"Lỗi là do cái chắn pô bằng inox đó. Nhưng cũng tại mọi người đi không cẩn thận." - Một độc giả nhận định.
Ra đường nơm nớp sợ… pô xe
Chưa hết sợ sau lần bị tấm chắn pô xe máy cứa vào chân, độc giả Vương Huyền (huyensaigon…@gmail.com) kể lại: “Mình cũng đã bị một lần, phải khâu 3 mũi. Mình ngồi sau xe, lúc dừng đèn đỏ, quẹt chân vào pô xe bên cạnh, nó cứa cho ngọt lịm. Không thấy đau nhưng hồi sau thấy chân ướt ướt, nhìn xuống thì chảy quá trời máu. Giờ cứ nhìn thấy cái chắn pô xe máy là lạnh cả người”.
Đã 3 năm sau ngày con gái bị nạn vì tấm chắn pô, độc giả Chi Mai (mainguyen…@yahoo.com) vẫn chưa hết xót xa: “Con gái bé của mình ngồi ở giữa, chân con ngang với tấm chắn pô xe. Lúc đó 3 mẹ con đang chờ đèn đỏ, xe của người bên cạnh vượt lên chạm vào chân con tôi lúc nào không biết. Chân con sứt mất 1 miếng xương, đứt 2 gân ở chân và phải khâu đến chục mũi. Thật khủng khiếp!"
"Nếu chẳng may người thân của họ lâm vào trường hợp này họ sẽ nghĩ như thế nào?" - chị Chi Mai bức xúc.
Cũng từng là nạn nhân của tấm ốp pô, độc giả Oanh Trần (tranoanh…@gmail.com) cho biết chị bị tai nạn khi đang ngồi sau xe người nhà. “Đang đi đường, bỗng người đi bên cạnh bảo: “Chân chị bị chảy máu kìa”. Nhìn xuống, tôi thấy máu loang lổ, trên mu bàn chân có một vết rách dài. Hóa ra chân tôi bị cứa khi vào tấm ốp pô của một chiếc xe máy chạy cùng chiều. Vết sẹo xấu xí ở bàn chân sẽ theo tôi suốt đời”.
Những tai nạn vì tấm chắn pô liên tục xảy ra
Làm việc ở một tiệm sửa xe máy, độc giả Trần Hà (tran_ha9x…@yahoo.com) cho biết những tấm chắn pô này rất nguy hiểm. Cũng theo độc giả này, tai nạn do pô xe không chỉ xảy ra trên đường: “Khi rửa các loại xe có lắp tấm chắn inox, chỉ cần đưa tay lướt nhẹ qua là đã đứt rồi”.
Trước những vụ tai nạn do tấm chắn pô gây ra, độc giả manhkietdo…@gmail.com nhận định rằng lỗi một phần là do người tham gia giao thông đi không đúng cách: “Lỗi là do cái chắn pô bằng inox đó. Nhưng cũng tại mọi người đi không cẩn thận. Đường kẹt thì từ từ mà đi. Có vượt xe thì phải vượt bên trái, khi đó có muốn cũng chẳng thể đụng phải cái chắn pô sắc lẹm ấy”.
Để “máy chém” không còn chém
E ngại trước sự nguy hiểm do tâm chắn pô mang đến, độc giả Hoàng Yến (nguyenyen...@gmail.com) cho rằng nên cấm hẳn loại phụ kiện này bởi nếu chỉ khuyến cáo thì cũng như không. “Chạy xe trên đường, tôi cũng sợ mình bị "chém" nên hay để ý. Nhưng đâu phải lúc nào mình cũng đề phòng được. Để tránh những tai nạn không đáng có này, tốt nhất nên đưa ra luật cấm phụ kiện này luôn”.
Độc giả Lại Thế Thắng (thethang…@yahoo.com.vn) cũng nghĩ rằng nên cấm hẳn các loại chắn pô bằng inox: “Tại sao lại không nghiêm cấm sử dụng loại phụ kiện nguy hiểm này? Nếu vẫn cố tình bày bán hay sử dụng thì có thể phạt hành chính mà?”
Nhiều độc giả cho rằng nên cấm hẳn những phụ kiện thiếu an toàn như tấp ốp pô bằng inox (Ảnh: Tất Định)
Thu hồi chắn pô inox là ý kiến của độc giả Nguyễn Hồng Hà (nguoimomong…@gmail.com). “Tôi nghĩ những gì gây nguy hiểm cho đời sống xã hội thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc để loại bỏ. Trước hết phải thu hồi hết các chắn pô inox tự chế hoặc do Trung Quốc sản xuất lắp cho xe Air Blade gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau đó thông báo trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, kể từ ... giờ, ngày... tháng... năm..., những xe còn lắp chắn pô inox nói trên nếu lưu thông trên đường sẽ bị tịch thu xe”. – Độc giả Hồng Hà viết.
Độc giả có địa chỉ email phuonghong…@yahoo.com cho rằng nhà sản xuất nên quản lý các đại lý chặt chẽ hơn. Theo độc giả này, khi khách hàng đến mua xe, hầu hết các đại lý đều giới thiệu và tư vấn khách lắp thêm phụ kiện. “Nếu hãng không sản xuất tấm chắn pô thì cũng nên khuyến cáo các đại lý của mình. Không thể cứ tư vấn cho khách hàng để bán hàng lấy tiền mà bỏ qua sự an toàn của cả cộng đồng được”.
Trong khi đó, độc giả Thái Hồ (calocbong…@yahoo.com.vn) lại đưa ra ý tưởng nhà sản xuất xe máy nên thiết kế bulon gắn chắn pô xe máy khó tháo lắp và gắn thêm ron bảo hành. Khi tháo bulon chắn pô thì ron này sẽ bị rách và chi tiết này sẽ không được bảo hành nữa.
Độc giả này cũng cho rằng nên nhanh chóng áp dụng quy định phạt thật nặng người nào cố tình sử dụng tấm chắn pô bằng kim loại, thậm chí có thể tịch thu xe. “Nhà tôi có 2 xe Air Blade nhưng không gắn phụ kiện inox. Không phải vì không có tiền mà vì tôi thừa biết sự nguy hiểm của nó” – Độc giả này cho biết thêm.
Những tấm chắn pô bằng inox sắc bén vẫn theo các xe máy vi vu hằng ngày trên đường như những chiếc "máy chém"
Không hoàn toàn phản đối tấm chắn inox, độc giả có địa chỉ email dinhtien…@yahoo.com góp ý: “Ta có thể hàn thêm một thanh inox tròn (đường kính cỡ 3mm – 4mm) vào xung quanh mép ngoài (cạnh sắc) của tấm chắn inox. Khi đó tấm chắn sẽ không còn gây nguy hiểm nữa”.
Nói về phụ kiện này, độc giả Nguyễn Hoàng Nam (namnguyen…@gmail.com) lại cho rằng nếu chủ phương tiện có ý thức thì họ sẽ biết phải làm gì để tránh gây nguy hiểm và làm tổn hại đến mình cũng như người khác. Độc giả này đưa ra dẫn chứng từ bản thân mình: “Như tôi cũng gắn tấm chắn đây và khi mua về thì tôi đã ra cửa hàng để mài nhẵn các cạnh cũng như đường viền của tấm chắn. Bây giờ có dùng bất cứ thứ gì cứa vào cũng không để lằn chứ đừng nói là đứt hay chảy máu.”.
Giống như độc giả Hoàng Nam, chị Phạm Tú (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lắp thêm tấm chắn pô cho chiếc xe của mình. Chị Tú cho biết: “Việc lắp thêm tấm ốp pô bằng inox sau khi tấm ốp bằng nhựa của hãng bị hỏng là điều đương nhiên. Tấm ốp pô bằng inox bền, nếu xảy ra va chạm thì chỉ bị méo, vẫn nắn lại được nên tôi lắp cho xe của mình. Tuy nhiên gần đây, thấy tấm chắn pô này không an toàn khi lưu thông nên tôi chuyển sang lắp tấm ốp bằng gang".
Lo ngại cho sự an toàn của người tham gia giao thông, đa số các ý kiến đều cho rằng không nên lắp thêm tấm chắn pô ở ngoài cho tất cả các loại xe, không riêng gì xe Air Blade. "Tấm chắn pô zin rất đẹp, không hiểu sao mà thay vào cái inox càng xấu mà có khi cắt trúng mình và chính người thân của mình. Đi ngoài đường, thấy những chiếc xe ốp và gắn cả đống inox đủ chỗ vừa xấu vừa... "cải lương". Nhiều người bắt chước người khác, gắn thêm phụ kiện mà không cần biết đẹp, xấu, lợi, hại." - Độc giả Phan Thu Hằng (hangpt...@gmail.com) nêu ý kiến.