Sinh con ở tuổi 40, chị Liên không ngờ đó lại là đêm định mệnh mà đến nay hai mẹ con chị vẫn chưa một lần được gặp nhau.
Cuộc đời ba chìm, bảy nổi của người phụ nữ ở bãi giữa sông Hồng
Đã 4 ngày liên tục chị Nguyễn Thị Liên (SN 1970) phải sống nhờ bằng máy móc sau cơn vượt cạn vào rạng sáng ngày 24/11. Kể từ lúc con cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc người mẹ 40 tuổi này rơi vào tình trạng hôn mê, đến hôm nay khi con được xuất viện chị vẫn chưa tỉnh lại để được gặp con.
Trước khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sinh con, chị Liên sống ở Bãi giữa sông Hồng trên một chiếc thuyền đơn sơ, cũ kỹ. Không chỉ cuộc sống vật chất khó khăn, người phụ nữ này còn phải trải qua bao phen lận đận trong chuyện gia đình.
Bãi giữa sông Hồng nơi gia đình chị Liên và những người lao động nghèo đang sinh sống.
Đến thời điểm này chị đã bước qua hai lần đò và có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Con trai lớn của chị giờ đã 22 tuổi, còn con gái cũng bước sang tuổi 16, nhưng gia đình khó khăn khiến cả 2 phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống, mưu sinh.
Cuộc hôn nhân đầu lỡ dở do chồng chị Liên đột ngột bị tai nạn. Sau một thời gian ở vậy nuôi con, cách đây vài năm trước chị đã yêu và lấy một người đàn ông tên Cao Văn Toàn, hơn mình 3 tuổi làm chồng. Tưởng rằng, hạnh phúc mới sẽ cho chị tiếng cười và hạnh phúc nhưng nỗi đau vẫn cứ bám riết lấy người phụ nữ khốn khổ này.
Lấy nhau được một thời gian, chị Liên và chồng có với nhau đứa con đầu tiên nhưng không may mắn bé mất khi vừa sinh được mấy ngày tuổi. Thời gian sau, chị mang thai đứa con thứ hai nhưng lại một lần nữa điều không ai muốn đã xảy đến với chị.
Chưa kịp hưởng niềm vui, nỗi đau đã ập đến với người mẹ sinh con ở tuổi 40
Khi nỗi đau mất 2 đứa con dần nguôi ngoai, đầu năm 2019 hai vợ chồng chị Liên vui mừng khi biết tin mình có bầu ở tuổi 40. Suốt thời gian mang thai, hai vợ chồng cố gắng giữ gìn và đăng ký sinh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Nỗi đau, sự bất hạnh cứ bám riết lấy người phụ nữ 40 tuổi mãi không thôi.
Đầu giờ chiều ngày 23/11, khi đang chạy xe ôm, anh Cao Văn Toàn thấy vợ gọi và nói rằng mình có dấu hiệu chuyển dạ, anh bỏ công việc vội vàng về đưa vợ vào viện sinh con. “Tại viện, bác sĩ có đề nghị vợ tôi sinh mổ, nhưng vợ tôi sợ mổ sau này ảnh hưởng sẽ đau lưng, hơn nữa những lần trước đều sinh thường nên quyết chờ để sinh thường. Đến 1 giờ sáng (ngày 24/11) khi sinh con vợ tôi đã bị băng huyết rồi nguy kịch cho đến bây giờ”, anh Toàn ngậm ngùi kể lại.
Được biết, trong quá trình chuyển dạ, chị Liên gặp phải tình trạng đờ tử cung, sốc mất máu dẫn đến việc phải cắt tử cung cấp cứu. Chị bị suy đa tạng (suy gan, suy thận), rối loạn đông máu, hiện đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang – người điều trị trực tiếp của chị Liên - cho biết hiện tại chị Liên phải được lọc máu liên tục, điều chỉnh đông máu và dùng kháng sinh, chưa thể nói trước được điều gì. Nhận được tin này từ bác sĩ, gia đình chị Liên chết lặng, kèm theo đó là cảm giác lo lắng vì gia đình không có tiền để chi trả chi phí điều trị.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, đã có lúc gia đình chị muốn từ bỏ việc điều trị nhưng thực tế chị đã không còn nơi để về - gia đình không tìm được nơi mai táng. Cuộc sống lênh đênh trên chiếc thuyền ven sông đã gắn chặt với cuộc đời chị, ngay cả khi muốn buông bỏ tất cả chị cũng phải đối mặt với sự vô định, không có nơi để “về”.
Em bé sinh ra chưa được hưởng chút hơi ấm và bầu sữa của mẹ.
Trước tình cảnh vô cùng đáng thương của gia đình chị Liên, một cán bộ Ban Công tác xã hội (BV Trung ương Quân đội 108) nói với chúng tôi rằng: “Điều hạnh phúc nhất của mỗi con người khi sinh ra là được hưởng trọn sự ấm áp trong vòng tay mẹ, được cảm nhận mùi hương và uống những dòng sữa nóng hổi từ bầu sữa mẹ.
Nhưng điều đó thật khó đối với “em bé ấy”, sở dĩ phải gọi là “em bé ấy” vì từ khi chị Liên sinh em bé và gặp điều không may kia, “em bé ấy” vẫn chưa được đặt tên. Em được sinh ra và được chăm sóc hoàn toàn từ các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa Sản – Bệnh viện TWQĐ 108, em chưa được thấy mẹ và nếu không may có thể em sẽ không bao giờ được gặp mẹ nữa…”.
Giờ đây chị Liên đang từng ngày, từng giờ giành giật sự sống với tử thần, với hy vọng duy nhất ngày mai sẽ khỏe mạnh về với chồng và các con. Thế nhưng, kinh tế kiệt quệ đang là rào cản lớn nhất với gia đình chị.
“Bao tháng ngày tích cóp vợ chồng tôi lo được 40 triệu để chờ ngày đi đẻ và lo cuộc sống hai vợ con sau sinh. Giờ đây tiền cũng đã đóng vào viện hết, tôi chẳng thể đi làm vì phải túc trực bên vợ, đứa con mới vài ngày tuổi phải đưa về bãi giữa sông Hồng ngờ người chăm sóc, không biết vợ chồng tôi còn cầm cự được bao lâu”, anh Toàn nghẹn ngào nói.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: - Ban CTXH – Bệnh viện TWQĐ 108 Địa chỉ: Số 1, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội; Hotline: 1900.986.869 - Hoặc số tài khoản BV Trung ương Quân đội 108: 05711.0414.9003 - Ngân hàng MB Bank. Khi chuyển tiền quý nhà hảo tâm vui lòng ghi rõ: UH BN Liên. - Liên hệ với gia đình qua số điện thoại của anh Cao Văn Toàn (chồng chị Liên): 0852694011 |