Trước vụ việc bức ảnh chụp màn hình sao kê tài khoản ngân hàng được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh được lan truyền, phía ngân hàng cho biết đang điều tra làm rõ.
Trước thông tin về vụ việc phát tán hình ảnh sao kê ngân hàng thuộc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh đang gây xôn xao dư luận, chiều 25/5, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện truyền thông MB. Vị đại diện này cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận vụ việc này và đang trong quá trình điều tra, xác minh. Ngay sau khi có thông tin, MB sẽ có công bố chính thức tới tất cả các khách hàng”.
Hình ảnh chụp màn hình sao kê ngân hàng nghi của nghệ sĩ Hoài Linh bị phát tán.
Chia sẻ về vấn đề phát tán thông tin tài khoản khách hàng dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm quy định cung cấp thông tin khách hàng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của ngân hàng”.
Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo mật thông tin (Điều 14) và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin khách hàng (Điều 8), hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (Điều 9), đồng thời quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác, cá nhân (Điều 15).
Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định Bảo mật thông tin như sau: Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. |
Như vậy, luật sư Cường cho rằng, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp. Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng, các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng ra bên ngoài hay thực hiện bất kỳ hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin đó.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Về chế tài, luật sư Cường nhận định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người làm lộ thông tin bí mật của khách hàng có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Phạt tiền gấp hai lần đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.
Ngoài ra, luật sư Cường cho biết, việc phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác cũng là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Theo Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt cao nhất đối với tội phạm này có thể lên đến 7 năm tù.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm", luật sư Cường cho biết.
Trước đó, trên một diễn đàn về công nghệ tại Việt Nam, một tài khoản thành viên đã đăng tải thông tin chụp màn hình chi tiết lịch sử giao dịch tài khoản được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh (tên đầy đủ: Võ Nguyễn Hoài Linh) tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Theo hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, có gần 30 biến động tài khoản gần nhất, số tiền giao dịch, nội dung chuyển khoản. Trong đó, có nội dung gửi tiền vào các quỹ từ thiện mà nghệ sĩ Hoài Linh đã từng kêu gọi, đồng thời cũng có nhiều khoản gửi tiền với giá trị từ 100 - 1.000 đồng với lời nhắn xin được giúp đỡ. Ngược lại, tài khoản được cho của Hoài Linh này cũng có 4 lệnh chuyển tiền đi với số tiền từ 5 triệu đồng đến 700 triệu đồng với nội dung lần lượt là: "MB ck tien a tai" (26,6 triệu đồng), "VO NGUYEN HOAI LINH cau linh chuyen tien" (700 triệu đồng), "MB chuyen khoan" (5 triệu đồng) và "MB a4 chuyen tien lam tu thien" (200 triệu đồng). Hiện, bức ảnh này đã được xóa bỏ trên mạng xã hội. |