản vì đã theo ngành nghề mà mình hoàn toàn không hào hứng; một số bỏ bằng, đi tìm công việc khác.
Riêng số sinh viên học lại, thi lại để lựa chọn lại nghề nghiệp chắc chắn sẽ khiến ngân sách đào tạo của các trường bị mất thêm một khoản chi phí không đáng có. Số sinh viên chán nản bỏ bằng đi tìm việc khác cũng sẽ làm cho các cơ quan công sở mất thêm khoản chi phí để đào tạo lại. Như vậy, nếu nói về chi phí dài hạn, liệu kì thi chung Quốc gia có thực sự tiết kiệm, hạn chế chi tiêu cho nhà nước và nhân dân?
Thực tế, những khoản chi phí khổng lồ sau này sẽ lớn hơn rất nhiều số tiền mà chúng ta đã tiết kiệm được trong kì thi vừa rồi. Đó là chưa kể một lứa sinh viên lựa chọn ngành nghề loạn xạ, học không đam mê, hứng thú sẽ làm giảm đi hiệu quả của việc đào tạo đại học. Việc hướng nghiệp cho thanh niên mà chúng ta đã mất bao nhiêu công sức để làm trong suốt 12 năm đã bị vứt bỏ không thương tiếc trong cuộc tranh giành các suất vào trường Đại học.
Cuối cùng, vị tiến sĩ này cho biết: "Có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại kỳ thi chung quốc gia. Phải chăng đây là một chủ trương gây ra quá nhiều các hệ lụy cho các thí sinh và người nhà. Tôi tha thiết hi vọng Bộ GD và ĐT hãy trung thực bỏ những báo cáo trên trời xuống để nhìn thẳng vào hiện trạng kì thi này và để rút kinh nghiệm cho năm sau".