NXB Giáo dục - đơn vị đã ký hợp đồng chuyển dữ liệu sách giáo khoa được số hóa cho 15.000 thiết bị của Công ty AIC - cổ xúy cho sách giáo khoa điện tử. Đây là xu thế thời đại song với thực tế Việt Nam, thất bại có thể thấy trước.
Trước nghi vấn của dư luận cho rằng Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) cùng NXB Giáo dục đã hậu thuẫn cho đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử dự kiến triển khai thí điểm ở TP HCM, chiều 27-8, ông Nguyễn Minh Khang, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục, khẳng định việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM lập đề án và lựa chọn đối tác hoàn toàn do sở quyết định, NXB Giáo dục không tham gia.
NXB Giáo dục bắt tay với AIC
Về hợp đồng mà NXB Giáo dục ký với AIC khiến dư luận dấy lên nhiều nghi ngờ, ông Nguyễn Minh Khang cho biết: Nhận thức được sự phát triển tất yếu rằng sách điện tử sẽ là phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản, nhiều NXB, trong đó có NXB Giáo dục, đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển xuất bản điện tử.
Trẻ em có thể bị giảm thị lực hoặc mê chơi game nếu tiếp xúc nhiều với máy tính bảng. Ảnh: CHÁNH TRUNG
NXB đã nghiên cứu và hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để phát triển lĩnh vực xuất bản sách điện tử, trong đó có AIC. “Chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác với AIC, chuyển giao file PDF cài đặt vào thiết bị của AIC” - ông Khang nói. Cũng theo ông, NXB Giáo dục ký hợp đồng chuyển dữ liệu SGK dưới dạng file PDF để sử dụng đối với 15.000 thiết bị của AIC.
Về quan điểm của NXB Giáo dục trước đề án cho học sinh các khối 1, 2, 3 sử dụng máy tính bảng để học tập liệu có phù hợp, ông Khang nhận định hiện nay, việc số hóa, xuất bản sách điện tử và ứng dụng công nghệ là xu hướng chung của ngành xuất bản. Tuy nhiên, lựa chọn lứa tuổi nào để sử dụng cho phù hợp thì cần được nghiên cứu; sử dụng máy tính bảng cho lứa tuổi nào là do các cơ quan chức năng quản lý giáo dục quyết định.
Phải liệu cơm gắp mắm
Quan điểm của NXB Giáo dục là vậy còn các chuyên gia giáo dục lại cho rằng dù không thể đi ngược xu hướng điện tử hóa song trước khi tiến hành cần xem xét theo điều kiện của Việt Nam cũng như dựa trên kinh nghiệm thế giới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều quốc gia đã không thành công với việc trang bị máy tính bảng cho học sinh.
Chính quyền Thái Lan vào năm 2012 đã trang bị hơn 800.000 máy tính bảng cho học sinh các cấp. Tuy nhiên, đến năm 2014, chương trình này phải hủy bỏ do tranh cãi về việc thiết bị kém chất lượng và vấn đề tham nhũng. Tại Ấn Độ, vào năm 2013 cũng đã bắt đầu chương trình cung cấp 5 triệu máy tính bảng cho học sinh nhưng sau đó, chương trình này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có yêu cầu nên dừng lại do cơ sở hạ tầng không đồng bộ; việc đào tạo giáo viên sử dụng công nghệ mới mất thời gian, tốn kém.
Như tại Trung Quốc, chương trình cung cấp máy tính bảng cho học sinh cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, phức tạp về mặt kỹ thuật, nhiều phụ huynh còn lo ngại con em họ sử dụng máy để chơi game nhiều hơn là để học.
UBND TP HCM yêu cầu báo cáo Nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 27-8 cho biết trong cuộc họp diễn ra cách đây vài ngày, Phó Chủ tịch UBND TP, ông Hứa Ngọc Thuận, đã chỉ đạo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP báo cáo về đề án SGK điện tử. Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo TP đã nghe Sở GD-ĐT báo cáo kết quả thực hiện thí điểm việc giảng dạy chương trình tiếng Anh Cambridge tại các trường tiểu học trên địa bàn TP. Q.Hiền |
Không cho phép sai lầm! Giáo dục thế hệ tương lai luôn là định hướng chiến lược của đa số quốc gia. Thành bại của đất nước là kết quả định hướng giáo dục đúng hoặc sai. Song hành với đó, ngân sách đầu tư cho giáo dục luôn là vấn đề gây tranh luận gay gắt, nhất là đối với những quốc gia đang “thắt lưng buộc bụng”. Số hóa và biên soạn SGK điện tử dạng tương tác cho học sinh các cấp là cần thiết nhưng cần có những nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng để đưa công nghệ mới vào giáo dục. Rất cần có các cuộc khảo sát, nghiên cứu về tâm sinh lý, sức khỏe của trẻ khi tương tác với các thiết bị công nghệ. Từ các kết quả được lượng hóa này mới tiến hành xây dựng nội dung giáo trình phù hợp với lứa tuổi cũng như thời gian học trên thiết bị. Với giáo dục mầm non và tiểu học thì không cho phép sai sót, kể cả các thử nghiệm. Phản ứng gay gắt của dư luận vừa qua cho thấy cơ quan hữu quan và các bên phối hợp đã quá vội vàng khi chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Việc xây dựng SGK điện tử dạng tương tác không thể bưng nguyên nội dung SGK giấy đưa vào thiết bị là đủ. Cần có những thiết kế điều chỉnh để phù hợp với SGK điện tử. Một ví dụ nhỏ là thiết kế màu hiển thị trang sách sao cho hấp dẫn, đủ độ tương phản để không ảnh hưởng đến thị giác học sinh. Đạt được tiêu chuẩn này cũng phải nghiên cứu, thử nghiệm mới có các kết quả lượng hóa để áp dụng cho sách được. Phí Anh Tuấn |