Sách giáo khoa cấp 1: Cô trò 'đuổi' nhau

Ngày 17/11/2014 00:00 AM (GMT+7)

Không chỉ có phụ huynh vật lộn với con mỗi tối mà ngay cả giáo viên cũng không dám lơ là một phút nào trong việc dạy học con cái của họ.

Sau khi nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về tình trạng trẻ học cấp 1 đang quá tải trong việc học ở trường. Báo điện tử Khám phá xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài về vấn đề này.

Thương con nhiều lắm"

Nhiều phụ huynh kêu ca phàn nàn vì con em phải làm quá nhiều bài tập về nhà, buổi tối không có thời gian chơi... Cô Nguyễn Bích Hằng, giáo viên dạy lớp 1 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã giãi bày "nỗi khổ" của những người đứng trên bục giảng.

Theo cô Hằng, môn tiếng Việt dành cho lớp 1 hiện nay quá nặng, chương trình đi quá nhanh và học sinh không có nhiều thời gian để tập viết. Cô Bích Hằng cho biết, mỗi tiết học là 35 phút thì các con phải học nhận biết mặt vần, mặt âm, tìm tiếng mới, từ mới, từ ứng dụng rồi mới luyện đọc và tập viết. Trong đó, thời gian tập viết mỗi tiết chỉ có khoảng 10-15 phút, quá ngắn để các em nhớ và quen. Điều này dẫn đến tình trạng, học sinh không học trước thì sẽ không theo được môn tiếng Việt.

Sách giáo khoa cấp 1: Cô trò #039;đuổi#039; nhau - 1

Nhiều giáo viên chạy đua cùng giáo án (Ảnh minh họa: Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm).

Thực tế, giáo viên phải đuổi theo giáo án để chống "cháy" nên không có nhiều thời gian để luyện viết, kèm sát từng học sinh nên nhiều bé không biết đọc. Ngày nào các em cũng phải học 2 âm và năm học mới bắt đầu chưa đầy 2 tháng đã phải học hết âm. Đó là lý do các cô phải giao bài cho con về nhà luyện tập thêm.

"Để con viết được thì có nhiều điều phải dạy như phải xác định dòng kẻ dọc ngang, điểm đặt bút, chiều cao chữ. Những cái nhỏ nhặt này cũng mất cả tuần dạy nhưng các em chỉ được học trong 2, 3 buổi. Ví dụ, buổi đầu các con học vần "e", buổi thứ 2 học vần "b", thì buổi thứ 3 đã phải ghép "be"; "bé"... Quá khó đối với học sinh chưa biết chữ", cô Hằng bày tỏ.

Trong sách giáo khoa cấp 1, bên cạnh môn tiếng Việt học kiểu "cấp tốc", môn toán nhiều bài quá sức thì môn thủ công cũng là môn... có vấn đề. Cô Lê Minh Thủy, giáo viên một trường cấp 1 ở quận Đống Đa cho biết, các em lớp 1 phải làm các bài tập xé dán những hình vô cùng đánh đố như quả cam, cây, con gà. Hầu như không bé nào có thể tự làm được mà đều do bố mẹ... làm hộ.

Ngộ nhận?

Thạc sĩ Giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho biết, chuyện giáo viên và phụ huynh nói chương trình của học sinh cấp 1 "quá tải" là... ngộ nhận. Thực chất chương trình trong sách giáo khoa không hề nặng nề và phù hợp bởi học sinh học lực trung bình cũng có thể nắm vững ở mức trung bình.

Lý giải về việc ngộ nhận này, theo thạc sĩ Thịnh, có đến 80% bố mẹ cho con đi học hè trước khi vào lớp 1. Vì vậy, khi bước vào năm học, các con gặp lại điều đã học thì sẽ không tập trung, quậy nên cô giáo dạy nhanh và giao bài tập khó hơn. Cha mẹ thấy con không làm được bài thì lại cho con đi học thêm dẫn đến tình trạng thầy trò đuổi nhau.

Một phần nữa là do thầy cô chạy theo giáo án. Mặc dù biết trong lớp có cháu học nhanh, học chậm nhưng vì bắt buộc dạy theo giáo án nên cô muốn dừng lại cũng khó.

Sách giáo khoa cấp 1: Cô trò #039;đuổi#039; nhau - 2

Phụ huynh và nhà trường đừng đặt nặng thành tích (Ảnh: Trường tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội).

Thạc sĩ Thịnh khẳng định, không có bài toán nào trong sách giáo khoa cấp 1 khó. Cái khó ở đây chính là phụ huynh không biết cách giải và toàn áp kiến thức cấp 2 xuống cho học sinh cấp 1. Phương pháp giải toán hiện nay của học sinh cấp 1 là vẽ hình, vẽ đoạn thẳng.

Đề suất của thạc sĩ Thịnh là thay vì đầu tư bảng thông minh, SGK tiền tỷ... thì hãy cải cách từ không gian lớp học và sĩ số học sinh để giảm cường độ làm việc cho giáo viên. Đừng đặt ra chỉ tiêu danh hiệu thi đua như mỗi năm có bao nhiêu học sinh giỏi để các con tự thoải mái và cuộc thi học sinh giỏi các cấp chỉ là một "game" thích thì tham gia. Điều quan trọng không kém là thiết kế bài giảng phải uyển chuyển. Ví dụ 15 tiết, 4 đơn vị kiến thức thì hãy để cho giáo viên tùy điều chỉnh thời gian theo từng lớp.

Với phụ huynh, đừng nhìn con mình là siêu sao, thần đồng mà chỉ coi đó là một đứa trẻ bình thường, chấp nhận sai sót của con. Cha mẹ luôn ở bên động viên con và đặc biệt, không tạo sức ép điểm cao.

Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực, nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn: "Môn Toán của chúng ta ở bậc tiểu học không nặng đâu nhưng quá hàn lâm, nhất là về mặt ngôn ngữ y như rằng sau này cho ra toàn các nhà toán học. Người bình thường không có cần như vậy. Chương trình toán của chúng ta không gắn liền với cuộc sống nên HS không thích học và không vận dụng được.

Kỳ 1: SGK cấp 1: Phụ huynh không thông minh hơn HS lớp 3?

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan