Dù là vị hoàng đế nhân đức nhưng Lê Nhân Tông lại bị chính anh trai cùng cha khác mẹ sát hại khiến triều thần "nuốt hận ngậm đau" và dân chúng "như mất cha mất mẹ".
Lê Nhân Tông (1411-1459) tên húy Lê Bang Cơ – vị hoàng đế thứ 3 của nhà Hậu Lê là vị vua trẻ nhất – lên ngôi khi mới 1 tuổi trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Sử sách mô tả ông là vị hoàng đế đức độ, coi trọng Nho học, không đam mê tửu sắc và biết nghe can gián.
Vị vua nhân đức nhưng lại bị chính anh trai sát hại
Lê Bang Cơ là con thứ ba của Lê Thái Tông, được lập làm thái tử sau khi sinh ra 6 tháng. Năm 1442, vua Thái Tông đi tuần miền Đông đột ngột qua đời, các tể tướng theo di mệnh của vua đã lập Bang Cơ lên ngôi hoàng đế. Khi ấy vua mới 1 tuổi nên mẹ là Tuyên Từ Hoàng thái hậu đã buông rèm nhiếp chính.
Năm 1452, thái hậu cho Lê Nhân Tông tự coi chính sự. Và nước Đại Việt dưới thời trị vì của ông đã giữ được sự ổn định cao, kinh tế và giáo dục có sự đổi mới mạnh mẽ, đường xá, cầu cống được xây mới, nông nghiệp phát triển.
Về quân sự, đại quân của nhà Lê còn đánh bại vua Chiêm Bí Cai và sáp nhập xứ Bồn Man vào Đại Việt, mở mang bờ cõi. Ông giảm sưu thuế, ban thưởng cho công thần, tiêu diệt thảo khấu, loạn đảng, bình định ngoại bang… khiến triều thần kính nể, nhân dân no ấm, đất nước phồn vinh.
Tranh vẽ chân dung vua Lê Nhân Tông.
Vua Lê Nhân Tông độ lượng với các công thần khai quốc có tội bị xử tử trước đây, ra nhiều chiếu chỉ biểu dương công lao của họ, hoặc trả lại của cải, ruộng đất cho con cháu họ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa minh oan được cho vụ án oan sai thảm khốc của Nguyễn Trãi.
Dù là vị hoàng đế nhân đức nhưng Lê Nhân Tông lại bị chính anh cùng cha khác mẹ là Lê Nghi Dân sát hại trong binh biến đoạt ngôi vị năm 1459 khiến triều thần "nuốt hận ngậm đau" và dân chúng "như mất cha mất mẹ".
Cụ thể, ngày 3/10/1459, Lê Nghi Dân mua chuộc được cấm vệ quân, đang đêm cùng các thủ hạ bắc thang vào tận trong cung cấm giết Nhân Tông. Hôm sau, hoàng thái hậu Tuyên Từ cũng bị hại.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có dẫn lời nhận xét của sử quan nho thần Phan Phu Tiên về Lê Nhân Tông: “Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ.
Đến lúc cuối đời bị lũ vô lại Đồn, Ban xướng xuất, khiến Lệ Đức hầu Nghi Dân đang đêm bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm, vua và Tuyên Từ Hoàng thái hậu đều bị hại. Thương thay”.
Tượng thờ Vua Lê Thái Tông - phụ hoàng của vua Trần Nhân Tông.
Cuộc đời gắn liền với vụ án Lệ Chi Viên
Suốt 17 năm trị vì đất nước, cuộc đời vua Lê Nhân Tông gắn liền với vụ án nổi tiếng lịch sử Lệ Chi Viên: Lê Thái Tông đột ngột qua đời vào năm 1442 tại nhà đại thần Nguyễn Trãi khi mới 20 tuổi.
Theo đó, ngày 27/7/1442, vua Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi hay tin đã mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Sau đó vua đi chơi ở vườn vải thì bất ngờ băng hà. Lúc này vợ chồng Nguyễn Trãi liền bị vu cáo tội giết vua, tru di tam tộc.
Sau này, vua Lê Thánh Tông đã đứng ra minh oan cho Nguyễn Trãi và sử sách ghi nhận cái chết của vua Lê Thái Tông do đột tử. Nhưng nhiều sử gia cho rằng vua Thái Tông không thể băng hà do đột tử và khẳng định đó là một âm mưu ám sát của mẹ vua Lê Nhân Tông.
Vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử.
“Trước khi mất, vua Lê Thái Tông đã truất ngôi thái tử của Lê Nghi Dân để phong cho Bang Cơ – con của bà phi Nguyễn Thị Anh lên làm thái tử. Khi ấy, một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) mang thai, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại khiến bà Dao bị giam ở lãnh cung. Nguyễn Trãi lại hết lòng bảo vệ, xin vua tha cho bà Ngọc Dao.
Nguyễn Trãi đã đưa bà Ngọc Dao tá túc tại chùa Huy Văn và hạ sinh hoàng tử Tư Thành. Sau đó, Nguyễn Trãi thu xếp mẹ con bà Ngọc Dao ra trú ở vùng An Bang. Việc làm này đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt hoàng hậu Nguyễn Thị Anh”, sách sử chép.
Hơn nữa có nhiều lời đồn đại thái tử Bang Cơ không phải con của vua Thái Tông. Vì thế khi nhà vua đi tuần, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lo sợ Nguyễn Trãi sẽ tiết lộ gốc gác của thái tử khiến con mất ngôi báu nên rắm tâm tìm cách giết vua đổ oan cho Nguyễn Trãi, đồng thời đưa con lên ngôi vị hoàng đế. Vì thế người đời sau vẫn cho rằng cái chết của vua Thái Tông liên quan đến vua Lê Nhân Tông.