5 đứa trẻ đáng yêu, kháu khỉnh trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam ngồi ngoan chơi đồ hàng cùng nhau làm ai ngang qua con hẻm nhỏ trước nhà cũng phải nán lại ngắm nghía và khen ngợi.
Vào một buổi chiều, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở con hẻm thuộc đường Trần Bình Trọng (Quận 5, TP.HCM) – nơi sinh sống của vợ chồng chị Lê Huỳnh Anh Thư (32 tuổi) cùng những đứa trẻ trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam.
Hoang mang khi 5 đứa trẻ… chào đời
Kể về những tháng ngày chạy chữa "tìm con", chị Thư nói: "Vợ chồng tôi kết hôn hơn 2 năm vẫn chưa có con. Tôi đi khám thì biết mình mắc hội chứng buồng trứng đa nang khó có khả năng mang thai.
Khi ấy, bác sĩ khuyên làm thụ tinh nhân tạo nhưng kinh tế hạn chế nên không thể thực hiện được.Vì vậy, tôi đành lựa chọn phương pháp kích trứng giao hợp tự nhiên dù có nhiều rủi ro đa thai".
Bác sĩ có lần đã đề nghị tôi bỏ bớt phôi để tránh rủi ro cho cả mẹ và con. Nhưng việc nghĩ bỏ đi bào thai nào cũng thấy thương, dù sao cũng là giọt máu của mình. Hai vợ chồng lại động viện nhau cùng cố gắng.
- Eva.vn
”Sau thời gian kiên trì, vợ chồng chị Thư hạnh phúc đón nhận tin vui. Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán chị mang thai 3.
Chị bảo, ban đầu nghe đa thai cũng thấy sợ nhưng kết quả kiểm tra thai 3 khiến chị an tâm phần nào. Trong lần kiểm tra tiếp theo, bác sĩ thông báo chị Thư mang thai tư.
Quãng thời gian bầu bí, chị Thư phải chịu bao khó khăn, vất vả. 3 tháng đầu thai kỳ, chị nghén và khó ngủ như nhiều mẹ bầu khác.
Sang tháng thứ 5, bụng chị bắt đầu rạn nứt và căng cứng như cái trống. Chỉ cần một bé đạp là các anh em trong "tổ" sẽ bắt chước theo", chị Thư nhớ lại.
"9 tháng mang thai là quãng thời gian dài, liên tục bị các cơn đau hành hạ. Nhiều lúc, tôi thở không nổi, nằm nghỉ thôi cũng mệt nhọc vô cùng. Lúc ấy, tôi chỉ biết cố gắng cắn răng chịu đựng".
Trước ngày dự sinh nửa tháng, chị Thư được đưa vào BV Từ Dũ để chuẩn bị sức khỏe và tâm lý cho hành trình "vượt cạn". Cứ nghĩ đến cảnh các con chào đời rồi bi bô gọi "Mẹ ơi! Ba à!" và yêu thương lẫn nhau... chị thấy nhẹ nhàng hơn.
"Lên bàn mổ, tôi lo sợ điều xấu xảy ra nhưng vẫn có niềm tin 4 con chào đời bình an. Không ngờ, bác sĩ “đỡ đẻ” xong chúc mừng gia đình có thêm 5 thành viên.
Giây phút đó, tôi hơi hoang mang không hiểu vì sao lại xuất hiện thêm một bé. Hoá ra, con bị các anh che nên khi siêu âm bác sĩ không thấy", chị Thư tâm sự.
Với tình mẫu tử thiêng liêng cùng sự tận tâm của các y- bác sĩ trong viện, 5 đứa trẻ đã chào đời trong niềm hân hoan, vui sướng của gia đình và nhiều người.
Chuỗi ngày bận rộn và những thiên thần đáng yêu, kháu khỉnh
Những thiên thần chào đời, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Thư bỗng trở lên vui nhộn với bao tiếng khóc oe oe.
Với những gia đình sinh một đứa, họ chỉ cần 1-2 người chăm sóc cho cả mẹ và bé. Sinh 5 đứa con cùng lúc, chị Thư đã phải "tổng huy động" cả hai bên nội - ngoại dồn sức cùng nhau chăm sóc.
Cứ khoảng 2 giờ đồng hồ, cả bà ngoại, bà nội và vợ chồng tôi đồng thời phải thức dậy 1 lần cho các bé ti sữa, thay tã
- Eva.vn
”“Đêm nào cũng vậy, lũ trẻ thay phiên ọ ẹ, khóc đòi sữa khiến tôi chỉ dám chợp mắt tí rồi thức trông. Sợ nhất là lúc một đứa bệnh lây sang bốn đứa còn lại.
Tôi đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng sau sinh suốt thời gian dài.
Dần dần, tôi cũng quen với cảnh ấy. Nhìn chúng lớn lên từng ngày, vợ chồng tôi chấp nhận cực khổ nhưng lòng thấy hạnh phúc”, chị Thư nói.
Khi 5 đứa trẻ tròn 18 tháng, vợ chồng chị Thư quyết định gửi con đến nhà trẻ. Bà Kim (66 tuổi) – mẹ chồng chị cho hay, từ ngày con dâu sinh cháu, bà bận rộn hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, chị Thư vẫn là người cực nhất.
5h sáng, chị phải dậy chuẩn bị cơm nước cho gia đình và các con. Khi chúng ngủ dậy, chị đưa từng đứa đi vệ sinh cá nhân rồi đút ăn.
Xong xuôi, chị chia làm 2 chuyến xe chở lũ trẻ đến lớp. Về nhà, chị tất bật giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa. Xế chiều, chị đón các con về nhà cho chúng ăn uống… Công việc cứ xoay vòng cho đến đêm.
“Thư là người vợ, người mẹ quá tuyệt vời. Tôi ở chung cùng vợ chồng nó nhưng chỉ phụ trông và cho 2 đứa bé ăn. Lắm lúc chúng đùa nghịch, tranh giành nhau đồ chơi rồi…khóc mà tôi hoảng.
Khi đó, mẹ lũ trẻ lại phải đứng ra làm “quan tòa” phân xử để 5 đứa cùng nhường nhịn, chơi đùa vui vẻ”, bà Kim kể.
Con lớn dần, vợ chồng chị Thư phải chịu gánh nặng kinh tế gấp nhiều lần trước. Mọi chi phí từ ăn uống, học tập, quần áo,…lúc nào cũng phải nhân 5.
Riêng việc cho các bé đi nhà trẻ, họ phải đóng một khoản tiền gần chục triệu mỗi tháng dù con chị học trường công. Thi thoảng, chị mới mua quần áo cho các con mặc nhưng không dám lựa đồ xịn.
“Có lẽ lũ trẻ vào học lớp 1, vợ chồng con trai tôi sẽ phải lo nhiều hơn bây giờ. Tôi biết chúng đang cố gắng làm lụng để các con có cuộc sống ấm no nhưng vất vả quá.
Ngày ngày, bố chúng xin tăng ca để có thêm thu nhập, mẹ tranh thủ buôn bán qua mạng kiếm thêm, tuy nhiên không thấm vào đâu.
Những đứa trẻ trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam có cách đối xử với nhau rất riêng. Thay vì gọi nhau là anh/ chị - em hoặc gọi tên như bao đứa trẻ khác, các con chị chỉ thích xưng hô với nhau "cậu - mình" như những người bạn thân thiết.
- Eva.vn
”May mắn, công ty nơi con trai tôi công tác hỗ trợ cho lũ trẻ mỗi tháng 5 triệu. Nếu không có họ, vợ chồng nó sẽ khó khăn, vất vả nhiều”, bà Kim trải lòng.
5 đứa trẻ chơi đồ hàng xong, chị Thư tất bật vào bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho các con. Thấy mẹ chạy lên chạy xuống, bé Huynh (cậu con cả) lại hỏi mẹ có mệt không.
Trong lúc chờ bà nội và mẹ dọn cơm, 5 anh em: Huynh, Đệ, Lộc, Phượng và Muỗi ngoan ngoãn xếp gọn đồ chơi vào túi.
Sau đó, anh cả, anh ba và bé út cùng nhau hát múa bài “Bố ơi! Mình đi đâu thế”. Hai bé còn lại đứng ngoài cổ vũ, hoan hô.
Với vợ chồng chị Thư chỉ cần các con yêu thương, đùm bọc, mọi khó khăn, mệt mỏi trong tổ ấm nhỏ bỗng tan biến thành động lực cố gắng.