Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, quán cơm tấm nằm ngay quận 1 với câu chuyện đặc biệt về mối quan hệ “tay ba” nhưng cực kỳ hòa thuận của những người trong cuộc khiến ai nấy đều tò mò, thậm chí không tin đây là sự thật.
Cơm tấm được xem là món ăn đặc sản nhất định phải thử tại Sài Gòn. Với du khách là sự thích thú trước hương vị đặc biệt của sườn, bì, chả… còn với người dân, cơm tấm là món ăn no quen thuộc hằng ngày. Sài Gòn không thiếu những tiệm cơm tấm từ cao cấp đến bình dân và đằng sau suất cơm nóng hổi đậm vị là những câu chuyện thú vị.
Ngay giữa trung tâm quận 1 tấp nập, có một hàng cơm tấm bình dân đông nườm nượp khách. Người đến đây bên cạnh thưởng thức món ăn, còn bởi tò mò trước câu chuyện “1 ông 2 bà” của chủ quán.
Quá cơm tấm ở quận 1 nổi tiếng nhờ câu chuyện của người chủ
Mối quan hệ “1 ông 2 bà” giữa hàng cơm và hàng bột chiên, bà nhỏ và bà lớn sống hòa thuận như chị em
Hàng cơm của cô Nguyễn Ngọc Thanh (51 tuổi) và chú Trần Tấn Phong (52 tuổi) nằm trên đường Cô Giang (quận 1). Thông tin về mối quan hệ “1 ông 2 bà” giữa quán cơm tấm và hàng bột chiên được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò. Tìm đến quán cơm tấm - bột chiên đang hot này, chúng tôi đã có câu trả lời từ người trong cuộc.
Khi được hỏi về mối quan hệ “1 ông 2 bà” đang được quan tâm, cô Thanh mỉm cười đáp ngắn gọn: “Đúng”, rồi hướng mắt sang phía bên cạnh nói: “Đó, người bán bột chiên bên kia kìa”. Điều đặc biệt là cô Thanh rất thoải mái, vui vẻ khi chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, liên tục gọi chị em với “bà nhỏ” của chồng.
Cô Thanh (mặc áo hoa xanh ngồi phía sau) và chú Phong (đang nước thịt)
“Chị em buôn bán đó giờ, sống nhờ nghề này không. Bả cũng không ăn chơi đâu, chăm chỉ buôn bán. Chúng tôi vẫn giúp đỡ nhau buôn bán bình thường, không có gì hết á. Bên của bả thì nhẹ hơn vì bán mỗi bột chiên, còn bên tôi cực hơn” - cô Ngọc Thanh chia sẻ.
Trong khi cô Thanh trò chuyện, chú Phong vẫn liên tục nướng từng miếng sườn trên bếp than đang đỏ lửa. Vẻ ngoài của người đàn ông đã bước qua tuổi 50 vẫn phong độ, chú Phong mặc áo sơ mi, quần jean, gương mặt luôn nở nụ cười nhẹ dù đứng trước lò bếp nóng và đông người ra vào. Thỉnh thoảng, chú Phong dừng tay tính tiền cho khách, hay cùng trao đổi hỗ trợ cô Thanh việc bán cơm.
Cô Thanh và chú Phong kết hôn được 31 năm, có với nhau 4 người con gồm 3 trai 1 gái. Trong đó có người con trai đầu đã lập gia đình, con trai út đang học lớp 10, vừa học vừa làm kiếm thêm thu nhập.
Chia sẻ về việc chồng có “tư tình” với bà bán bột chiên, cô Thanh bày tỏ miễn sao sống vui vẻ là được.
Quán cơm của cô Thanh và chú Phong đông đúc khi bắt đầu mở bán từ 17h chiều mỗi ngày
Ngay bên cạnh quán cơm tấm là hàng bột chiên của cô Dung. Gánh hàng nhỏ chỉ đặt vài chiếc bàn cho khách ngồi ăn, cô Dung cũng tất bật với nồi, bếp. Khi được hỏi về về mối quan hệ với cô Thanh và chú Phong, cô Dung cười đáp lại ngắn gọn: “Đúng rồi”. Cô Dung chia sẻ mình trải qua một lần đò, các con nay đã lớn. Ở quanh khu vực này, nói “bà hai bà ba” ai mà không biết, cùng buôn bán chung với nhau nên vui vẻ, hỗ trợ chứ không nghĩ gì nhiều.
Cô Dung bán bột chiên ngay bên cạnh hàng cơm tấm là "bà nhỏ"
Nhiều người không khỏi bất ngờ và không dám tin đây là câu chuyện có thể tồn tại khi “1 ông 2 bà” lại sống hòa thuận, giúp đỡ cùng nhau buôn bán như vậy. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc cả 3 người chăm chỉ làm việc, sống hòa thuận, vui vẻ thì không phát sinh vấn đề. Chú Phong trên phương diện pháp luật vẫn là chồng của cô Thanh, những tư tình với cô Dung là có nhưng không chung sống, điều này không nên được cổ súy.
Quán cơm tấm giá bình dân giữa lòng quận 1, không ham giàu chỉ đủ sống là vui
Quán cơm của cô Thanh và chú Phong bán ở đường Cô Giang được khoảng 3 năm. Trước đó cô chú có mở tiệm ở đường Cô Bắc, nhưng do chủ nhà lấy lại mặt bằng, không cho bán nữa nên nghỉ 5-6 năm, đi nơi khác sống sau đó mới mở bán lại.
Nói là quán cơm cho oai chứ đó chỉ là một xe cơm tấm nằm ngay góc đường Cô Giang, đối diện đình Nhơn Hòa. Ngoài chiếc xe với đầy ắp những món ăn là vài chiếc bàn, cùng một khu bếp nhỏ để giữ món ăn luôn nóng. Quán mở từ 17h chiều đến 23h - 0h đêm. Cô Thanh chia sẻ vì bán hàng có kinh nghiệm nên mỗi ngày chỉ đi chợ đủ tiêu chuẩn về nguyên liệu, không thể thừa mứa qua ngày.
Hàng cơm của cô Thanh và chú Phong được khen ngợi về vệ sinh và hương vị, giá cả phải chăng
Cô Thanh và chú Phong đều là người Sài Gòn, nghề bán cơm tấm được truyền từ đời ông bà ngoại sang má, rồi đến đời cô chú hiện tại. Các món ăn đều do hai người tự tay chế biến và thuê anh em, họ hàng trong gia đình phụ giúp. Bên cạnh chi phí nguyên liệu, nhân công, mỗi tháng cô Thanh còn chi 3 triệu đồng để trả tiền mặt bằng. Sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội, quán cơm đông khách hơn, làm vất vả hơn, cô Thanh xem đây là niềm vui vì buôn bán thuận lợi.
Mỗi ngày, hàng cơm bán được khoảng 20kg sườn, cùng với đó là nhiều món ăn đa dạng như: thịt kho hột vịt, xíu mại, gà chiên xả, chả trứng… Mỗi suất cơm có giá từ 35.000 - 50.000 đồng, tùy theo khách gọi món, nếu ăn cơm thêm thì 3.000 đồng/dĩa.
Anh Nguyễn Duy (quận 3) là thực khách quen của quán cơm tấm đường Cô Giang. Theo nhận xét từ anh Duy, quán cơm của cô Thanh sạch sẽ, đa dạng các món ăn, giá cả phải chăng nên dễ ăn.
Quán cơm tấm là địa điểm được cả thực khách tại Sài Gòn, khách du lịch quốc tế và người dân lao động lui tới thưởng thức
Phần cơm giá 35.000 đồng tại quán cơm của cô Thanh và chú Phong
Trong khi đó, cô Lê Kim (quận 1) - người buôn bán ở khu chợ gần quán cơm của cô Thanh chú Phong - tranh thủ làm suất cơm thịt kho hột vịt giá 35.000 đồng sau buổi chợ chiều. Cô Kim hài hước chia sẻ: “Nhà có nấu cơm mà ngày nào cũng ra đây ăn, tại cơm canh nóng hổi tiện đi chợ xong ghé luôn. Ở đây bán giá bình dân, người lao động đi làm về ghé ăn cũng tiện”.
Với nhiều người, ngay giữa lòng quận 1 có quán cơm tâm ngon và rẻ như của cô Thanh là điều đặc biệt.
“Ngày xưa ở Cô Bắc, quán bán cả ngày luôn, cũng đông lắm, mỗi ngày bán được cả trăm ký sườn. Lúc đó cũng có người nước ngoài về quay Youtube. Tôi bán ở đây toàn kêu người nhà đến phụ rồi trả công như thường, mướn người ta nhiêu mình trả bấy nhiêu, tạo công ăn việc làm cho anh em trong nhà.
Nhiều người nói bán giữa quận 1 mà rẻ vậy, tôi đâu có ham giàu đâu, cuộc sống gia đình ổn định, có cơm có nước, quần áo mặc là được rồi. Giàu làm gì, chết có mang theo được đâu. Kệ thôi, có cuộc sống cho gia đình rồi anh em, con cái có ăn có mặc là được” - cô Thanh chia sẻ.
Thực khách tấp nập ra vào từ chiều đến tối muộn ở xe cơm tấm đầy ắp những món ăn
Dù quán chỉ mở từ 17h chiều đến tối muộn nhưng theo cô Thanh cả hai vợ chồng đều tập trung cho công việc này, không làm gì khác vì không có thời gian: “Làm cái này còn không xuể, bán cơm cực lắm, đủ thứ hết”.
Quán cơm của cô Thanh và chú Phong càng về tối càng đông khách, người ra người vào nườm nượp. Những dãy bàn kín chỗ, nhiều người đứng đợi gọi mang về. Ông bà chủ luôn tay làm việc đến tối muộn, khi vãn khách lại thu dọn về nhà, chuẩn bị cho một ngày bán mới.