Gia cầm nhuộm bột sắt, ép chín sầu riêng bằng hóa chất, nhiều mẫu trà nhiễm chất cấm... là những thông tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đáng chú ý trong tuần qua (19/8-25/8).
Bắt quả tang 3 cơ sở nhuộm gia cầm bằng bột sắt
Ngày 22/8, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại khu đất trống thuộc tổ 6, ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Các đối tượng nhanh chóng tẩu tán các tang vật vi phạm, tại hiện trường, chỉ còn vài con vịt sống và vịt đã được giết mổ, cùng với một số dụng cụ dùng để giết mổ, đặc biệt là có một hộp hóa chất màu vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ. Lò giết mổ dơ bẩn của ông Nguyễn Như Phong cùng những chén huyết nằm la liệt dưới đất.
Cùng ngày, đơn vị trên đã xử lý ba trường hợp vận chuyển gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tiêu huỷ 184 con gà, vịt lông và 60 con vịt làm sẵn (trọng lượng 413 kg). Trước đó, ngày 21/8, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện ông Nguyễn Như Phong tạm trú tại nhà không số, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép.
Tổ công tác tiêu huỷ: 14 con vịt đã cắt tiết; 114 con gà, vịt lông; 4 kg huyết tươi (tổng trọng lượng 280kg) và một số dụng cụ để giết mổ; 6 kg nhựa thông và 1,6 kg bao bì của cơ sở giết mổ gia cầm Đại Nam.
Sữa New Zealand lại dính scadal nhiễm nitrate
Ngày 19/8, chính quyền New Zealnd đã tuyên bố hủy bỏ giấy phép xuất khẩu bốn kiện lactoferrin sản xuất tại một nhà máy của hãng Westland ở Hokitika, trên bờ biển phía tây đảo South Island vì bị nhiễm hàm lượng nitrate quá mức cho phép. Tuy nhiên, các quan chức New Zealand khẳng định, chưa có sản phẩm nào trong số này tới tay người tiêu dùng.
Công ty bơ sữa Westland tuyên bố, mọi sản phẩm bị ảnh hưởng đã được phát hiện và cách ly, dù chúng không gây bất kỳ nguy cơ nào về an toàn thực phẩm. Lãnh đạo công ty này cho hay, 2 mẻ hàng lactoferrin không đạt chuẩn nói trên có tổng trọng lượng là 390kg. Việc kiểm nghiệm thường lệ trước khi xuất khẩu đã không phát hiện ra chúng chứa hàm lượngh nitrat vượt mức cho phép của New Zealand.
Mặc dù chính quyền New Zealand đã lên tiếng trấn an phía Trung Quốc nhưng Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc vẫn ngưng nhập khẩu tất cả các sản phẩm sữa của Westland, đồng thời yêu cầu các công ty sữa khác của New Zealand phải cung cấp báo cáo thử nghiệm nitrat.
Thu hơn 1 tấn thịt bò, chân gà hết hạn dùng
Khoảng 4 giờ 20 ngày 22.8, tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh, Công an thành phố đã phát hiện 14.616 con giống gia cầm được vận chuyển trên xe Ford 16 chỗ ngồi BKS 63B – 001.78, do Nguyễn Văn Quý (SN 1985, trú tại thôn Nam, xã Phú Hải, Hải Hà, Quảng Ninh) điều khiển.
Thịt bò, chân gà hết đát bị công an thu giữ.
Trước đó, khoảng 3 giờ ngày 21.8, lực lượng CSGT phát hiện xe ô tô tải BKS 34M – 4275 do Nguyễn Danh Quân (SN 1987, trú tại Kim Thành, Hải Dương) điều khiển hướng Hạ Long – Móng Cái, trên xe chở hơn 200kg thịt bò và 800kg chân gà đông lạnh đều đã quá hạn sử dụng, không giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Ép chín hàng tấn sầu riêng bằng hóa chất
Để những trái sầu riêng được chín đều, màu sắc bắt mắt thì những thương lái đã tiến hành dùng hóa chất độc hại để ép hàng nghìn tấn sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) chín.
Theo phản ánh của người dân thì thời gian này một số thương lái đến Khánh Hòa thu gom sầu riêng nhưng điều đáng nói là họ tổ chức thu mua cả vườn, thu mua cả những trái còn xanh non. Sau đó các thương lái tiến hành nhúng trái sầu riêng vào một loại hóa chất đã hòa sẵn với mục đích ép trái chín rồi đưa ra thị trường.
Kinh hãi gia cầm nhuộm bột sắt, ép sầu riêng chín bằng hóa chất 3Hàng ngàn tấn sầu riêng bị các thương lái ép chín bằng hóa chất - (Ảnh: SGGP).
Khi sầu riêng được nhúng hóa chất thì đều chín nhanh, màu sắc bắt mắt và giống hệt như sầu riêng chín tự nhiên. Qua tìm hiểu thì loại hóa chất mà các thương lái dùng nhuộm trái có mác “Trái Chín” được sản xuất tại TP.HCM.
Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nói: “Việc thương lái dùng hóa chất kích thích sầu riêng chín sớm, đồng đều là có, tuy nhiên rất khó kiểm soát. Trước mắt, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên lạm dụng các loại hóa chất này để kích trái chín, chỉ sử dụng thuốc bảo quản cho trái cây khi vận chuyển đi xa. Sau sự việc này, huyện sẽ có những cuộc họp bàn để tìm giải pháp cụ thể hơn”.
Nem, giò ngon nhờ thịt thiu ướp hàng chục loại hóa chất
Để có được màu sắc, hương vị chả lụa, nem, cá viên, bò viên… bắt mắt, ngon lành, người sản xuất thường bỏ vào hàng chục loại chất phụ gia.
Trong vai người bán thịt heo, hàng ngày dư một lượng thịt muốn làm chả lụa, chúng tôi tiếp cận một điểm chuyên cung cấp máy xay giò chả ở quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Nhiều thứ hóa chất được sử dụng trong quá trình làm chả, giò lụa, nem, cá viên...
Ông Đức tiết lộ, nếu chất lượng thịt không đảm bảo (dạng thịt ôi) thì tăng nhiều phụ gia hơn bình thường cũng chẳng ai biết. Chẳng hạn, bột giúp nem, chả dai giòn, bột chống mốc, bột giữ cho giò chả có màu trắng, không bị nhớt, có thể treo lủng lẳng ngoài chợ ba đến bảy ngày không sợ bị hư, hay bột giúp bề mặt chả mịn.
“Thậm chí, không cần phải dùng tỏi tươi, mà chỉ cần dùng bột tỏi công nghiệp… để giảm chi phí. Các phụ gia này được bỏ vào trong quá trình xay thịt nên không ai biết". Ông Đức cũng không gói chả bằng lá chuối truyền thống màgói bằng lá chuối giả làm bằng nhựa PE…
Nhiều mẫu trà nhiễm chất cấm
Ngày 21/8, Chi cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng đã công bố kết quả phân tích các mẫu trà lấy tại các cơ sở liên quan đến vụ “Lộ diện đường dây làm trà bẩn” đã phát hiện dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất.
Theo đó, hai mẫu trà đen lấy tại cơ sở sản xuất trà Hồng Thoại (chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Hồng, ở Đại Lào, TP Bảo Lộc) đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép so với quy định. Trên các mẫu trà lấy tại đây, cơ quan chức năng đều phát hiện những chất cấm sử dụng trong sản xuất nguyên liệu trà: fenvalerate, hexaconazol, profenofos. Những chất này dùng pha chế thuốc bảo vệ thực vật, thường được sử dụng trên cây lúa. Hai mẫu trà lấy tại cơ sở kinh doanh trà Ngọc Dung (chủ doanh nghiệp Võ Tấn Ngọc, P.Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) cũng có kết quả phân tích tương tự.
Mẫu trà lấy tại doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia (P.Lộc Châu, TP Bảo Lộc) có chất fenvalerate cấm sử dụng trong sản xuất nguyên liệu trà. Các mẫu trà của Công ty cổ phần Trà Lâm Đồng đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, mặc dù trước đó cơ quan chức năng xác định hai cơ sở Ngọc Dung, Hồng Thoại là nơi cung cấp hàng với số lượng lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia và Công ty cổ phần Trà Lâm Đồng.