Rằm tháng Giêng nên cầu an, không đặt nặng việc cúng kiếng

Ngày 13/02/2022 08:20 AM (GMT+7)

Ngày Rằm tháng Giêng rất quan trọng với người Việt Nam, là ngày cầu an, chăm sóc đời sống tâm linh, cầu mong năm mới tốt đẹp, không đặt nặng việc cúng kiếng... và có nhiều lý giải về ngày này.

Tích Tết Nguyên Tiêu của Trung Quốc

Tích Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu gắn liền với sự tích nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán (Trung Quốc).

Mùa đông năm đó đại thần Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên thấy một cung nữ định nhảy xuống giếng tự vẫn. Hỏi ra mới biết cung nữ tên là Nguyên Tiêu, tự vẫn vì từ khi vào cung chưa được gặp lại người thân nên nhớ nhà, không báo hiếu được mẹ cha…

Đông Phương Sóc cảm động, hứa sẽ giúp cô gặp gỡ gia đình. Sắp đến năm mới, ông xuất cung mở gian hàng xem bói và có rất nhiều người xem, ai cũng bốc phải quẻ "Ngày Rằm tháng Giêng lửa bén đến thân" làm dân chúng trong kinh thành sợ hãi.

Bánh trôi nước cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa.

Bánh trôi nước cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa.

Chuyện đến tai khiến Hán Vũ Đế, kèm theo câu kệ: "Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm" khiến vua kinh hãi, gọi Đông Phương Sóc đến giải trừ tai ương, ông suy nghĩ rồi nói:

- Thần nghe nói Hỏa thần rất thích ăn bánh trôi. Nàng Nguyên Tiêu thường nấu ăn cho bệ hạ làm bánh trôi rất ngon, Bệ hạ bảo nàng làm bánh cúng. Đêm Rằm tháng Giêng Bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền dụ cho nhà nhà trong kinh thành đồng loạt dâng bánh trôi cúng Hoả thần. Đồng thời khắp thành treo đèn, đốt pháo, nổi lửa… như cả thành có lửa… để có thể qua mặt Thượng Đế. Rồi thông báo cho dân chúng ngoài thành đêm Rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn.

Hán Vũ Đế mừng rỡ thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày Rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, vui chơi vô cùng náo nhiệt. Gia đình nàng Nguyên Tiêu cũng vào thành cả nhà đoàn tụ, kinh thành Trường An bình yên vô sự.

Từ đó mỗi năm đến Rằm tháng Giêng dân chúng đều làm bánh trôi dâng cúng Hỏa thần, cả thành treo đèn đốt lửa. Bánh trôi do nàng Nguyên Tiêu làm cúng Hỏa thần rất đẹp và ngon nên gọi là bánh Nguyên Tiêu.

Còn có nhiều truyền thuyết khác, nhưng theo các học giả Trung Quốc thì lễ hội đèn lồng xuất phát từ truyền thống sử dụng lửa để mở hội, xua đi những điều không may mắn và có nhiều tên gọi khác nhau. Dù tên gọi có là gì thì đây Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ lớn, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán.

Rằm tháng Giêng nhiều nơi thả đèn hoa đăng. Ảnh minh họa.

Rằm tháng Giêng nhiều nơi thả đèn hoa đăng. Ảnh minh họa.

Rằm tháng Giêng với người Việt

Rằm tháng Giêng ở Việt Nam còn gọi là Tết Thượng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu - là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Tiến sĩ Trần Long - Giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học XHNV (ĐH Quốc gia TP. HCM – theo TPO), Rằm tháng Giêng có nhiều giai thoại và đều có giải thích hợp lý, nên cứ vậy lưu truyền.

Rằm tháng Giêng bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng Rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng âm lịch. Người Việt cổ thuần nông gắn liền với trời (thiên quan tấn phước - Rằm tháng Giêng), đất (địa quan xá tội - Rằm tháng Bảy) và nước (thủy quan giải ách - Rằm tháng Mười). Còn gọi Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên và Tết Hạ nguyên.

Tháng Giêng nông dân chuẩn bị xuống đồng, nên Rằm tháng Giêng bà con cúng lễ hạ điền để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phước lành, may mắn, cả năm hanh thông. Rằm tháng Giêng khởi đầu công việc cày bừa vụ chiêm, tối ngày Rằm tháng Giêng nông dân sẽ ra đồng đốt cây, cỏ, lá khô để diệt sâu bọ.

Có giải thích khác là sau một năm lao động vất vả người dân tự thưởng cho mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, du xuân. Tết Nguyên Tiêu đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" để trở lại công việc của một năm mới.

Còn theo Nho học thì xưa Tết Nguyên Tiêu được gọi là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm vua chúa đãi yến tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên, những người đỗ đạt cao đến thưởng hoa, ngắm trăng, thi ca xướng họa, ứng đối, âm nhạc… ca ngợi tạo hóa, vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. 

Dưới thời vua Lê Thánh Tông Tết Trạng nguyên được tổ chức trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.

Về sau lễ hội Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền rộng rãi trong dân. Đêm Rằm tháng Giêng được các văn nhân, thi sĩ tổ chức ở nhiều nơi để thưởng hoa, ngắm nguyệt, đánh cờ, xướng họa đối đáp thi ca phong phú... rất sinh động. Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã, thơ mộng, kèm nhiều hoạt động dân gian khác (như mở hội làng, thắp đèn, đua thuyền, bơi chải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…)

Tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những con cháu học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên báo cáo thành tích, sự hưng vượng của dòng tộc với tổ tiên – cũng là cách giáo dục tốt nhất cho các thế hệ con cháu. Các bô lão cũng tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ, chơi tổ tôm, tam cúc… Tàn hội thì thúc giục con cháu khởi động một năm mới.

Rằm tháng Giêng các làng quê đều diễn ra các lễ hội, là dịp ai cũng nghĩ tới chuyện đi chùa đầu năm, chăm sóc đời sống tâm linh, mong năm mới tốt đẹp, may mắn, thuận lợi... cũng là cách để giải tỏa muộn phiền sau một năm làm việc vất vả.

Do dịch bệnh phức tạp, Rằm tháng Giêng người dân có thể cúng tại nhà, làm việc thiện, hạn chế đến chùa. Ảnh minh họa.

Do dịch bệnh phức tạp, Rằm tháng Giêng người dân có thể cúng tại nhà, làm việc thiện, hạn chế đến chùa. Ảnh minh họa.

Rằm tháng Giêng theo Phật giáo

Một số sách, tài liệu Phật giáo có nói về ý nghĩa và nghi thức liên quan đến ngày Rằm tháng Giêng, nhưng ngày Rằm tháng Giêng không quan trọng so với rằm tháng tư (lễ Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu Lan).

Vì Rằm tháng Giêng trùng với Tết Thượng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu, hòa với không khí xuân mới đậm đặc nên đa số dân chúng đi chùa lễ Phật, cúng dường, phóng sanh, làm phước thiện, ước nguyện điềm lành… đặc biệt lễ cầu an cho bản thân, gia đình, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, chúng sanh an lạc, cộng đồng tha nhân… 

Hòa thượng Thích Giác Toàn (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Giác Ngộ, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang giải thích trên Thanhnien online), Rằm tháng Giêng người theo đạo Phật đi lễ chùa để cầu bình an, vái lạy Phật.

Trước Rằm tháng Giêng cả tuần các chùa sẽ khai đàn Dược Sư, hội Hoa Đăng, tổ chức đại lễ cầu an. 

Các tăng, ni cùng các phật tử tụng niệm từ ngày mùng 9 đến ngày Rằm cầu an cho thập phương bá tánh, phóng sanh, cứu tế, chẩn bần; hồi hướng công đức để cầu nguyện cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Những năm không có dịch Covid-19 các chùa chiền tấp nập người đến cầu phước lành, bình an, dâng sao giải hạn… Nhưng dịch bệnh đang phức tạp nên nhiều người đến lễ chùa thì bái Phật 3 lạy rồi về nhà tụng kinh, và luôn để ý giãn cách an toàn.

Người xưa đã nói: "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa". Do dịch Covid-19 nên Rằm tháng Giêng người dân có thể cúng tại nhà, giữ tâm an, làm nhiều việc thiện, hạn chế đến chùa. 

Sư thầy Thích Chúc Phương (cũng giải thích trên thanhnien online) đối với Phật giáo, Rằm tháng Giêng không đặt nặng việc cúng kiếng. Nếu cúng tại nhà, mâm cúng có hoa, trái cây, nước là đủ.

Ngày rằm không nên sát sinh, ăn rau củ cũng là cách thanh lọc cơ thể bớt đi tính ác tính xấu, bảo vệ môi trường và dưỡng sinh trị bệnh. Nhưng phải ăn đúng phương pháp và chọn lọc đúng thì mới có thể chữa bệnh, thanh lọc cơ thể.

Rằm tháng Giêng ở các nước

Rằm tháng Giêng ở Thái Lan còn gọi là lễ hội Phật giáo Makha Bucha. Hàng nghìn người tập trung tại ngôi chùa nổi tiếng Wat Phra Dhammakaya (Bangkok) để tiến hàng nghi lễ và thắp sáng 100.000 đèn lồng.

Rằm tháng Giêng ở Đài Loan (Trung Quốc), thay vì thả hoa đăng thì nhiều người ghi những câu ước nguyện vào đèn lồng và thả bay lên trời.

Rằm tháng Giêng ở Trung Quốc người dân treo hàng nghìn chiếc đèn lồng đầy màu sắc, câu đố treo trên đèn lồng, ăn bánh trôi và đoàn tụ với gia đình.

Rằm tháng giêng ở Nhật Bản diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 15, hoặc hết ngày 16 tháng Giêng, như lời cảm ơn phụ nữ đã chăm sóc gia đình và giờ được về thăm bố mẹ đẻ. Dịp này có "Lễ hội lửa", đối câu đối, khai chữ, nướng bánh mochi ăn mong cho mùa màng thu hoạch tốt. Món ăn vào Rằm tháng Giêng của Nhật Bản là cháo đậu đỏ (nấu từ gạo tẻ, đậu đỏ) ăn kèm với bánh mochi, hy vọng màu đỏ xua đi mọi điềm dữ, năm mới người người khỏe mạnh.

Văn khấn rằm tháng Giêng Nhâm Dần 2022 tại nhà chuẩn và đầy đủ nhất
Rằm tháng Giêng là thời điểm quan trọng đánh dấu ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới. Vậy lễ cúng diễn ra như thế nào, đọc văn khấn rằm tháng Giêng...

Rằm tháng Giêng

Theo Ngọc Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rằm tháng Giêng