Vì người Mảng tin mọi thứ đều có ma nên kiêng cữ đủ thứ. Điều này khiến cánh thầy mo "ăn nên làm ra", có vị thế, quyền lực nhất định trong lòng người dân...
Được biết đến là dân tộc có ít người nhất Việt Nam, người Mảng tập trung chủ yếu tại một số xã vùng biên của huyện Sìn Hồ, Mường Tè và Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Sống ẩn dật trong rừng sâu và xa cách với đời sống hiện đại nên cuộc sống của họ còn gặp vô vàn khó khăn. Vì người Mảng tin mọi thứ đều có "ma" nên kiêng cữ đủ thứ. Điều này khiến cánh thầy mo "ăn nên làm ra", có vị thế, quyền lực nhất định trong lòng người dân...
Bản làng người Mảng bao quanh là núi rừng, nằm tách biệt với bên ngoài.
Rùng mình đường đến... bản sợ "ma"
Từ thị trấn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), chúng tôi ngược gần 100km trên con đường đầy bụi bặm và ổ gà, ổ voi lởm chởm mới đến được trung tâm xã vùng biên Hua Bum. Trước khi đi, chị Phạm Thị Yến, cán bộ phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Nậm Nhùn dặn chúng tôi: "Mọi người suy nghĩ kỹ rồi đi. Đường lên đó gập ghềnh, chạy dọc con sông Đà đầy nguy hiểm. Nếu không đến đó trước khi mặt trời lặn hoặc gặp trời mưa to thì chỉ có nước ngủ lại ở dọc đường thôi".
Vào đúng dịp này, cơn mưa dông rất to cộng với tỉnh lộ 127 đang thi công, san lấp, cơi nới từ huyện Nậm Nhùn sang huyện Mường Tè nên con đường thêm trơn trượt, bùn đất nhão nhoét. Vừa đi, vừa dắt, vừa khiêng, từ 6h sáng, đến 10h đêm, chúng tôi mới có mặt tại xã Hua Bum được. Nhờ sự liên hệ trước, chúng tôi được sắp xếp chỗ ăn nghỉ tại nhà một cán bộ văn hóa xã.
Đúng 5h sáng hôm sau, chúng tôi được ông Lò A Lải - Phó Chủ tịch HĐND xã Hua Bum (là người Mảng) cùng một cán bộ bên địa chính trực tiếp đưa chúng tôi vào bản Pa Cheo. Vừa đi, ông Lải vừa động viên cả đoàn cố gắng đi nhanh, ông cũng không quên căn dặn những điều kiêng kị, sợ hãi của dân tộc mình mà khách cần biết đó là không nhặt đá, lá xanh vào bất cứ nhà dân nào.
Vượt qua những con suối chảy xiết, bò trườn qua những tảng đá cao chót vót và những vách núi nhìn hun hút chúng tôi đến được bản Pa Cheo. Bản được bao quanh bởi dòng suối Thượng và núi Pa Cheo. Vì ít tiếp xúc bên ngoài nên người dân ở đây sợ người lạ, sợ ma, sợ thần thánh. "Các nhà báo đi đâu, gặp ai, cần việc gì chúng tôi đưa đi thì mới được việc", ông Lò A Lải nói.
Ngồi trò chuyện với Trưởng bản Lò A Biên, anh ái ngại cho biết trong bản có 47 hộ dân, thì tất cả đều thuộc diện nghèo, luôn u mê trong cái thế giới tâm linh "ma quỷ". Chỉ với hơn 40 hộ dân, nhưng tại bản này có đến ba thầy mo. Đó còn là chưa kể, trong gia đình, trước khi bố mẹ mất đều truyền lại Tài Mo (tương tự như thầy cúng) cho người con trai cả, để biết cách cúng ma cho cả nhà.
Ông Lò A Biên, Trưởng bản Pa Cheo cho biết: Vì sợ ma nên khi bị bệnh tật, sinh đẻ... người dân đều trông cậy vào thầy mo.
Vì cuộc sống cách ly quá lâu với đời sống mới nên dù bị bệnh tật, sinh đẻ, giỗ chạp gì của người dân nơi đây đều trông cậy vào thầy mo cả. "Nếu là do con "ma" gây ra thì thầy cúng sẽ chữa "đường âm", nếu không phải "ma làm" thì mới băng đèo, vượt suối mà ra trạm y tế để khám. Nhưng do đường sá khó khăn nên đưa được bệnh nhân ra ngoài trung tâm xã không phải lúc nào cũng có thể làm được, có khi đưa được nửa đường thì bệnh nhân đã chết rồi, bởi vào mùa mưa, nước lớn, bản hoàn toàn cô lập", anh Biên cho biết.
Với người dân nơi đây, ma là nỗi sợ thường trực từng ngày, từng phút. Theo lời anh Biên, Trưởng bản thì bao đời nay, đời sống tâm linh của người dân tộc Mảng đã gắn liền với ma quỷ, thần thánh. Mọi thứ từ ngọn cây, dòng suối, núi đồi, ngôi nhà, tảng đá... đều có thể có ma. Chính vì vậy, mang lá xanh, thịt sống vào nhà là một điều tối kỵ. Họ cho rằng, nếu mang những thứ đó vào nhà sẽ bị tổ tiên quở trách, bắt "phạt" và ma nó theo vào. Trưởng bản Lò A Biên còn thật thà kể: "Người dân nơi đây bị ma phạt nhiều lắm. Nếu không kiêng kị những thứ trên thì sẽ bị phạt, quanh năm ốm đau, không đi làm nương rẫy được (?)".
Lạ lùng đám cưới người Mảng
Có thể nói, đám cưới của người Mảng được xem là một trong những đám cưới lạ lùng nhất ở Việt Nam. Theo lời kể của các cụ cao niên nơi đây, dù cho hai người có yêu nhau, quyết định đến với nhau, nhưng muốn cưới, họ phải nhờ người đứng ra làm mai mối. Không chỉ là một mà là hai, là ba, thậm chí là 7 - 8 "ông mối". Khi thách cưới, ngoài bạc trắng, lợn, gà thì không thể thiếu cá khô, chuột khô và sóc khô. Điều đặc biệt, khi tổ chức lễ cưới, người Mảng thường tung ngô, thóc, kết hợp với đổ nước, hắt bùn, dùng nhọ nồi quết vào mặt nhau để mong mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt.
Dù quanh năm uống rượu, đám cưới được tổ chức đến bốn ngày (hai ngày nhà trai, hai ngày ở nhà gái) một cách linh đình. Nhưng cô dâu, chú rể phải ngồi riêng một mâm. Tự nấu nướng riêng, uống rượu riêng, không được dùng đồ chung với người khác. Theo quan niệm của người Mảng, việc này sẽ giúp đôi vợ chồng trẻ sớm sinh con và sống thọ hơn.
Ông Phùng Mé Chờ, Bí thư xã Hua Bum trăn trở về nạn hôn nhân cận huyết thống của người Mảng.
Chuyện buồn ở bản: kết hôn cận huyết thống
Người Mảng quan niệm, khi con gái lấy chồng, sinh con thì những đứa con mang họ khác nên con của anh em và con của chị em gái có thể lấy nhau thoải mái. Từ quan niệm này cộng với việc người Mảng sống trong rừng già, gần như tách biệt hẳn với người ngoài nên chuyện kết hôn cận huyết thống xảy ra thường xuyên, phát sinh nhiều hệ lụy đau lòng.
Hỏi về việc người Mảng kết hôn cận huyết thống, bà Lý Thị Chướng, Bí thư xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, cũng là người dân tộc Mảng ái ngại chia sẻ: "Dù chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, động viên người dân không nên kết hôn cận huyết thống, nhưng do tập tục, thói quen và quan điểm bảo thủ của mình, nhiều người vẫn bất chấp hậu quả".
Cũng theo bà Chướng, chính con của chị gái bà tên Chìn A Tơi cũng lấy con của em gái bà là Lý Thị Nhan. Hai người cưới nhau gần 20 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có con. Dù được giải thích rằng hai người có quan hệ anh em ruột thịt, không được lấy nhau, nhưng hai đứa đều quả quyết rằng, họ Chìn và họ Lý khác nhau thì anh em cái lỗi gì. Do đó hai người quyết lấy nhau mà không nghĩ đến hệ lụy về sau.
Đến bản Nậm Nó, xã Trung Chải, chúng tôi vào nhà Tào A Lọ và Tào Me Xưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bố của Lọ là anh trai ruột của bố Xưởng. Ngày Lọ và Xưởng bảo cưới nhau, cả gia đình cùng phản đối, chính quyền xuống động viên, tuyên truyền nhưng Lọ và Xưởng đều bỏ ngoài tai. Bốn đứa con lần lượt ra đời và đều bị dị tật.
Rời nhà Xưởng, chúng tôi quay về bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. ông Phùng Mé Chờ, Bí thư xã Hua Bum, giọng buồn buồn, bấm tay tính toán khi chúng tôi hỏi về việc người Mảng kết hôn cận huyết thống và những hệ lụy của nó, rồi thở dài bảo: "Hôn nhân cận huyết thống thì nhiều lắm, không nhớ được đâu. Chỉ biết rằng, người Mảng trên địa bàn xã sống ở hai bản là Pa Cheo và Nậm Nghẹ. ở Pa Cheo có 47 hộ dân thì có 3 cặp vợ chồng vô sinh, Nậm Nghẹ gần 40 hộ thì cũng có đến 7 cặp vợ chồng không có con...".
Chẳng hạn như vợ chồng Lò A Đương và Lo Me Nen (bản Nậm Nghẹ), mặc dù đã cưới nhau 5 năm nay nhưng hai vợ chồng vẫn chưa có đứa con nào. Hỏi ra mới biết, bố của Đương và mẹ của Nen là hai anh em ruột. Hôm chúng tôi đến, hai vợ chồng Lò A Đương đang ngồi ủ rũ trong nhà. Hỏi về con, Đương nói tiếng Kinh câu được câu không. Đương bảo, cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, cả đời chưa đi viện bao giờ mà không hiểu sao chẳng có con...
Mới 60 tuổi nhưng bà Hen đã già nhất bản Pa Cheo.
Dân tộc có tuổi thọ thấp
Nói về tập tục hôn nhân cận huyết thống của người Mảng ở vùng biên giới Lai Châu này, Bí thư xã Hua Bum Phùng Mé Chờ cho biết: "Trước đây thì khá nhiều nhưng giờ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức nên gần như đã hạn chế nhiều. Chỉ duy nhất việc cưới hỏi nhiều ngày, hay ma chay cúng bái thì vẫn tồn tại. Một phần vì nhận thức của người dân chưa cao, phần nữa do nơi ở của họ thường tận trong núi cao, rừng thẳm, đường đi lại cực kỳ khó khăn và ngại giao tiếp nên việc tuyên truyền gặp không ít vất vả". Được biết, những bản người Mảng luôn có tuổi thọ thấp (trung bình chỉ 50 tuổi). Hôn nhân cận huyết thống từ xa xưa và ham uống rượu, hút thuốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này.